1. Ý nghĩa của chỉ số men gan là gì?
Men gan là một hệ thống enzyme tham gia vào các quá trình chuyển hóa trong gan như sản xuất mật, chuyển hóa dinh dưỡng, loại bỏ độc tố, và xử lý thuốc. Chỉ số men gan là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá tình trạng sức khỏe của gan.
Chỉ số men gan gồm ALT, AST, GGT, ALP
Các loại men gan được phân loại như sau:
- ALT - Alanine transaminase: men gan này chủ yếu tồn tại trong gan và tham gia vào quá trình chuyển đổi protein thành năng lượng cho tế bào gan. Khi chỉ số men gan tăng cao, đặc biệt là chỉ số ALT, đó là dấu hiệu rõ ràng cho sự tổn thương gan.
- AST - Aspartate transaminase: chức năng chính của AST là chuyển đổi axit amin tại các bộ phận như gan, tim, và cơ. Thường thì chỉ số AST được kiểm tra cùng với ALT để đánh giá tình trạng tổn thương gan.
- GGT - Gamma-glutamyl transferase: men gan này thường tồn tại ở nhiều mô, đặc biệt là gan. Khi chỉ số GGT biến đổi, đó là dấu hiệu của sự bất thường ở gan, ống mật, tuỵ, và thận.
- ALP - Alkaline phosphatase (ALP): men gan này được sử dụng ít hơn so với ba loại men còn lại, và thường được sử dụng cùng với các xét nghiệm khác để xác định các vấn đề liên quan đến viêm gan, tắc nghẽn ống mật, hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan đến xương.
2. Chỉ số men gan tăng cao ở mức nào?
Khi gan gặp vấn đề hoặc bị tổn thương do nhiều nguyên nhân khác nhau, các enzyme men gan sẽ được giải phóng nhiều hơn, dẫn đến chỉ số men gan tăng cao hơn mức bình thường. Tình trạng này có thể phân thành các mức độ từ tăng nhẹ, tăng trung bình đến tăng cao tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm của bốn loại men gan.
Chỉ số/Mức độ | Bình Thường | Tăng Nhẹ | Tăng Trung Bình | Tăng Cao |
AST (UI/l) | 5 - 37 | 40 - 80 | 80 - 200 | > 200 |
ALT (UI/l) | 5 - 40 | 40 - 80 | 80 - 200 | > 200 |
GGT (UI/l) | 5 - 60 | 40 - 80 | 80 - 200 | > 200 |
ALP (UI/l) | 35 - 115 | 40 - 80 | 80 - 200 | > 200 |
3. Các dấu hiệu của men gan tăng cao
- Da có các vết mẩn ngứa: do gan bị tổn thương, làm giảm khả năng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và dẫn đến các vấn đề về da.
- Thường gặp vấn đề về tiêu hóa như khó tiêu, không ngon miệng: do quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng bởi gan không hoạt động đúng cách, ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn.
Những người có vấn đề về gan thường cảm thấy mất hứng thú với việc ăn, khó tiêu, và có thể buồn nôn
- Da chuyển sang màu vàng do nồng độ bilirubin tăng cao trong gan khi bị tổn thương và không hoạt động đúng cách. Đây là một biểu hiện phổ biến và cũng là một tín hiệu cảnh báo cho sự bất thường về gan.
- Phân có màu vàng nhạt thường xuyên là một biểu hiện dễ bị bỏ qua và cũng là một trong những dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến hệ thống mật, gan và tuỵ. Nếu bạn gặp phải tình trạng này và không cải thiện sau khi thay đổi chế độ ăn, hãy đi thăm bác sĩ sớm.
- Cảm giác đau ở vùng hạ sườn bên phải: men gan tăng cao thường là một dấu hiệu của tổn thương gan, và người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng này, nơi gan thường đặt. Tình trạng này có thể kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn nếu kèm theo các vấn đề về gan khác.
- Nước tiểu có màu vàng hoặc đậm hơn bình thường.
4. Nguy hiểm của chỉ số men gan cao là gì?
Chỉ số men gan tăng nhẹ thường không có triệu chứng cụ thể và đôi khi không gây ra tổn thương nghiêm trọng cho gan. Tuy nhiên, nếu chỉ số này không được kiểm soát ở mức bình thường trong thời gian dài, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: xơ gan, ung thư gan, viêm gan, viêm cầu thận, viêm cơ, viêm túi mật, tắc ống mật,...
Chỉ số men gan cao có thể gây ra xơ gan, viêm gan hoặc ung thư
Ngoài ra, khi chỉ số men gan không được kiểm soát hiệu quả và tăng quá cao, có thể gây ra những nguy hiểm đe dọa đến tính mạng như suy gan, hôn mê gan. Các tình trạng này thường có tỷ lệ hồi phục thấp và có thể dẫn đến tử vong nếu không có phương pháp điều trị kịp thời, chính xác.
5. Khi nào cần thực hiện xét nghiệm?
Có thể thấy, chỉ số men gan cao nếu không được duy trì ổn định sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Vậy khi nào cần thực hiện xét nghiệm để kiểm tra liệu cơ thể có đang mắc tình trạng men gan cao?
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, uể oải.
- Vàng da hoặc vàng tròng mắt.
- Đau âm ỉ vùng thượng vị.
- Ăn khó tiêu, chán ăn hoặc buồn nôn.
- Sụt cân bất thường khi không theo chế độ ăn kiêng hoặc tập luyện,...
6. Làm thế nào để cải thiện chỉ số men gan?
Đối với tình trạng chỉ số men gan cao, ngoài việc sử dụng các loại thuốc đặc trị y khoa, việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống hàng ngày cũng là yếu tố quan trọng để có kết quả hồi phục sớm.
6.1. Đổi chế độ ăn uống
- Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, omega 3-6-9, khoáng chất, vitamin, đạm từ đậu, hạt hoặc thịt trắng (cá, gà,...)
- Hạn chế thực phẩm hoặc thức uống nhiều đường vì chúng tăng áp lực cho gan và có thể gây tích tụ mỡ ở gan.
- Tránh thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn vì chúng thường chứa nhiều đường, dầu mỡ, chất bảo quản có thể tổn hại gan.
- Uống đủ nước từ 1,5 - 2 lít mỗi ngày.
6.2. Sống lành mạnh
- Không uống rượu bia hoặc thức uống có cồn.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường trao đổi chất.
- Giảm cân nếu cần thiết.
- Ngủ đủ giấc và tránh thức khuya.
- Tránh môi trường ô nhiễm, chất độc hại.
Thường xuyên vận động để nâng cao sức khỏe
6.3. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Thông thường, chỉ số men gan được xét nghiệm định kỳ trong gói kiểm tra tổng quát. Việc kiểm tra sức khỏe mỗi 6 tháng không chỉ giúp phát hiện sớm men gan cao mà còn duy trì chỉ số ổn định. Khi có dấu hiệu men gan cao, nên đi kiểm tra ngay để đánh giá chính xác tình trạng bệnh.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm men gan cao