
Trong tác phẩm Macbeth của Shakespeare, nhân vật chính đã phát ngôn một dự đoán về giấc ngủ, sau này trở thành những phát hiện quan trọng về giấc ngủ: “Giấc ngủ làm dịu đi tất cả âu lo của chúng ta. Giấc ngủ giúp mỗi ngày kết thúc thảnh thơi. Giấc ngủ giải toả cho kẻ lao động vất vả và chữa lành những tổn thương trong tâm trí. Giấc ngủ, món chính của bữa tiệc cuộc đời, cũng là món ăn bổ dưỡng nhất”.
Chúng ta dành 1/3 cuộc đời để ngủ. Hãy tưởng tượng bạn sống 60 năm, thì 20 năm trong đời bạn không nhìn thấy ánh sáng, không có ý thức về thế giới xung quanh và nằm trong tư thế hoàn toàn bất động. Một việc chúng ta, đôi khi coi là không quan trọng. Nhưng chúng ta quên rằng giấc ngủ không phải là sự lãng phí, mà là một phần thiết yếu của cuộc sống.

Nếu giấc ngủ không quan trọng, vì sao nó không bị loại bỏ qua quá trình tiến hóa? Hãy nhìn xung quanh, từ côn trùng tới loài người, giấc ngủ luôn tồn tại. Vì giấc ngủ thực sự là yếu tố giúp chúng ta tồn tại và phát triển. Đây chính là quan điểm mà tác giả của cuốn sách 'Tại sao chúng ta cần ngủ', Matthew Walker, muốn truyền tải tới bạn đọc.
Các quan niệm sai lầm về giấc ngủ
Lối sống hiện đại và quá trình công nghiệp hoá khiến nhiều người bỏ qua giấc ngủ. Thậm chí chúng ta cũng có thể thức khuya đến 2-3 giờ sáng để xem phim trên Netflix, rồi lại phải dậy sớm vào lúc 6 giờ để đi làm. Những giấc ngủ ngắn chỉ kéo dài 4 giờ thường dẫn đến sự mệt mỏi vào buổi sáng và chúng ta cần phải dùng cà phê để tỉnh táo.

Vòng lặp này lặp đi lặp lại hàng ngày, và đôi khi sự bận rộn được tôn vinh thông qua truyền thông, với các bài báo kể về 'tỉ phú A chỉ ngủ 4 tiếng mỗi đêm', hoặc 'nhà khoa học B làm việc 16 tiếng mỗi ngày'. Thậm chí còn có những tư duy cực đoan như 'bạn có cả thiên niên kỉ để ngủ sau khi chết', tiêm nhiễm vào đầu chúng ta những quan niệm sai lầm về giá trị của giấc ngủ.
Những đêm thức trắng hoặc ngủ dậy cảm thấy uể oải là vấn đề phổ biến mà nhiều người phải đối mặt. Điều này đã biến một nhu cầu cơ bản của con người, một yếu tố được tiến hóa qua hàng triệu năm, trở thành biểu tượng của sự lười biếng và thậm chí là gì đó đáng trách.
Và hướng dẫn cụ thể cho độc giả
Matthew Walker, một nhà khoa học đã nghiên cứu về giấc ngủ hơn 20 năm và có hơn 100 bài báo cáo, thực sự là một chuyên gia về giấc ngủ đối với lĩnh vực nghiên cứu não bộ và những người quan tâm đến khoa học. Tất cả kiến thức ông đã tích luỹ qua nhiều năm nghiên cứu được gửi gắm một cách trọn vẹn qua cuốn sách gần 500 trang, được chia thành 4 phần theo một cấu trúc khoa học.

Matthew Walker giải thích chi tiết về cấu trúc của giấc ngủ, về giấc ngủ NREM, REM và cách mà giấc ngủ hoạt động, mang đến cho độc giả kiến thức cơ bản để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến giấc ngủ mà con người đang gặp phải. Mục tiêu lớn nhất của ông là đẩy mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ và hiểu rõ hơn về nó.
Mặc dù giấc ngủ thường được coi là thời gian nghỉ ngơi, thực tế lại không phải như vậy. Giấc ngủ là thời gian não bộ hoạt động mạnh mẽ, và được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau. Trong cuốn sách, hai giai đoạn quan trọng nhất là giấc ngủ NREM sâu (non-rapid eye movement) và giấc ngủ REM (rapid eye movement).
Trong giai đoạn giấc ngủ NREM sâu, não bộ loại bỏ các kết nối không cần thiết và tạo ra cơ hội để hình thành kiến thức và tư duy mới.
Giấc ngủ REM là thời gian mà chúng ta mơ, kích hoạt các phản ứng thần kinh và xây dựng những kí ức mới. Giấc ngủ REM cũng giúp não bộ xử lý và tổ chức thông tin, tạo điều kiện cho sự sáng tạo và suy nghĩ trừu tượng.
Mỗi giai đoạn của giấc ngủ đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của con người, và bất kỳ thiếu sót nào trong các giai đoạn đó đều có thể gây ra rối loạn tâm lý, ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung và hệ thần kinh nói riêng. Thiếu ngủ không chỉ làm giảm sự tập trung, trí nhớ và năng suất lao động, mà còn làm giảm tuổi thọ.

Cuộc sống hiện đại với ánh sáng điện, màn hình điện tử và các chất kích thích như caffeine và rượu, cùng với những quan điểm sai lầm về giấc ngủ như việc thức khuya, dậy muộn, tin rằng người già cần ít giấc ngủ hơn, hoặc rằng người ngủ ít sẽ làm việc hiệu quả hơn, đều góp phần làm suy giảm sức khỏe của con người do mất ngủ hoặc thiếu ngủ.
Sự ảnh hưởng này thể hiện rõ trên chất lượng cuộc sống và tỉ lệ mắc bệnh của người dân ở các quốc gia công nghiệp và phát triển, nơi cuộc sống bận rộn và hối hả được coi là tiêu chuẩn. Đây là một vấn đề cốt lõi của y tế công cộng mà tác giả mong muốn thay đổi.
Bằng cách sử dụng dẫn chứng cụ thể, giải thích khoa học một cách rõ ràng và sử dụng biểu đồ đơn giản, Matthew đã làm cho chủ đề phức tạp về giấc ngủ trở nên dễ hiểu hơn đối với mọi người.
Mặc dù chủ đề về khoa học não bộ không đơn giản, cuốn sách 'Sao chúng ta lại ngủ' không chỉ dành cho các chuyên gia mà còn phù hợp với mọi người quan tâm đến khoa học. Tuy nhiên, không phải lúc nào cách giải thích của tác giả cũng dễ hiểu với mọi độc giả, vì vậy việc đọc sách này cần sự nghiên cứu kỹ lưỡng và thời gian để suy ngẫm.

Với một chuyên gia trong lĩnh vực, 'Sao chúng ta lại ngủ' không phải là một thách thức quá lớn, hoàn toàn có khả năng thuyết phục và thay đổi quan điểm của người đọc về một vấn đề trước đây chưa được chú ý đúng mức. Cách viết ngắn gọn, súc tích của tác giả, kèm theo nhiều dẫn chứng và nghiên cứu cụ thể, rõ ràng thể hiện tư duy logic của một nhà khoa học có kinh nghiệm.
Nếu bạn từng gặp phải hoặc đang phải đối mặt với vấn đề mất ngủ, thiếu ngủ hoặc trầm cảm do giấc ngủ kém chất lượng, bạn sẽ cảm thấy như tác giả hiểu và thông cảm với bạn, đồng thời giải thích rõ ràng về nguyên nhân và chỉ dẫn cách để vượt qua tình trạng ngủ không đủ, giấc ngủ không sâu và những sáng sớm gắn liền với cốc cà phê và mệt mỏi khi lái xe về nhà.
Với một người từng phải đối mặt với vấn đề mất ngủ như tôi, 'Sao chúng ta lại ngủ' không chỉ là một cuốn sách đặt ra câu hỏi mà còn là câu trả lời cho những thắc mắc từ lâu, tổng hợp tất cả vấn đề về giấc ngủ và sức khỏe mà tôi từng trải qua. Tôi tin rằng mọi người đọc cuốn sách này cũng sẽ nhận ra tầm quan trọng của giấc ngủ mà họ có thể đã coi thường. Điều thú vị là tác giả còn nhấn mạnh rằng, nếu bạn đọc sách mà bất giác chìm vào giấc ngủ, hãy yên tâm rằng ông sẽ không trách móc bạn, thậm chí còn mừng rỡ vì điều đó.
Linh Phan
Nghiên cứu sinh Ngành Công nghệ Sinh học và Khoa học Não bộ