Dù chú ý và ghi chép cẩn thận, hiện tượng “rớt não” vẫn có thể xảy ra trong và sau cuộc họp.
Đầu năm là thời điểm nhiều công ty bắt đầu các dự án mới, dẫn đến nhiều cuộc họp liên tục để lên kế hoạch và ý tưởng. Dù đã chuẩn bị sổ ghi chép kỹ lưỡng, nhiều người vẫn bị “ngợp” thông tin và trở nên “não cá vàng”.
Tình trạng này khá phổ biến. Theo thống kê từ chuyên trang nhân sự Gartner, khoảng 65% nhân viên văn phòng quên hầu hết nội dung cuộc họp sau 1-2 tiếng. Dù việc ghi chép giúp lưu trữ thông tin, đôi khi cuộc họp diễn ra nhanh hoặc khi đọc lại ghi chép, bạn không hiểu mình đã viết gì.
Vậy tại sao não bộ dễ dàng quên nội dung cuộc họp? Có mẹo gì giúp chúng ta họp nhanh mà nhớ lâu?
Quên lãng là một hiện tượng có quy luật.
Nhiều lúc bạn quên thông tin không phải do không chú ý, mà bởi khoảng cách thời gian và cách não bộ xử lý chúng. Nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus đã khám phá ra hiện tượng này và gọi nó là “đường cong quên lãng” (Ebbinghaus forgetting curve).
Ebbinghaus tạo ra khoảng 2300 âm tiết “vô nghĩa” theo cấu trúc phụ âm - nguyên âm - phụ âm (ví dụ ZUC và QAX). Sau đó, ông nhóm chúng lại và học thuộc cho đến khi có thể đọc chính xác trong thời gian giới hạn. Ông lặp lại bài tập này nhiều lần trong suốt 7 tháng.