Trauma bond, hay sự gắn kết đau thương, xảy ra khi nạn nhân dần thích nghi và chấp nhận sống chung với những tổn thương.
Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao một cô gái dù ở trong một mối quan hệ độc hại vẫn không chia tay mà ngược lại còn bảo vệ bạn trai mình? Là người ngoài cuộc, chúng ta thường nghĩ rằng việc chấm dứt một mối quan hệ độc hại là điều dễ dàng khi các dấu hiệu tiêu cực xuất hiện.
Thực tế, trong nhiều mối quan hệ, sự lạm dụng và tổn thương lại trở thành sợi dây ràng buộc, kết nối những người trong cuộc thông qua hiện tượng gọi là “trauma bond'.
Trauma bond không chỉ khiến nạn nhân liên tục thực hiện những hành vi tự gây tổn thương mà còn khiến họ cảm thấy bối rối, choáng ngợp sau khi rời khỏi mối quan hệ và phải đối mặt với lo lắng về sự chia ly trong các mối quan hệ tương lai.
Trauma bond là gì?
Trauma bond (tạm dịch: gắn kết đau thương) mô tả một loại tình cảm gắn bó mãnh liệt giữa kẻ lạm dụng và nạn nhân.
Trong một mối quan hệ có gắn kết đau thương, những khoảnh khắc bị lạm dụng, thao túng thường xen kẽ với những giai đoạn yêu thương hoặc thân mật không liên tục, khiến nạn nhân vì khao khát sự yêu thương mà bỏ qua các giai đoạn còn lại. Nạn nhân thường cố gắng biện minh hoặc hợp lý hóa sự lạm dụng mà họ đang trải qua, từ đó hình thành tình cảm gắn bó với kẻ lạm dụng.