1. Một số dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp bả vai
Thoái hóa khớp bả vai nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm, bao gồm hỏng khớp, biến dạng khớp, vôi hóa khớp, cảm giác tê liệt ở vai, cổ và lưng, và suy giảm nghiêm trọng về khả năng vận động của người bệnh.
Đau nhức do thoái hóa khớp bả vai
Khi bị thoái hóa khớp vai, người bệnh có thể phát hiện một số dấu hiệu sau:
- Sưng khớp: Khu vực khớp vai bị thoái hóa thường có biểu hiện sưng đau, nóng lên,... Nếu chạm vào, người bệnh sẽ cảm nhận rõ ràng sự sưng nóng này.
- Cứng khớp: Khớp vai trở nên cứng hơn bình thường. Người bệnh gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động như vòng tay qua phía sau. Đây là dấu hiệu đặc trưng của những người mắc thoái hóa khớp vai.
- Đau đớn: Bệnh nhân mắc thoái hóa khớp vai thường gặp tình trạng đau khớp. Đau có thể là nhẹ nhàng nhưng cũng có thể là cảm giác đau mãnh liệt. Đau tăng lên khi người bệnh di chuyển hoặc làm việc nặng, và giảm dần khi nghỉ ngơi.
Ngoài ra, cơn đau cũng có thể xuất hiện theo từng đợt hoặc đau liên tục. Tình trạng đau nhức không chỉ xảy ra ở vùng khớp bả vai mà còn có thể lan xuống phần ức và cổ của bệnh nhân.
- Hạn chế, giảm biên động của khớp vai, khi cử động thấy có tiếng lạo xạo, lục cục trong khớp: Do bị cứng và đau khớp nên người bệnh gặp rất nhiều hạn chế khi vận động. Bệnh nhân rất khó khăn khi thực hiện một số động tác như xoay vai, với tay lên hoặc cúi người xuống,…
2. Vì sao phụ nữ dễ bị thoái hóa khớp hơn nam giới?
Bệnh thoái hóa khớp bả vai có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau và thường gặp nhất là ở người cao tuổi do tình trạng lão hóa xương khớp. Ngoài ra, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao có thể kể đến như người hay phải lao động nặng, lao động quá sức, thường xuyên phải mang vác vật nặng, các vận động viên cử tạ, bơi lội, vận động viên bóng bàn, thợ gò, hàn, quai búa,… Nhân viên văn phòng cũng là những đối tượng dễ bị thoái hóa khớp vai do phải thường xuyên ngồi làm việc bên máy tính trong suốt 7 đến 8 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Nhân viên văn phòng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp vai
Tình trạng thoái hóa khớp nói chung và thoái hóa khớp bả vai nói riêng có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, nhưng tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới thường cao hơn. Một kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Viêm khớp Thurston của trường Đại học North Carolina tại Mỹ cho thấy, có đến 62% số người bị viêm xương khớp là nữ giới.
Theo các chuyên gia, nữ giới và nam giới có những đặc điểm sinh lý rất khác nhau. Trong đó ở nữ giới, hệ thống khớp và dây chằng thường yếu hơn nam giới, đồng thời xương cũng nhỏ và mỏng hơn nên dễ mắc phải các bệnh về khớp, trong đó bao gồm thoái hóa khớp.
Mô sụn có tác dụng bao bọc phần đầu xương tạo nên các khớp. Trong khi đó, nội tiết tố lại góp phần quan trọng trong việc bảo vệ mô sụn. Ở nữ giới, do có sự sụt giảm nội tiết tố, nhất là estrogen trong những ngày kinh nguyệt, quá trình thai nghén, sinh con, tiền mãn kinh, thời kỳ mãn kinh,… vì thế hệ thống xương khớp của phụ nữ cũng nhanh suy yếu hơn rất nhiều so với nam giới.
Cụ thể là khi nội tiết tố sụt giảm nhanh chóng, chất lượng phần mô sụn bao bọc quanh các khớp cũng có thể giảm đi, đồng thời quá trình hủy xương tăng nhanh làm tăng nguy cơ loãng xương và thoái hóa khớp.
Nguy cơ thoái hóa khớp vai ở phụ nữ cao hơn nam giới
Hơn nữa, vấn đề về nội tiết tố ở phụ nữ cũng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ viêm khớp tự miễn, gây hại cho sụn khớp.
Bên cạnh đó, phụ nữ thường gặp lo lắng, lười vận động hơn và dễ tăng cân hơn so với nam giới. Do đó, họ có nguy cơ cao hơn về các vấn đề về xương khớp, đặc biệt là loãng xương và thoái hóa khớp.
3. Một số cách phòng tránh thoái hóa khớp bả vai
Để phòng ngừa các vấn đề về xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp bả vai, phụ nữ cần tích cực chăm sóc sức khỏe xương khớp từ khi còn trẻ bằng những biện pháp sau:
- Hãy xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, tập trung vào thực phẩm giàu canxi, vitamin D, protein, axit béo omega-3,… Nên ưa chuộng rau xanh và trái cây, hạn chế thực phẩm đã chế biến, đồ fast food, đồ uống có đường và chất kích thích.
Xây dựng chế độ ăn lành mạnh để ngăn ngừa bệnh
- Tập luyện đều đặn không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa nhiều loại bệnh mà còn cải thiện độ dẻo dai và sức mạnh của hệ thống xương khớp.
Thường xuyên vận động và di chuyển. Tránh lâu ngồi hoặc đứng. Nên tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày với các hoạt động như yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe,… Trước khi tập, hãy khởi động kỹ để tránh chấn thương không mong muốn, và đeo đồ bảo hộ nếu cần thiết.
- Duy trì cân nặng lý tưởng cũng giúp giảm áp lực không cần thiết cho xương khớp.
- Chủ động thăm khám xương khớp định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường để áp dụng các biện pháp điều trị kịp thời.