Bạn chứng kiến sếp quở trách đồng nghiệp trong cuộc họp. Và ngay lập tức, không khí căng thẳng lan tỏa khắp phòng. Bạn cũng cảm thấy áp lực, dù vấn đề không ảnh hưởng đến bạn. Khi đến lượt báo cáo cho sếp, bạn cảm thấy lúng túng, lo lắng, thậm chí run sợ hoặc cắn móng tay để giảm căng thẳng.
Nếu bạn từng gặp phải tình huống này, hãy nhớ rằng bạn không phải một mình - đó là phản ứng hoàn toàn bình thường. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu về Hành vi Tổ chức, căng thẳng có thể lan truyền rộng rãi, đặc biệt là giữa những người quen biết. Hiện tượng này còn được gọi là “stress gián tiếp” (hoặc “căng thẳng thứ hai”).
Căng thẳng gián tiếp là gì?
Đó là trạng thái căng thẳng khi nhìn thấy người khác lo lắng, dù vấn đề của họ không liên quan đến bạn. Điều này xảy ra vì trong quá trình tiến hóa, con người đã phát triển cơ chế để nhận biết và phản ứng trước các nguy cơ tiềm ẩn nhằm bảo vệ bản thân. Theo Happiful, khi chúng ta thấy người khác căng thẳng, chúng ta thường tự động bắt chước để tự bảo vệ.
Thông thường, thông qua ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm hoặc giọng điệu, chúng ta có thể nhận biết được cảm xúc của người khác. Do đó, chúng ta cảm nhận và chia sẻ cảm xúc đó.
Cảm giác căng thẳng dễ lây lan từ người thân quen (bạn bè, người thân hay đồng nghiệp) hơn là từ một người xa lạ. Tuy nhiên, đôi khi điều này được coi là một phiên bản 'cực đoan' của lòng thấu hiểu.