Trần nhà thờ cao không chỉ mang tính chất tâm linh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của con người.
Nếu bạn để ý, bạn sẽ nhận thấy rằng trần nhà của các nhà thờ (đặc biệt là nhà thờ Công giáo) thường được xây cao. Chúng cũng thường được trang trí tráng lệ, khiến bạn phải ngước nhìn mãi không thôi. Điều này không chỉ xuất hiện ở nhà thờ Công giáo mà còn xuất hiện ở nhiều kiến trúc khác trong Phật giáo, Hồi giáo và Ấn giáo.
Về mặt tâm linh, việc xây trần nhà ở những nơi thờ tự cao nhằm tăng cảm giác mở rộng, linh thiêng, từ đó tạo sự kết nối với các thực thể tối cao phía trên. Nhưng về mặt tâm lý, độ cao của trần nhà có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong tư duy của con người.
Hiệu ứng nhà thờ là gì?
Hiệu ứng Nhà thờ là thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa chiều cao trần nhà và cách con người tư duy và giải quyết vấn đề. Theo đó, trần nhà cao thúc đẩy tư duy trừu tượng, sáng tạo và tự do, còn trần nhà thấp khiến bạn suy nghĩ có phần nguyên tắc và chi tiết hơn.
Hiệu ứng này được nhà nhân chủng học Edward T. Hall phát hiện lần đầu tiên vào năm 1960. Ông để ý thấy mọi người thường có suy nghĩ bó buộc trong các nhà nguyện nhỏ hơn là các thánh đường rộng lớn với trần nhà cao.