Công an Hà Nội đã công bố nguyên nhân vụ cháy chung cư mini khiến 56 người thiệt mạng, gây ngạc nhiên cho nhiều người.
Nguyên nhân không ngờ của vụ cháy làm 56 người tử vong
Sau 7 ngày từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn, vào ngày 20/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã đưa ra thông báo kết luận về nguyên nhân vụ cháy chung cư mini tại số nhà 37 ngõ 29/70, phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, khiến 56 người thiệt mạng.
Theo kết luận của giám định, điểm xuất phát của vụ cháy nằm tại khu vực tường thuộc tầng 1 bên trong khu chung cư mini. Nguyên nhân cháy được xác định do sự cố chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu của chiếc xe ga (xe sử dụng xăng) được đặt sát tường, gây ra vụ hỏa hoạn.
Vụ hỏa hoạn đã thiêu trụi toàn bộ xe máy được đậu trong khu vực hầm (Ảnh: Người lao động)
Sau đó, ngọn lửa lan ra khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện treo trên tường tầng 1 và lan ra xung quanh, gây ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng khiến 56 người thiệt mạng và hàng chục người phải nhập viện cấp cứu.
Theo thống kê, các vụ cháy xe máy xăng khi không di chuyển là hiếm và không thường xuyên xảy ra.
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn đến cháy, nổ trên các phương tiện như môtô, xe máy và ôtô. Trong số đó, nguyên nhân chính là rò rỉ nhiên liệu kết hợp với tia lửa từ chập điện, hoặc nhiệt độ cao từ động cơ kết hợp với rò rỉ nhiên liệu.
Các chuyên gia kỹ thuật xe máy cho biết, xe không khởi động thì rất khó tự cháy, nhưng vẫn có những trường hợp hiếm gặp. Ví dụ, vào năm 2018, vụ cháy chung cư Carina ở TP.HCM có nguyên nhân từ chiếc xe tay ga Attila tự bốc cháy trong hầm vào rạng sáng ngày 23/3, khiến 13 người tử vong và hàng chục người bị thương.
Hàng loạt xe ô tô, xe máy bị thiêu rụi trong hầm chung cư Carina. Ảnh: Ngô Bình/Tiền Phong
Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân chính khiến một chiếc xe máy không di chuyển nhưng có thể bị cháy.
Nguyên nhân rò rỉ nhiên liệu: Một chiếc xe máy đỗ trong hầm xe, nếu không sử dụng trong thời gian dài, nhiên liệu có thể rò rỉ ra ngoài. Khi gặp điều kiện nhiệt độ cao hoặc một nguồn lửa nhỏ, có thể gây cháy.
Với xe hiện đại sử dụng phun xăng điện tử, tỷ lệ này rất hiếm. Tuy nhiên, nếu xe sử dụng chế hòa khí đời cũ, hơi xăng có thể dễ thoát ra ngoài, trở thành nguồn dẫn lửa nhanh chóng, đặc biệt khi các bộ phận vẫn còn nóng.
Thực tế ở Việt Nam đã có vụ cháy do rò rỉ nhiên liệu, xảy ra trên cả ô tô và xe máy.
Hệ thống điện và pin: Lỗi trong hệ thống điện hoặc pin không tốt có thể dẫn đến tình trạng nguồn lửa nhỏ hoặc lớn. Nếu có sự cố điện, có thể tạo ra tia lửa hoặc nhiệt độ cao đủ để kích hoạt cháy với xăng hoặc các chất khí bị rò rỉ.
Một chiếc ô tô đang đỗ trong sân bất ngờ bốc cháy vào ngày 24/4 vừa qua tại Nghệ An (Ảnh: VTC News)
Thông thường, dây dẫn điện bình ắc-quy được tách biệt cẩn thận. Tuy nếu vỏ dây bị hỏng và không được sửa chữa kỹ lưỡng, hai cực âm, dương có thể tiếp xúc mà không qua vật tiêu thụ điện, gây đoản mạch và cháy.
Thiết bị điện tử: Một số thiết bị trong xe máy có thể tiêu tốn điện ngay cả khi tắt nguồn. Nếu có sự cố, chúng có thể nóng lên và gây ra nguy cơ cháy.
Sự can thiệp không đúng cách hoặc lỗi của người sử dụng: Việc lắp thêm các thiết bị không phù hợp có thể tạo ra sự quá tải hệ thống điện và gây ra nguy cơ chập cháy cao.
Tuy nhiên, việc bảo dưỡng định kỳ ở các đại lý chính hãng hoặc cửa hàng uy tín giúp giảm thiểu nguy cơ chập mạch. Người sử dụng cũng nên sử dụng các bộ phận đúng chuẩn và thường xuyên kiểm tra để phát hiện sớm các vấn đề có thể gây ra cháy, nổ.
Kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề nguy cơ như chuột cắn, vỏ dây dẫn điện bị rách...
Nếu thấy xe có hiện tượng bất thường như khó khởi động, tiếng nổ lạ, điện chập chờn, người dùng cần mang xe đi kiểm tra ngay.
Khi đỗ xe, người dùng nên tắt máy và đợi xe nguội trước khi đẩy vào nơi đỗ. Xe không nên đỗ gần vật liệu dễ cháy hoặc nguồn điện.