Cạnh tranh trên thị trường gọi xe công nghệ qua mỗi năm lại càng trở nên khốc liệt hơn, nhưng liệu có giải pháp nào giúp các hãng 'đứng vững' trên sân chơi ngày càng thu hẹp này?
Mọi nơi đều xuất hiện... tài xế, thu nhập giảm dần theo thời gian lái xe
Trong năm 2023, một làn sóng tài xế lái xe công nghệ lan rộng. Tuy nhiên, cung cầu không cân xứng khi người tiêu dùng tiếp tục hạn chế chi tiêu, cộng với các phụ phí ngày càng tăng... làm cho tài xế không khỏi than trời vì thu nhập giảm mạnh.
Năm 2021, Gojek tuyên bố đã đạt mốc 200.000 đối tác tài xế xe máy tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng công bố vào cuối năm 2021, Việt Nam hiện có khoảng 200 nghìn tài xế lái xe công nghệ của Grab (Ảnh minh họa)
Anh H.V.Hiếu (tài xế công nghệ ở TP.HCM) chia sẻ, thu nhập của anh giảm tới 50% kể từ đầu năm, dù thời gian làm việc tăng gần gấp đôi. Tài xế N.V.Tuyền (23 tuổi) cũng tâm sự rằng, thu nhập từ công việc này đã giảm ⅓ so với trước.
Và theo chia sẻ của anh T.T.Hưng (quản lý chi nhánh TP.HCM của một ứng dụng gọi xe, giao hàng), không chỉ riêng tài xế mà các hãng xe công nghệ cũng đang gặp khó khăn trong việc 'vượt qua khó khăn' trong năm vừa qua, đặc biệt là năm 2024 sắp tới.
Các công ty đua nhau 'rót tiền' nhưng vẫn không có lãi, ngừng ưu đãi đồng nghĩa với việc mất cả khách hàng lẫn tài xế
Anh Hưng cho biết, đến thời điểm này hầu hết các hãng gọi xe công nghệ đều chưa có lãi, khi tất cả các ứng dụng đều đang tham gia vào cuộc đua 'rót tiền' để chiếm thị phần. Trong năm 2023, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, dẫn đến sụt giảm của thị trường gọi xe công nghệ.
Các ưu đãi hấp dẫn là yếu tố giúp nhiều công ty gọi xe công nghệ giữ chân khách hàng (Ảnh chụp màn hình)
“Để tiếp tục giữ vững thị trường, 'rót tiền' là điều không thể tránh khỏi. Cả ngành gọi xe và các lĩnh vực công nghệ khác (như giao hàng đồ ăn) đều đối mặt với một vấn đề: khi chi tiền vào khuyến mãi, khách hàng sẽ tham gia, nhưng khi dừng khuyến mãi, họ sẽ chuyển sang sử dụng ứng dụng khác vì có quá nhiều lựa chọn.
Tương tự, với tài xế, nếu không có chương trình thưởng hấp dẫn, họ sẽ chuyển sang công ty gọi xe khác có chế độ đãi ngộ tốt hơn”_Anh Hưng chia sẻ (Ảnh minh họa)
“Tiêu chuẩn của người dùng Việt cao hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á khác”
Bên cạnh vấn đề về chi phí, anh Hưng cũng nhấn mạnh sự 'kỹ tính' của người tiêu dùng Việt Nam là một thách thức đối với ngành gọi xe công nghệ.
Theo nhận định của anh, tiêu chuẩn của người tiêu dùng Việt cao hơn rất nhiều so với các nước Đông Nam Á xung quanh. Cụ thể, ứng dụng gọi xe công nghệ mà anh đang quản lý, ở các nước láng giềng thì khách hàng hoàn toàn chấp nhận, thậm chí số chuyến xe mỗi ngày có thể lên đến 100.000. Tuy nhiên, khi mang về Việt Nam, hiệu quả chỉ đạt 1-2% so với quốc gia khác.
(Ảnh minh họa)
Lý giải về điều này, anh Hưng cho biết người dùng Việt rất thông minh, sử dụng công nghệ cao (theo số liệu thực tế từ Statista năm 2022 cũng cho thấy, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có lượng người dùng điện thoại thông minh nhiều nhất trên thế giới), vì vậy yêu cầu về trải nghiệm ứng dụng dĩ nhiên sẽ rất cao.
“Từ tính đa dạng của tiện ích, tính đơn giản trong việc sử dụng cho đến khả năng định vị bản đồ trên ứng dụng, mọi chi tiết nhỏ nếu không được thực hiện tốt có thể gây mất điểm trong mắt người dùng Việt. Ngoài ra, thái độ và chất lượng phục vụ của các tài xế cũng là yếu tố cần được nâng cấp. Tuy nhiên, tiêu chuẩn đầu vào của nghề thường không cao, do đó việc đào tạo tài xế còn đòi hỏi nhiều nỗ lực và phải tìm kiếm biện pháp hiệu quả”_Anh Hưng chia sẻ.
“Giải quyết khó khăn” bằng việc kết hợp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và mở rộng đối tác thanh toán
Để cải thiện chất lượng dịch vụ, thu hút người dùng hiệu quả hơn trong năm tới, anh Hưng cho biết biện pháp phù hợp nhất là tập trung vào việc nâng cao trải nghiệm ứng dụng, mở rộng các tính năng tiện ích và đơn giản hóa thao tác cho khách hàng.
“Các 'ông lớn' trong ngành như Grab, Gojek liên tục mở rộng các tính năng tiện ích như đặt mua hàng, thanh toán hóa đơn,... bên cạnh dịch vụ chính là giao hàng, gọi xe. Việc cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng giúp họ giữ chân khách hàng, cũng như tăng thu nhập cho tài xế. Trong năm vừa qua, Grab còn triển khai tính năng bản đồ nhiệt, sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp tài xế nhận diện các khu vực có nhu cầu cao và biết thời gian trung bình để nhận một chuyến xe ở từng khu vực. Ngoài ra, ứng dụng còn có nút điều hướng đến các khu vực cao điểm mong muốn, giúp tài xế tăng cơ hội nhận chuyến đi. Điều này cũng giúp giảm thời gian chờ đợi của khách hàng”_Anh Hưng chia sẻ.
Grab nâng cấp ứng dụng với trí tuệ nhân tạo để cải thiện trải nghiệm cho khách hàng và tài xế (Ảnh: Grab)
Hoặc như hãng taxi Lado Taxi trong năm vừa qua đã sử dụng AI Callbot thay thế tổng đài truyền thống, giúp tự động tiếp nhận các cuộc gọi đặt xe, chuyển tới hệ thống trung tâm và đặt lệnh điều xe đến địa chỉ mong muốn trong thời gian ngắn. Tổng đài AI này cũng có thể cải thiện trải nghiệm khách hàng bằng cách đặt lịch, tư vấn chi phí, chăm sóc khách hàng…
(Ảnh minh họa)
“Hoặc, các hãng xe chỉ cần rút ngắn thao tác đặt xe, đơn giản hóa quy trình phản hồi cho khách hàng cũng đã là một điểm cộng. Ví dụ, ở Việt Nam, một hãng X (hiện đã ngừng hoạt động) gây khó khăn cho khách hàng khi quá trình phản hồi quá phức tạp - khách hàng phải điền thông tin vào một form dài để “submit” rồi chờ xin duyệt. Tiếc rằng hãng quá chú trọng vào hình thức mà bỏ qua trải nghiệm của khách hàng”_Anh Hưng chia sẻ.
Ngoài ra, anh Hưng đánh giá việc mở rộng hợp tác với nhiều đối tác thanh toán cũng là biện pháp hiệu quả để giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách mới trong năm tới. Bởi vì, ngoài các ưu đãi từ hãng, người dùng bây giờ còn nhận được thêm ưu đãi từ kênh thanh toán, giúp họ tiết kiệm chi phí mua sắm mà vẫn không chi tiêu quá mức trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Dự đoán xu hướng gọi xe công nghệ 2024: Nâng cấp ứng dụng với trí tuệ nhân tạo, dịch vụ lái xe hộ phát triển, xe điện vẫn sẽ trở nên phổ biến
Trong năm vừa qua, xu hướng sử dụng xe điện đã tăng lên và ngành gọi xe công nghệ cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đánh giá về điều này, anh Hưng cho biết xe điện không chỉ phù hợp với xu hướng nền kinh tế xanh - xu hướng chung toàn cầu hiện nay, mà còn mở ra nhiều lựa chọn cho khách hàng và giúp xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực hơn. Trong năm 2024, việc sử dụng xe điện chắc chắn sẽ tiếp tục trở nên phổ biến trên thị trường Việt Nam.
(Hình minh họa)
Dựa vào nhu cầu của thị trường, anh Hưng dự đoán dịch vụ lái xe hộ sẽ phát triển mạnh mẽ trên các ứng dụng gọi xe công nghệ. Dịch vụ này đã phát triển từ lâu ở nước ngoài và hiện đã bắt đầu xuất hiện ở một số địa phương sau khi quy định về “xử lý nồng độ cồn” được ban hành. Các hãng xe công nghệ có đủ nguồn lực vì tài xế luôn sẵn sàng, thậm chí đến mức “cung vượt quá cầu” hiện tại, do đó có thể cân nhắc tích hợp thêm dịch vụ này.
(Hình minh họa)
Quan trọng hơn cả, xu hướng tích hợp trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng để cải thiện trải nghiệm khách hàng, tiết kiệm thời gian cho tài xế chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ trong năm tới: Từ việc điều phối tài xế, dự đoán nhu cầu của khách, quản lý quan hệ khách hàng cho đến dự đoán lịch trình bảo trì và sửa chữa xe (đối với các ứng dụng cung cấp xe vận tải)... Việc tận dụng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp các hãng xe công nghệ đơn giản hóa các quy trình cơ bản, từ đó giảm thiểu chi phí và tăng sự hài lòng của khách hàng.