Toyota riêng và các hãng xe nói chung cần phải có chiến lược gì để giữ vững thị phần khi xe Trung Quốc bước vào Mỹ?
HÌNH ẢNH KỲ LẠ
Một phóng viên của Automotive News đã có cuộc trò chuyện với ông Ted Ogawa - CEO của Toyota Bắc Mỹ. Qua con mắt của mình, ông nhìn thấy trên tường phòng làm việc của ông Ogawa có 2 bức tranh lớn giữa các đồ trang trí khác.
Một bức là ảnh đen trắng của showroom đầu tiên của Toyota tại Mỹ, bức còn lại là một bản đồ thế giới lộn ngược, với Cực Bắc ở dưới và Cực Nam ở trên.
Ông Ogawa giải thích về bức ảnh đen trắng với giọng nói nhẹ nhàng, bức ảnh gợi lại kỷ niệm về những khách hàng đầu tiên và mối quan hệ lâu dài với Toyota. Bức tranh bản đồ kỳ lạ như một lời nhắc nhở với ông, rằng luôn có một góc nhìn khác với mọi thứ, bất kể mức độ quen thuộc của chúng.
Khi phóng viên này và ông Ogawa thảo luận về mối đe dọa tiềm ẩn từ các hãng xe Trung Quốc đối với hoạt động của Toyota ở Mỹ cũng như các hãng xe khác, câu hỏi được đặt ra khi liên kết 2 bức tranh trên tường này: Liệu các hãng xe Trung Quốc khi nhập cuộc tại Mỹ - thị trường lớn nhất thế giới - có đi theo con đường khác so với Toyota, Nissan/Datsun, và Honda, như đã làm 60 năm trước?
Ông Ted Ogawa - CEO Toyota Bắc Mỹ. Ảnh: Automotive News
Hiện tại, có tin đồn rằng các nhà sản xuất Trung Quốc có thể tìm đến Mỹ thông qua Mexico, nhưng có thêm con đường nào không thì vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, có một điều có thể khẳng định hơn, đó là trước sự xuất hiện của các mẫu xe Trung Quốc, những người theo chủ nghĩa bảo hộ có thể đã cảnh báo, đặc biệt là đối với những người lo lắng rằng các hãng xe Mỹ có thể không đủ cạnh tranh.
BYD của Trung Quốc được cho là đang tìm kiếm một địa điểm để xây dựng nhà máy sản xuất xe tại Mexico; tuy nhiên, đại diện của BYD đã tuyên bố rằng họ không có kế hoạch xuất khẩu các xe sản xuất tại Mexico vào Mỹ.
Có thể là vấn đề thời gian, nhưng vẫn còn câu hỏi liệu khi các mẫu xe Trung Quốc đến Mỹ, họ có đến với tư duy xâm chiếm thị trường - như đã làm ở châu Âu, hay sẽ gây rối loạn thị trường - như những người sản xuất xe Nhật từng làm hơn 60 năm trước?
Toyopet Crown là mẫu xe đầu tiên của Toyota bán tại Mỹ.
ÁP LỰC TỪ XE TRUNG QUỐC
Khi những chiếc xe Nhật Bản đầu tiên cập bến Mỹ, bao gồm cả biểu tượng Toyota Land Cruiser, vào cuối những năm 1950, thị trường không mấy phấn khích vì chúng thường nhỏ hơn so với các xe Mỹ - kích thước nhỏ hơn đồng nghĩa với không gian sử dụng hạn chế và ít tiện ích hơn.
Mặc dù xe nhỏ tiêu thụ ít nhiên liệu hơn, nhưng vấn đề về tiêu hao nhiên liệu không được coi là quan trọng cho đến khi khủng hoảng dầu mỏ nổ ra vào đầu những năm 1970. Lúc đó, xe Nhật trở nên phổ biến hơn. Họ không chỉ đưa thêm nhiều mẫu xe khác đến Mỹ, mà còn áp dụng nhiều chiến lược sản xuất và tiếp thị khác nhau để chiếm lĩnh thị trường.
Sau hơn 60 năm, triết lý sản xuất của Toyota đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp ô tô; tại Mỹ, Toyota vẫn là thương hiệu bán chạy nhất trong suốt 12 năm liên tiếp, và nhà máy Toyota tại Mỹ sản xuất khoảng 1/3 tổng số xe của đất nước này.
Bên trong nhà máy Toyota tại Mỹ. Ảnh: Luke Sharrett/Bloomberg/Getty Images
Ông Ted Ogawa nghĩ gì về điều này?
Ông cho rằng nếu các mẫu xe của Trung Quốc 'thú vị, không chỉ về giá cả, mà còn về công nghệ độc đáo - như công nghệ tự lái hoặc quản lý pin - thì đó sẽ là điều mới lạ' mà thị trường sẽ có, tương tự như những gì mà Toyota và Nissan đã từng làm được.
Nhưng nếu các xe Trung Quốc tới Mỹ và tràn ngập thị trường bằng giá cả thấp, thì đó sẽ lại là một câu chuyện khác.
Ông Ted Ogawa thừa nhận rằng trong những khó khăn lớn nhất trong năm nay khi ông đảm nhận vai trò CEO của Toyota Bắc Mỹ, xe Trung Quốc là một trong số đó. Khi các nhà sản xuất xe Trung Quốc đang gây rối loạn thị trường xe tại Mexico, họ vẫn chưa tiếp cận được thị trường Mỹ.
Sức mạnh sản xuất của các nhà máy xe Trung Quốc vượt quá nhu cầu tiêu thụ trong nước, vì vậy họ cần xuất khẩu xe để duy trì hoạt động của nhà máy.
Ông Ted Ogawa nói rằng 'tại Mexico, các xe Trung Quốc được bán với giá rất rẻ'. Ông cũng kể: 'mỗi ngày các đại lý đều hỏi tôi cách đối phó [với xe Trung Quốc]. Sản phẩm của chúng tôi tốt hơn, nhưng để duy trì sự hấp dẫn về giá niêm yết và phân khúc giá thì không hề dễ dàng'.