Quá trình yêu thương và chấp nhận bản thân có thể rất khó khăn nếu bạn từng cảm thấy bị cô lập khỏi xã hội.
Bạn có nhận thức được chính mình và chấp nhận điều đó không? Những người đã nhìn nhận và chấp nhận bản thân với những phẩm chất vốn có thường có tâm trạng ổn định hơn so với những người gặp khó khăn trong việc này.
Chấp nhận bản thân là về việc nhìn nhận ta là ai, hiểu rõ bản chất của mình cả về những lỗi lầm và những hạn chế. Chấp nhận bản thân có vẻ đơn giản nhưng thực sự lại rất khó khăn. Nói dễ, làm khó. Trên thực tế, nhiều người gặp khó khăn trong việc chấp nhận chính bản thân.
Chấp nhận bản thân không đồng nghĩa với lòng tự trọng cao hoặc tự tin. Lòng tự trọng có thể thay đổi dựa trên cách bạn đánh giá giá trị của mình; nhưng chấp nhận bản thân là điều nhất quán dù bạn nhìn nhận bản thân như thế nào.
Một tin vui là chúng ta có thể học cách chấp nhận bản thân. Việc học cách chấp nhận bản thân sẽ cải thiện sức khỏe tâm lý và giúp bạn đối mặt với những thách thức trong cuộc sống một cách tích cực.
Tại sao việc tự chấp nhận mình lại khó như vậy?
Nói dễ hơn làm. Truyền thông, gia đình, bạn bè, thầy cô giáo hoặc thậm chí là giáo lý tôn giáo thường gửi đến thông điệp rằng chúng ta không đủ tốt. Những thông điệp này làm cho việc tự chấp nhận trở nên khó khăn hơn.
Quá trình nuôi dưỡng của bạn có ảnh hưởng không nhỏ đến cách bạn nhìn nhận và chấp nhận bản thân. Một nghiên cứu vào năm 2016 với 236 thanh niên ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện rằng những người nhận được sự công nhận từ bố mẹ trong thời thơ ấu thường dễ dàng chấp nhận bản thân hơn.
Phân biệt đối xử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bạn chấp nhận bản thân: việc người khác nói rằng bạn không đáp ứng được “tiêu chuẩn” khiến cho việc tự chấp nhận trở nên khó khăn hơn. Một bài báo được công bố vào năm 2020 đã chỉ ra rằng các cá nhân thuộc cộng đồng LGBT+ thường có mức độ tự chấp nhận thấp hơn do họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử.
Tự chấp nhận mình sẽ trở nên khó khăn nếu:
Bố, mẹ hoặc người giám hộ làm cho bạn cảm thấy mình không được chấp nhận.
Bạn từng trải qua tổn thương tâm lý và điều này ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận bản thân mình.
Bạn cảm thấy có tội lỗi về những điều đã xảy ra.
Bạn đã từng bị chỉ trích vì chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng hoặc những đặc điểm khác của mình.
Dù vậy, bạn vẫn có thể học cách chấp nhận bản thân dù bạn đã trải qua những tổn thương tâm lý, từng bị phân biệt đối xử hoặc bị bỏ rơi. Dù có khó khăn, việc thực hành tự chấp nhận sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho bản thân.
Sự liên kết giữa việc chấp nhận bản thân và trầm cảm là gì?
Chấp nhận bản thân ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Một nghiên cứu vào năm 2019 đã chỉ ra rằng những người tự nhìn nhận bản thân tiêu cực và có lòng tự trọng thấp thường có dấu hiệu của trầm cảm.
Vào năm 2019, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng việc “chấp nhận bản thân vô điều kiện” là một dự đoán chính xác hơn về sức khỏe tâm thần so với lòng tự trọng. Lòng tự trọng là cách bạn đánh giá bản thân - khi bạn cảm thấy xứng đáng và tốt đẹp. Trong khi đó, chấp nhận là việc bạn chấp nhận bản thân mình dù có cảm thấy xứng đáng hay không.
Vậy tại sao việc chấp nhận bản thân lại khó đến vậy khi bạn đang trải qua trầm cảm? Có lẽ vì trầm cảm có thể ảnh hưởng đến cách bạn nhìn nhận bản thân. Cảm giác vô dụng và thiếu tự tin thường là dấu hiệu của trầm cảm. Những cảm xúc này cản trở bạn có cái nhìn tích cực về bản thân.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hành tự chấp nhận ngay cả khi bạn đang trải qua trầm cảm. Chấp nhận bản thân là chấp nhận cả những khiếm khuyết, sai sót của bạn ngay cả khi sự tin tự của bạn rơi vào tình trạng thấp nhất; khi bạn cảm thấy không hiệu quả, không xứng đáng hay không hạnh phúc điều đó.
Tìm hiểu thêm về việc Thực hành tự trắc ẩn khi bạn đang trải qua trầm cảm.
Tự chấp nhận là gì?
Chấp nhận bản thân là khi bạn chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân trong mọi tình huống. Điều này không có nghĩa là bạn không muốn phát triển, mà là bạn học cách chấp nhận bản thân thay vì phản đối những đặc điểm mà bạn không hài lòng.
Nhận biết dấu hiệu của sự tự chấp nhận:
Bạn vẫn chấp nhận bản thân trong những thời điểm khó khăn.
Bạn nhận ra và chấp nhận những lỗi lầm và điểm yếu của mình.
Bạn cảm thấy thoải mái khi là chính mình.
Bạn có thể chấp nhận ý kiến phê bình (một cách xây dựng) mà không cảm thấy bị tấn công.
Bạn tự mình đứng về phía mình và tự ủng hộ bản thân.
Chấp nhận bản thân không đồng nghĩa với:
Tự tin rằng bạn là hoàn hảo và hoàn thiện.
Không tiến bộ và phát triển bản thân.
Luôn tự tin 100%.
Luôn cho rằng bạn luôn đúng.
Thiếu sự tự chấp nhận sẽ dẫn đến:
Cảm thấy kinh tởm bản thân hoặc căm hận bản thân, đặc biệt là trong những thời kỳ khó khăn.
Cố gắng tránh nhìn thẳng vào bên trong của mình.
Cảm thấy xấu hổ vì những điểm yếu và khuyết điểm của mình.
Từ chối, phủ nhận những điểm yếu của bản thân vì nó làm bạn cảm thấy không thoải mái.
Kích hoạt chế độ tự vệ ngay khi bị đối mặt hoặc bị phê phán.
Vậy yêu bản thân là gì?
Yêu bản thân là cách bạn đối xử với chính mình bằng lòng tự trọng và lòng nhân từ. Yêu bản thân là việc bạn ưu tiên những nhu cầu của bản thân - tất nhiên không phải bằng cách ích kỷ, mà bằng cách bạn tự trọng và có lòng nhân từ với bản thân.
Tâm lý học tích cực thường tập trung vào việc nuôi dưỡng quá trình chấp nhận và yêu bản thân. Hầu hết các phương pháp tiếp cận tâm lý học đều tập trung vào giải quyết các hành vi không lành mạnh để chúng ta có thể sống và làm việc hiệu quả hơn. Nhưng tâm lý học tích cực đã đi xa hơn: tập trung vào việc giúp con người phát triển bản thân.
Tâm lý học tích cực tin rằng tất cả chúng ta, bất kể tình trạng tâm thần, đều có thể hưởng lợi từ việc học cách yêu thương bản thân, nỗ lực hoàn thiện bản thân và xây dựng các thói quen lành mạnh. Từ đó, ta tập trung vào việc tạo ra và duy trì hạnh phúc, lòng biết ơn và khả năng kiểm soát căng thẳng.
Các phương pháp áp dụng tâm lý học tích cực để yêu bản thân bao gồm:
Thực hiện việc nhận thức và tập trung trong thiền định.
Phát triển sở thích sáng tạo của bản thân.
Áp dụng lòng biết ơn vào cuộc sống hàng ngày.
Ghi chép nhật ký theo cách tự do hoặc sử dụng các gợi ý đã có sẵn.
Bảo dưỡng và xây dựng các mối quan hệ tích cực.
Phát hiện và xử lý các vấn đề gây hại cho bản thân.
Nuôi dưỡng những thói quen tốt cho sức khỏe của bản thân.
Tóm tắt lại
Quá trình tự chấp nhận không xảy ra tự nhiên. Nếu bạn từng nhận những thông điệp tiêu cực về bản thân, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc chấp nhận bản thân.
Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hành tự chấp nhận và học cách đối xử với bản thân mình với lòng trắc ẩn và quan tâm. Các phương pháp tâm lý học tích cực và quá trình điều trị sẽ giúp bạn nhìn nhận và chấp nhận bản thân mình với tất cả những ưu và nhược điểm; từ đó, bạn có thể xây dựng một mối quan hệ tích cực với chính mình.
Dịch bởi: Cheeri
Biên tập: Cheeri
Hình ảnh được lấy từ instock.com
Xem bài gốc tại: Tại Sao Tự Chấp Nhận Lại Khó Khăn?