Những cú sốc từ tuổi thơ có thể ập đến bất ngờ và âm thầm. Tuy nhiên, chúng đều có một điểm chung, đó là đứa trẻ bên trong chúng ta.
Theo nhà tâm lý học Carl Jung, đứa trẻ bên trong thực chất là chúng ta khi còn nhỏ, nhưng nó không lớn lên theo tuổi tác. Nó lưu giữ tất cả kỷ niệm và cảm xúc mà ta trải qua, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời khi ta chưa thể sống độc lập.
Tuy nhiên, những đứa trẻ này cũng dễ bị tổn thương từ lời nói và hành động tiêu cực của người khác. Một khi bị tổn thương, chúng sẽ ảnh hưởng xấu đến cách ta suy nghĩ và hành động khi trưởng thành, cũng như đối với các mối quan hệ xã hội xung quanh ta.
Theo chuyên gia trị liệu Sarah Pacaro, dưới đây là 4 vết thương lòng mà đứa trẻ trong ta có thể đang chịu đựng:
Vết thương tội lỗi (guilt wound)
Người mang vết thương này luôn cảm thấy tội lỗi, dù họ không làm gì sai. Nếu gặp vấn đề gì, họ rất ngại nhờ người khác giúp đỡ. Thay vào đó, họ thường tự mình tìm cách giải quyết, và sau cùng cảm thấy cô đơn.
Trong công việc, họ thuộc tuýp người dễ an phận, ngại đàm phán tăng lương hay đấu tranh cho quyền lợi của mình. Trong mối quan hệ với người khác, họ tránh việc đặt ra giới hạn vì cho rằng làm như vậy sẽ khiến đối phương cảm thấy có lỗi.
Kết quả là họ dễ bị hoặc lợi dụng bởi những người thích thao túng họ bằng cảm giác tội lỗi. Lâu dài, điều này tăng nguy cơ bị lôi kéo vào những mối quan hệ độc hại.
Nguyên nhân: Những người có vết thương tội lỗi thường bị thao túng cảm xúc từ khi còn nhỏ. Cha mẹ thường sử dụng cảm giác tội lỗi để ép con nghe lời. Họ được nuôi dưỡng theo kiểu “yêu thương có điều kiện”, nghĩa là để được yêu thương và chăm sóc, họ phải luôn làm vừa lòng cha mẹ. Cảm giác tội lỗi này dần dần chi phối cách họ tương tác với người khác.
Vết thương bị bỏ rơi (abandonment wound)
Người mang vết thương này luôn cảm thấy như người thừa trong gia đình, hay trong nhóm xã hội mà họ thuộc về. Họ cảm thấy mình luôn bị bỏ rơi, không có tiếng nói trong các vấn đề chung của gia đình hay cơ quan. Họ vẫn có một nhóm bạn thân, vẫn đi ăn đi chơi cùng họ, nhưng luôn cảm thấy mình bị bỏ mặc.
Những người này cũng thường có mối quan hệ phụ thuộc trong tình yêu. Họ không thích ở một mình hoặc phải tự mình ra quyết định, và phần lớn thời gian phụ thuộc vào đối phương. Kết quả là họ dễ thu hút những người thiếu cảm xúc, gặp khó khăn trong việc hiểu nhau khi yêu.
Nguyên nhân: Những người này thường có vết thương bị bỏ rơi do những lần bị bỏ mặc từ những người quan trọng trong quá khứ. Điều này khiến họ luôn cảm thấy như một người thừa trong các mối quan hệ.