Sally Theran, giáo sư, tiến sĩ tại Khoa Tâm Lý Đại học Wellesley ở Massachusetts, tiết lộ rằng: “Sống thực sự có nghĩa là bạn tự là chính mình trong mối quan hệ - bạn hành động, cư xử và cảm nhận theo cách phản ánh giá trị và trạng thái nội tâm của bạn.”
Zahara Williams, một nhân viên y tế xã hội và đồng sáng lập dịch vụ tư vấn trị liệu Ivory Park ở Texas, đồng ý rằng bạn có thể có một cuộc sống thực sự khi tập trung vào chính mình hơn là những gì mà người khác mong đợi: “Con đường đến cuộc sống thực sự bắt đầu khi bạn bắt đầu hiểu rõ về bản thân, mong muốn của mình và không bị ràng buộc bởi ý kiến của người khác về lựa chọn của bạn.”
Bà Williams khẳng định rằng cuộc sống thực sự bao gồm:
Hành động theo đam mê và giá trị cá nhân
Cảm thấy hài lòng với cuộc sống
Xác định mục tiêu sống
Ưu tiên những thứ mang lại cảm giác bình yên
Luôn kiên trì và linh hoạt
Tuy nhiên, sống thực với bản thân không có nghĩa là bạn hoàn toàn không lắng nghe ý kiến hoặc lời khuyên của người khác. Bà Williams chú ý: “Đó là sự cân bằng giữa việc tiếp nhận phản hồi để phát triển bản thân, nhưng đồng thời không để chúng chi phối quan điểm về khả năng của bản thân hoặc những khả năng không thể nhìn thấy của người khác.”
Theo giáo sư Theran, bạn cần nhận ra rằng bạn sẽ dễ dàng là chính mình hơn khi ở bên một số người: “Nghiên cứu của tôi và các nghiên cứu khác đều chỉ ra rằng chúng ta thể hiện bản thân mình một cách chân thật hơn hoặc ít chân thật hơn trong các mối quan hệ khác nhau. Ví dụ, bạn sẽ thể hiện bản thân thật sự với bạn thân, nhưng sẽ không thoải mái khi phải là chính mình với những người không gần gũi.”
Cách để có cuộc sống chân thật hơn
Bà Williams cho biết một cuộc sống chân thật đòi hỏi sự nỗ lực, và “quá trình này yêu cầu rất nhiều sự kiên nhẫn từ bạn.” Tuy nhiên, bạn cũng có thể thực hiện một số bước sau trong cuộc sống hàng ngày để đạt được điều này.
1. Chấp nhận sự yên lặng
Nguồn ảnh: umcyoungpeople.org
Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều sự kiện diễn ra và chúng ta thường nhận được nhiều ý kiến từ các góc nhìn khác nhau. Điều này có thể làm mất bản sắc của chúng ta và khiến chúng ta lạc lõng trong đám đông ồn ào. Tuy nhiên, nếu dành một ít thời gian yên lặng để suy nghĩ, chúng ta có thể tái khám phá bản thân và nhận ra những điều quan trọng đối với bản thân, như bà Williams đã giải thích: “Tránh xa tiếng ồn của đám đông là cách tốt để tái kết nối với bản thân và làm cho tâm trí minh mẫn hơn về hướng đi của mình.”
2. Tự hiểu rõ bản thân
Giáo sư Theran đã đề xuất: “Khi bạn nói chuyện với người mà bạn quan tâm, hãy tự hỏi: Bạn có đang giấu những gì đang diễn ra trong cuộc sống của bạn không? Hay bạn đang thật lòng với chính mình?” Nếu bạn đang che đậy hoặc không thể hiện cảm xúc thật của mình, thay vào đó, hãy suy nghĩ về những điều bạn có thể chia sẻ. Hãy suy ngẫm về lý do tại sao bạn không hoàn toàn chân thành.
3. Tìm kiếm phương pháp điều trị
Theo giáo sư Theran: “Để sống chân thật, bạn cần trải qua một quá trình phức tạp.” Nếu bạn thay đổi hành vi và cảm xúc của mình để hòa hợp với người khác, bạn sẽ khó nhận ra con người thật của mình. “Nếu bạn gặp khó khăn trong việc nhận ra hoặc trở thành chính mình, thì việc tham khảo ý kiến của chuyên gia có thể hữu ích cho bạn.”
4. Học cách chấp nhận sự yếu đuối của bản thân
Đôi khi, chúng ta không biết con người thật của mình vì sợ sẽ trở nên mềm yếu. Giáo sư Theran đã nói: “Với một số người, việc mở lòng có thể rất khó khăn hoặc thậm chí đáng sợ.” Tuy nhiên, bà cũng cho biết: “Sự yếu đuối cũng có giá trị của nó, và đó là một rủi ro đáng để thử.” Nếu bạn cảm thấy thoải mái hơn khi chia sẻ với người khác, hãy mở lòng trước hết. Việc nhận phản hồi tích cực sẽ giúp bạn tự tin hơn trong việc trở thành chính mình.
5. Suy nghĩ thận trọng
Bà Williams đề xuất rằng chúng ta cần suy nghĩ kỹ về “những người hoặc hoạt động mà chúng ta muốn dành thời gian cho.” Hãy tự hỏi liệu những hoạt động hoặc cá nhân đó có “phản ánh giá trị cốt lõi của bạn”, hay bạn chỉ đang phụ thuộc vào kỳ vọng từ bên ngoài? Nếu bạn chỉ đang giả vờ hứng thú khi ở cùng với một số người hoặc tham gia vào một số hoạt động, hãy suy nghĩ về lý do bạn làm như vậy - và liệu bạn có thể thay đổi để trở thành chính mình hơn.
6. Đặt câu hỏi
Cuộc sống sẽ trở nên chân thực hơn khi bạn thực sự cảm thấy kết nối với người khác. Hãy dành thời gian để hiểu rõ họ và giúp họ hiểu bạn. Tiến sĩ Theran đề xuất: “Trong mối quan hệ, hãy đặt câu hỏi cho họ. Hãy mở rộng tấm lòng và tạo ra những kết nối sâu sắc với những người xung quanh.”
Tại sao tính chân thực lại quan trọng với sức khỏe tinh thần?
Nguồn ảnh: dallasvoice.com
Đã có nhiều nghiên cứu về vai trò của tính chân thật trong nhiều khía cạnh của sức khỏe tinh thần và tất cả đều chỉ ra mối liên kết chặt chẽ giữa chúng. Ví dụ, nghiên cứu đã chứng minh rằng khi bạn là chính mình, bạn có thể:
Giảm triệu chứng trầm cảm
Cảm thấy hạnh phúc hơn
Giảm căng thẳng
Tăng lòng tự trọng
Cảm thấy hài lòng với công việc
Giảm nỗi sợ về cái chết
Giảm nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội
Củng cố mối quan hệ
Bà William cũng nhấn mạnh rằng kìm nén bản thân và “làm ngơ với mong muốn và nhu cầu cá nhân” có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm:
Rối loạn giấc ngủ
Đau đầu
Đau nhức cơ
Vấn đề về tiêu hóa
Bà William nhấn mạnh: “Khi bạn quyết định sống một cách chân thật, sức khỏe và mối quan hệ của bạn cũng sẽ được cải thiện hơn từng ngày.”
Tính chân thật ở thanh thiếu niên
Việc trở thành bản thân thật không chỉ dành cho người lớn: đó cũng là điều quan trọng đối với thanh thiếu niên. Giáo sư Theran chia sẻ rằng trước tuổi dậy thì, hầu như các em không hiểu rằng mình có thể có nhiều tính cách khác nhau, và có thể trở thành ai đó ngoài bản thân thật của mình. Tuy nhiên, sau giai đoạn đó, tính chân thật trở nên vô cùng quan trọng.
Những năm tuổi vị thành niên là thời gian quan trọng để khám phá bản thân. Giáo sư Theran lưu ý: “Các em không ý thức được mình là ai, và trong thời gian này, cần phải nhận ra bản thân thật của mình.”
Quá trình này có thể bao gồm “thử nghiệm nhiều tính cách khác nhau”, nhưng kết quả của việc này là rất đáng giá. Nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy thanh thiếu niên cảm thấy là chính mình sẽ:
Có cái nhìn tích cực hơn về bản thân
Ít cảm thấy cô đơn hơn khi ở trường
Cảm thấy hài lòng hơn với mối quan hệ bạn bè
Theo nghiên cứu năm 2022 của Theran, thanh thiếu niên cảm thấy là chính mình sẽ ít mắc phải bệnh trầm cảm hơn.
Tóm lại những ý chính
Để có một cuộc sống đích thực, bạn cần thể hiện bản thân mình chân thật trong mọi mối quan hệ và hoạt động hàng ngày mà không cần che đậy. Tuy nhiên, mức độ chân thật có thể thay đổi tùy theo mối quan hệ - bạn có thể muốn tỏ bày con người thật của mình với bạn bè hơn là với sếp, ví dụ.
Khi bạn sống chân thật, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích cho tinh thần và sức khỏe, từ việc cảm thấy hạnh phúc hơn đến việc tăng cường lòng tự trọng và giảm thiểu nguy cơ trầm cảm và lo lắng.
Một điều quan trọng cần nhớ, như giáo sư Theran đã nói: “Không có cách nào để trở thành bản thân mình một cách nhanh chóng.” Khi bạn đã có đủ nhận thức về bản thân và kiên nhẫn, không có lý do gì mà bạn không thể bắt đầu - và thành công - trên hành trình này.