(Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nên sử dụng bài viết làm thước đo để chẩn đoán những dấu hiệu tâm lý hay sức khỏe tinh thần của bản thân. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc cá nhân nào liên quan đến chủ đề này, xin hãy thăm hỏi và lắng nghe ý kiến của các chuyên gia tâm lý).
Mọi người thường nhầm lẫn giữa sự nhút nhát và chứng lo lắng xã hội. Nhưng, ai mà chẳng cảm thấy xấu hổ khi bước vào một căn phòng chật ních những người lạ cơ chứ? Sự nhút nhát là trạng thái lúng túng lúc ban đầu khi bạn bắt buộc phải nói chuyện với những người hoàn toàn chưa quen biết, như khi bạn tham dự một buổi tiệc hay khi đi phỏng vấn. Hội chứng lo sợ xã hội là một câu chuyện khác.
Lo âu xã hội là nỗi sợ đến cực độ rằng bạn sẽ bị đánh giá, chỉ trỏ, sỉ nhục, bị từ chối hoặc làm cho xấu hổ trong những tình huống xã hội hằng ngày, nỗi sợ ấy khiến bạn trở nên lo lắng và có xu hướng trốn tránh. Người nhút nhát không muốn làm tâm điểm của sự chú ý, những tình huống xã hội bất ngờ phát sinh không khiến họ trở nên căng thẳng, cùng lắm họ chỉ đổ một chút mồ hôi mà thôi. Nhút nhát không liên quan đến tình hình sức khỏe tâm thần, đó chỉ là tính cách đặc trưng của một người. Mặt khác, chứng rối loạn lo âu xã hội (Social Anxiety Disorder (SAD) trầm trọng hơn sự nhút nhát thông thường. Một người có thể mắc hội chứng này bởi nhiều yếu tố như: chấn thương tâm lý trong quá khứ, bị cô lập trong quá trình lớn lên, yếu tố di truyền... Người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội sợ hãi các tình huống xã hội bởi họ nhạy cảm với việc bị xấu hổ hoặc việc bị chỉ trích, đánh giá. Họ nghĩ rằng bất cứ câu nói, hành động nào của họ cũng khiến họ bị mọi người chú ý và đánh giá. Mặc dù sự nhút nhát và căn bệnh lo âu xã hội có những dấu hiệu nhận biết về thể chất giống nhau, song vẫn có vài điểm tạo nên sự khác biệt giữa chúng. Sau đây là 7 dấu hiệu cho thấy bạn đơn thuần không chỉ là ngại ngùng trước mọi người.
Tránh hoặc chạy trốn khỏi những môi trường công cộng.
Dù một người nhút nhát có thể cảm thấy không thoải mái khi tham gia vào một buổi tiệc nơi mà họ không quen biết một ai, họ vẫn chấp nhận lời mời và tham gia một cách bình thường. Một người mắc chứng lo âu xã hội lại hoàn toàn tránh né những dịp tụ tập đông người. Triệu chứng này, nếu kéo dài, có thể phát triển thành “chứng sợ trống trải” (Agoraphobia) - một tình trạng khiến người bệnh sợ hãi và tránh né các địa điểm hoặc tình huống có thể gây ra cảm giác hoảng loạn và bế tắc, vô năng hoặc xấu hổ. Những tình huống công cộng, như việc đi ăn tối tại một nhà hàng, hẹn hò hoặc trả lại một món hàng cho cửa hàng, có thể gây khó chịu cho những người mắc hội chứng này bởi họ lo sợ rằng sẽ có điều gì đó xảy ra làm họ cảm thấy rối bời, xấu hổ hoặc bị người khác từ chối.
Nếu tránh không khả thi, những người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội sẽ cố gắng trốn thoát khỏi tình huống xã hội bằng cách giấu mình trong phòng tắm hoặc rời đi vội vã. Người nhút nhát thì khác, sau một thời gian họ có thể hòa nhập vào đám đông hoặc tạo ra một nhóm nhỏ tại địa điểm đó. Hành động né tránh và trốn chạy được những người mắc chứng rối loạn lo âu sử dụng để bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, họ luôn cảm thấy tiêu cực và tội lỗi vì không kiểm soát được nỗi sợ và lo lắng của mình.
Cảm thấy bị chú ý khi đứng trước người khác.
Những môi trường công cộng khiến họ cảm thấy không thoải mái vì họ nghĩ rằng mọi người luôn dõi theo và đánh giá họ. Họ có một nỗi sợ không thể giải thích được rằng sẽ có điều gì đó xảy ra và mọi người sẽ bắt đầu phán xét họ. Lo lắng xã hội đôi khi không có lý do logic. Cảm giác này có thể xuất hiện đột ngột và làm cho họ cảm thấy tất cả sự chú ý đều hướng về họ. Khi đó, các triệu chứng thể chất như đổ mồ hôi, tim đập nhanh, hoảng loạn cũng bắt đầu xuất hiện.
Sợ rằng các triệu chứng cơ thể có thể làm bạn xấu hổ trước mọi người.
Lo âu xã hội thường bị nhầm lẫn với nhút nhát vì cả hai có các triệu chứng cơ thể tương tự nhau. Tuy nhiên, với những người gặp vấn đề tâm lý, những phản ứng này cũng có thể làm tăng lo lắng của họ. Việc đầu óc trống rỗng trong vài giây cũng khiến họ nghĩ rằng họ đã làm điều gì đó rất tồi tệ và để lại ấn tượng xấu với mọi người.
Sợ rằng người khác thấy bạn đang lo lắng.
Tương tự như đã đề cập trước đó, những người mắc rối loạn lo âu xã hội lo lắng rằng sự căng thẳng của họ sẽ thu hút sự chú ý, điều này lại tạo ra thêm nhiều lo lắng.
Cảm thấy lo lắng khi phải tham gia vào các hoạt động và sự kiện có tính “đe dọa”.
Trước các sự kiện lớn như buổi thuyết trình, một chút lo lắng là chuyện thường. Tuy nhiên, nếu bạn mắc rối loạn lo âu xã hội, một tháng sau đó bạn vẫn có thể nghĩ về những sai lầm trong quá khứ. Trong một số trường hợp, những suy nghĩ này tích tụ và khiến bạn tránh né hoặc chạy trốn khỏi các tình huống tương tự. Hành động này có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu nó liên quan đến công việc hoặc học tập.
Tưởng tượng về những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong các tình huống xã hội tiêu cực.
Nguyên nhân của sự lo lắng trong các tình huống xã hội vẫn chưa được biết rõ, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng kỹ năng xã hội kém có thể dẫn đến rối loạn lo âu xã hội. Bị châm chọc hoặc bắt nạt khi lúng túng trong các vấn đề hàng ngày có thể làm tăng sự sợ hãi khi giao tiếp xã hội và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Sau các tình huống xã hội, bạn thường dành thời gian để tự phân tích và xác định các sai lầm trong cách tương tác của mình.
Đôi khi, chúng ta thường suy nghĩ về những trải nghiệm đã trải qua và những bài học đã học được từ đó để trở nên mạnh mẽ hơn. Những kí ức từ quá khứ thường chỉ đến và đi một cách bất ngờ. Nhưng đối với những người lo âu xã hội, việc bị ám ảnh bởi những chi tiết quá khứ không phải lúc nào cũng là sự lựa chọn, chúng xuất hiện tự nhiên và điều khiển cuộc sống. Rối loạn lo âu xã hội là việc nhìn nhận bản thân qua đánh giá của người khác. Do đó, bạn thường tự mình điều tra lại quá khứ và suy nghĩ về những gì đã xảy ra, đặc biệt là trong các cuộc trò chuyện.
Nếu bạn cảm thấy mình đang bị vướng vào quá khứ, hãy tìm ra nguyên nhân của vấn đề. Nguyên nhân chính là những đoạn đối thoại hoặc hành động mà tâm trí bạn không ngừng quay lại. Hãy tìm một giải pháp và chấm dứt chuỗi lặp này. Việc buông bỏ không dễ dàng và thường mất thời gian. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc vượt qua những đoạn đối thoại quá khứ, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý và tìm hiểu về liệu pháp nhận thức - hành vi. Bạn sẽ có những công cụ giúp bạn tự tin hơn và phát triển kỹ năng xã hội của mình.
Những suy nghĩ tự chỉ trích chỉ làm cho bạn cảm thấy như người khác cũng đang đối xử với bạn như vậy. Việc tham khảo ý kiến của một chuyên gia và tham gia liệu pháp nhận thức hành vi sẽ giúp rất nhiều nếu bạn mắc phải rối loạn lo âu xã hội. Hãy tự quan tâm và chăm sóc bản thân!