Có thể bạn đã từng nghe về hành động trì hoãn giờ ngủ để bù đắp thời gian nghỉ, được gọi là Revenge Bedtime Procrastination. Điều này thường xảy ra khi chúng ta dành thời gian trước khi đi ngủ để làm những việc giải trí mà ban ngày không có thời gian.
Thuật ngữ “bedtime procrastination” (trì hoãn giấc ngủ) được đề xuất lần đầu tiên trong một nghiên cứu vào năm 2014. Sau đó, từ 'revenge' được thêm vào để mô tả hành vi của những người làm việc quá 12 tiếng mỗi ngày, thường thức khuya để giải trí như một cách để bù đắp thời gian họ mất vào ban ngày.
Dấu hiệu bạn đang trì hoãn giấc ngủ
Không phải lúc nào cũng đi ngủ muộn là biểu hiện của hành động trì hoãn giấc ngủ. Theo các nhà nghiên cứu, trì hoãn giấc ngủ thường được nhận biết qua ba đặc điểm chính:
· Giảm tổng thời gian ngủ mỗi đêm của một người do trì hoãn việc đi ngủ.
· Trì hoãn giấc ngủ không phải vì bất kỳ lý do nào khác, chẳng hạn như yếu tố môi trường ảnh hưởng đến giấc ngủ.
· Những người trì hoãn giấc ngủ vẫn tiếp tục hành vi này mặc dù họ biết rằng nó sẽ đem lại những hậu quả tiêu cực.
Việc trì hoãn giấc ngủ sẽ ảnh hưởng khác nhau đối với mỗi người tùy vào tình hình hiện tại và lý do đi ngủ muộn. Đối với các bậc phụ huynh có con nhỏ, khoảng thời gian sau khi lũ trẻ đi ngủ có lẽ là lúc duy nhất mà họ có thể tập trung vào những việc họ muốn. Với những người có lịch làm việc dày đặc, thời gian thư giãn nhất có lẽ là vào cuối ngày khi họ có thể nằm dài trên ghế và tận hưởng chương trình yêu thích.
Một số người dùng khoảng thời gian “đêm muộn” và “sáng sớm” để theo đuổi sở thích hoặc làm những công việc đòi hỏi nhiều công sức. Tuy nhiên, với đa số chúng ta, thời gian này thường được dành cho những việc không tốn nhiều nỗ lực. Mua sắm online, lướt mạng xã hội, xem live stream... là những hoạt động thư giãn điển hình mà chúng ta thường làm khi trì hoãn giấc ngủ.
Những ai thường bị ảnh hưởng bởi việc trì hoãn giấc ngủ?
Trì hoãn giấc ngủ có thể xảy ra với bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào. Những người có công việc áp lực cao, làm việc nhiều giờ và những người làm cha mẹ ít có thời gian riêng cho bản thân trong ngày thường xuyên gặp phải tình trạng này.
Việc trì hoãn giấc ngủ thường bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhặt. Bạn thức khuya thêm chút để chơi điện thoại hay xem nốt chương trình yêu thích. “Thêm 10, 15 phút thôi” nhanh chóng biến thành một, hai tiếng mà bạn không hề nhận ra. Có những lúc bạn say sưa lướt điện thoại hàng giờ liền, đến khi trời gần sáng mới phát hiện và đi ngủ.
Nguyên nhân gây ra hành vi trì hoãn giấc ngủ
Nguyên nhân chính của việc trì hoãn giấc ngủ thường là do thiếu thời gian rảnh cho bản thân trong ngày. Ngoài ra, còn có thể do các yếu tố khác.
· Nghiên cứu năm 2014 cho rằng việc trì hoãn giấc ngủ để dành thời gian cho giải trí có sự mâu thuẫn với việc quản lý bản thân. Mặc dù có ý định đi ngủ, những người trì hoãn giấc ngủ lại không thực hiện theo ý định ban đầu của mình.
· Nhiều khả năng những người trì hoãn giấc ngủ cũng có xu hướng trì hoãn các công việc khác.
· Chu kỳ giấc ngủ tự nhiên của chúng ta cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hành vi trì hoãn giấc ngủ.
Những căng thẳng gần đây liên quan đến tác động của đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm hành vi trì hoãn giấc ngủ. Báo cáo cho thấy khoảng 40% người trưởng thành gặp phải các vấn đề về giấc ngủ tăng lên trong năm 2020.
Tác động của việc trì hoãn giấc ngủ
Việc thỉnh thoảng đi ngủ muộn thường không có tác động lớn đến giờ giấc và sức khỏe tổng thể của bạn. Tuy nhiên, khi điều này trở thành thói quen, việc thức khuya và dậy sớm sẽ dẫn đến thiếu ngủ. Thiếu ngủ có thể làm suy giảm khả năng hoạt động vào ngày hôm sau và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần về lâu dài.
Một số tác động tiêu cực của việc thiếu ngủ do trì hoãn giấc ngủ gây ra:
· Lo âu
· Trầm cảm
· Khó tập trung
· Cao huyết áp
· Tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch
· Suy giảm hệ miễn dịch
· Tăng cân
· Suy giảm trí nhớ
Giấc ngủ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể mà còn đóng vai trò quan trọng đối với tinh thần. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng vấn đề về giấc ngủ có thể gây ra hoặc làm trầm trọng các vấn đề như trầm cảm, lo lắng và rối loạn tâm trạng.
Lời khuyên cho những ai đang gặp vấn đề trì hoãn giấc ngủ.
Ưu tiên giấc ngủ.
Nếu bạn muốn nghỉ ngơi, hãy đặt giấc ngủ lên hàng đầu. Luôn nhắc nhở bản thân về sự quan trọng của giấc ngủ, vì nếu bạn ngủ đủ vào đêm hôm trước, bạn sẽ có đủ năng lượng để hoàn thành công việc của mình vào ngày hôm sau.
Thực hành các thói quen tốt cho giấc ngủ.
Xây dựng các thói quen tốt để cải thiện chất lượng và thời lượng giấc ngủ của bạn. Hãy sắp xếp giờ đi ngủ - thức dậy cố định, hạn chế uống đồ có cồn và caffein sau buổi chiều, và tạo ra một không gian ngủ thoải mái.
Tắt điện tử trước khi đi ngủ.
Hãy tắt chế độ tự phát trên thiết bị phát thanh và tránh lướt mạng xã hội khi nằm trên giường. Thay vào đó, tập trung vào việc thực hành các hoạt động giúp thư giãn và cải thiện giấc ngủ như thực hiện động tác giãn cơ, thiền hoặc đọc sách.
Xem xét lại lịch trình hàng ngày.Lịch trình bận rộn thường là nguyên nhân chính của việc trì hoãn giấc ngủ. Hãy xem xét kỹ lưỡng các nhu cầu hàng ngày của bạn, loại bỏ những việc không cần thiết hoặc chiếm quá nhiều thời gian. Nếu có những hoạt động khiến bạn không hài lòng, hãy từ bỏ chúng và sử dụng thời gian đó để tận hưởng những điều bạn thích.