Nội dung trong bài viết này có thể gây khó chịu cho một số người. Nếu bạn có ý định tự tử, hãy gọi Đường dây nóng Phòng chống Tự sát Quốc gia theo số 1-800-273-8255 (Mỹ) để nhận sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn. Nếu bạn hoặc người thân đang trong tình trạng nguy cấp, hãy gọi cảnh sát theo số 113 (Việt Nam) hoặc 911 (Mỹ).
Để biết thêm thông tin về sức khỏe tâm lý, hãy truy cập trang web 'Cơ sở dữ liệu về đường dây trợ giúp Quốc gia' của chúng tôi.
Nếu bạn đang đấu tranh với những suy nghĩ tự sát, hãy nhớ rằng bạn không cô đơn. Những suy nghĩ này thường xuất hiện ở những người mắc trầm cảm nặng. Tuy nhiên, đừng để những suy nghĩ vô hình trở thành hành động hữu hình.
Cuộc sống luôn thay đổi, cảm giác tuyệt vọng bạn đang trải qua cũng vậy. Mặc dù khó để nhận ra khi đang bị trầm cảm, nhưng luôn có hy vọng phía trước.
Trầm cảm có thể chữa được và có nhiều phương pháp để vượt qua. Dù liệu pháp này không hiệu quả, liệu pháp khác có thể giúp. Trong thời gian chờ đợi, bạn có thể áp dụng các bước sau để đối phó với những cảm xúc tiêu cực.
1. Gọi đường dây nóng hỗ trợ phòng chống tự sát
Đường dây nóng và các nhóm chat hỗ trợ người có ý định tự sát là nguồn hỗ trợ quan trọng khi bạn đang gặp khủng hoảng. Chúng hoàn toàn miễn phí và sẽ kết nối bạn với chuyên gia tư vấn để giúp bạn xoa dịu cảm giác tiêu cực trong môi trường an toàn.
Bạn không cần cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào trong cuộc gọi. Người tư vấn sẽ hỏi một vài câu để xác định nguy cơ và nguyên nhân ý định tự sát, nhằm lắng nghe, cung cấp thông tin và giúp bạn lập kế hoạch an toàn ngay lúc đó.
2. Tạo một môi trường an toàn cho bản thân
Để có một không gian an toàn, hãy loại bỏ những vật dụng có thể gây hại như thuốc hay súng. Nếu không thể, hãy ra ngoài đi dạo hoặc nhờ người thân, bạn bè giúp đỡ.
Nếu bạn cần sự giúp đỡ từ bạn bè hoặc gia đình, hãy giải thích trực tiếp và cụ thể những gì bạn cần ngay lúc đó. Đừng tự cho rằng họ đã biết bạn muốn gì hay cần gì, vì có thể họ chưa nhận ra.
Ví dụ, bạn có thể nói: “Chào Bob, mình gọi bạn vì hiện tại mình đang muốn tự tử và sợ rằng mình có thể gây hại cho bản thân vì trong nhà có vài khẩu súng nguy hiểm. Bạn có thể cho mình ở nhờ một lúc để bình tĩnh lại được không?”
3. Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp
Nếu bạn chưa nhận được liệu pháp nào cho chứng trầm cảm, hãy lập tức tìm sự trợ giúp. Hẹn gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ tâm thần để được đánh giá toàn diện và điều trị.
Nếu bạn đã trị liệu nhưng không hiệu quả, bác sĩ có thể hỗ trợ bằng cách thay đổi kế hoạch điều trị hoặc đưa bạn vào bệnh viện để giúp bạn qua cơn khủng hoảng.
Các phương pháp điều trị trầm cảm thường bao gồm liệu pháp tâm lý, thuốc, hoặc kết hợp cả hai.
Liệu pháp tâm lý, hay “liệu pháp trò chuyện”, là phương pháp ưu tiên và thường được đề xuất để chữa trầm cảm. Tuy nhiên, nếu bạn đang muốn tự tử và cần giải tỏa tức thời, liệu pháp này có thể không đủ.
Thuốc chống trầm cảm có thể giảm triệu chứng nhanh hơn so với liệu pháp tâm lý, trong khi liệu pháp tâm lý cung cấp công cụ để đối phó và ngăn ngừa tái phát. Nghiên cứu cho thấy kết hợp thuốc và liệu pháp tâm lý mang lại hiệu quả điều trị trầm cảm tốt nhất.
4. Tham khảo ý kiến bác sĩ về phương pháp trị liệu phù hợp
Thuốc chống trầm cảm thường được bác sĩ ưu tiên. Nếu bạn đã thử vài loại thuốc mà chưa thấy hiệu quả, đừng nản lòng. Có thể mất vài tuần để thuốc phát huy tác dụng. Đừng ngưng thuốc đột ngột để tránh tác dụng phụ.
Không phải ai cũng phản ứng giống nhau với một loại thuốc. Quá trình tìm thuốc phù hợp có thể bao gồm thử nhiều loại, kết hợp thuốc khác nhau, hoặc điều chỉnh liều lượng.
Một đánh giá từ 522 nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người giảm triệu chứng trong hai tháng đầu sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Điều quan trọng là, dù thay đổi thuốc hay thêm thuốc mới, tất cả đều giúp cải thiện tình trạng hồi phục. Đừng từ bỏ điều trị quá sớm khi mọi thứ chưa thực sự bắt đầu có hiệu quả.
5. Tránh xa chất gây nghiện và đồ uống có cồn
Dù bạn có thể muốn dùng chất gây nghiện hoặc đồ uống có cồn để che giấu nỗi đau, nhưng đây là một ý tưởng tồi. Chúng có thể làm tăng thêm nỗi đau và tuyệt vọng, khiến tình trạng của bạn tệ hơn. Hơn nữa, các chất này có thể giảm ức chế của não, khiến bạn hành động theo cảm tính.
Thay vì sử dụng các chất độc hại, hãy tập thói quen chăm sóc bản thân. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục và ngủ đủ giấc. Những hoạt động này nghe có vẻ nhỏ nhặt nhưng sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
6. Thử tự mình giải quyết vấn đề
Nếu trầm cảm của bạn liên quan đến các vấn đề trong cuộc sống, hãy dành thời gian giải quyết chúng. Đặt câu hỏi cho bản thân, như điều gì khiến mình hành động như vậy và tìm ra chiến lược thay đổi hoặc giải quyết vấn đề.
Ví dụ, nếu bạn mất công việc yêu thích và rơi vào trầm cảm, hãy tìm người giúp bạn viết lại sơ yếu lý lịch hoặc một người huấn luyện cuộc sống. Hoặc, tự rèn luyện kỹ năng làm việc để trở nên nổi bật hơn với nhà tuyển dụng.
Như Lão Tử, nhà triết học Trung Quốc, đã nói: “Hành trình ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”. Vì vậy, nếu vấn đề của bạn khó khăn và khó kiểm soát, hãy tập trung vào những bước nhỏ đầu tiên để hướng tới giải pháp.
7. Nhắc nhở bản thân về những điều tốt đẹp trong cuộc sống
Khi bạn cảm thấy buồn bã, dễ quên đi những khoảnh khắc vui tươi và tích cực. Những ký ức này bị lãng quên trong tâm trí. Vì vậy, hãy nhắc nhở bản thân về những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời.
Một cách để thực hiện điều này là viết nhật ký về những khoảnh khắc bạn cảm thấy biết ơn cuộc sống. Cuối ngày, dành thời gian viết về mọi thứ khiến bạn biết ơn. Điều này có thể không xóa tan mọi ý nghĩ tiêu cực nhưng sẽ giúp xoa dịu tâm hồn bạn.
8. Hãy thử kết nối với mọi người
Mặc dù bạn có xu hướng muốn cô lập bản thân và tránh tiếp xúc, nhưng hãy thử làm ngược lại. Ra ngoài đi dạo, mua sắm, hoặc tìm người bạn cảm thấy thoải mái để trò chuyện.
Những hoạt động này sẽ giúp phân tán các ý nghĩ tiêu cực trong đầu bạn. Hơn nữa, khi bạn ở trong tình huống khó hành động theo cảm tính, như ở trung tâm thương mại hoặc thư viện, các hoạt động này còn giúp bạn tránh tự làm tổn thương bản thân.
9. Trò chuyện với người bạn tin tưởng
Đôi khi việc có ai đó ngồi lại để tán gẫu và cho bạn sự thoải mái để thể hiện mọi cảm xúc sẽ giúp cải thiện tinh thần rất nhiều. Người này có thể là bất kỳ ai bạn tin tưởng, như một người bạn, người họ hàng, giáo sĩ, hoặc bác sĩ tâm lý.
Hãy nhớ rằng không phải ai cũng hiểu về bệnh trầm cảm. Vì vậy, khi nói chuyện với bạn bè về trầm cảm, hãy cho họ biết cách họ có thể giúp bạn. Hãy nhờ họ hỗ trợ và động viên bạn.
10. Phân tán tư tưởng của chính mình
Để xoa dịu những suy nghĩ tự sát, cần phải kiên nhẫn. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi những suy nghĩ đó qua đi, việc phân tán tư tưởng sẽ giúp bạn quên đi nỗi đau tinh thần nhanh hơn.
Tự hứa với bản thân rằng, chỉ một chút thôi (như xem một bộ phim, trò chuyện với bạn bè, hoặc ra ngoài đi làm), bạn sẽ xua tan được mọi ý nghĩ đau lòng, tiêu cực kia. Khi bạn bắt đầu xâu chuỗi những khoảng thời gian ngắn mà bạn tự phân tâm bản thân lại, dần dần mọi thứ sẽ trôi đi, và bạn sẽ cảm thấy tốt lên.
11. Nhắc nhở bản thân về những trải nghiệm trong quá khứ
Bạn đã bao giờ trải qua thời kỳ tái phát chứng trầm cảm nhưng đủ sức để vượt qua? Hãy hồi tưởng lại từng bước, từng sự việc đã giúp bạn vượt qua khoảng thời gian đó và thực hiện lại các bước này.
Điều quan trọng nhất là phải nhắc nhở bản thân rằng, chẳng có gì là vĩnh cửu, kể cả nỗi thống khổ. Bạn đã từng đánh bại căn bệnh và đã rạng ngời chiến thắng khi vượt qua nó.
12. Cân nhắc, tham khảo các phương pháp điều trị khác
Nếu bạn đang trong tình huống nguy hiểm vì tự làm tổn thương bản thân, có thể liệu pháp chống trầm cảm hiện tại không hiệu quả với bạn. Có nhiều nguyên nhân y học khiến cơ thể bạn không phù hợp với các liệu pháp hiện thời. Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị ít phổ biến hơn.
Điện chấn
Điện chấn (ECT) là việc áp dụng một dòng điện vào da đầu để gây ra một cơn co giật. Phương pháp này thường được coi là biện pháp cuối cùng do các tác dụng phụ của nó, nhưng một số nhà nghiên cứu cảm thấy rằng nó nên được sử dụng sớm hơn bởi những tác động sâu sắc của nó.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng điện chấn không chỉ giúp làm thuyên giảm bệnh trầm cảm mà còn có thể làm giảm khả năng tái phát. Trong trường hợp có ý định tự tử, bệnh nhân có xu hướng phản ứng khá nhanh với điện chấn.
Kích thích từ xuyên sọ
Kích thích từ xuyên sọ (TMS) là việc kích thích một khu vực cụ thể của não bằng xung từ tính nhưng ít xâm lấn hơn ECT và có ít tác dụng phụ hơn. Mục tiêu của phương pháp này là hướng đến những người không phản ứng tốt với thuốc chống trầm cảm.
Nghiên cứu cho thấy những người được điều trị bằng TMS cải thiện đáng kể các triệu chứng trầm cảm của họ, với tỷ lệ thuyên giảm từ 30% đến 40%, đồng thời cũng phát hiện ra những người duy trì phương pháp TMS ít có nguy cơ tái phát các triệu chứng trầm cảm hơn.
Vì các bệnh nhân tham gia nghiên cứu này được lựa chọn từ những người không phản ứng với liệu pháp chống trầm cảm, kết quả của các nghiên cứu được xem là đại diện cho những bệnh nhân có thể đạt được sự thuyên giảm hoàn toàn các triệu chứng nếu họ không bỏ cuộc sớm.
Kích thích thần kinh phế vị
Kích thích thần kinh phế vị (VNS), đôi khi được gọi là 'máy tạo nhịp tim cho não', là một thủ thuật xâm lấn hơn cả ECT hoặc TMS. Nó liên quan đến việc phẫu thuật cấy máy phát xung dưới da ngực.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người được điều trị bằng phương pháp VNS sẽ có cải thiện đáng kể về mặt sức khỏe tổng thể và chất lượng cuộc sống, ngay cả khi những triệu chứng của họ chỉ giảm được ít hơn 50%.
Kết luận:
Nếu bạn đang gặp phải triệu chứng trầm cảm nặng, việc quan trọng nhất là lập một kế hoạch an toàn với sự giúp đỡ của những người thân yêu. Kế hoạch này sẽ giúp bạn đối mặt với cơn trầm cảm trong những thời điểm khó khăn nhất và khi bạn có suy nghĩ tự tử.
Tác giả: Nancy Schimelpfening