Các cách thực tiễn để tìm và khai thác động lực – ngay cả khi bạn không cảm thấy có động lực
Động lực là yếu tố quan trọng trong hầu hết các hoạt động của chúng ta, từ việc cố gắng dậy sớm đến giải quyết công việc nhà, hay thậm chí theo đuổi một vị trí mới trong công việc. Điều quan trọng là ý thức cơ bản về động lực là thứ thúc đẩy chúng ta từ khi bắt đầu đến khi hoàn thành bất kỳ nhiệm vụ nào cuộc sống giao cho chúng ta.
Tiến sĩ tâm lý Sanam Hafeez, một nhà tâm lý học thần kinh nổi tiếng và là thành viên của khoa tại Đại học Columbia, lý giải rằng: 'Động lực là chìa khóa để sống một cuộc sống năng suất. Nếu thiếu động lực, chúng ta sẽ khó có thể hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng, duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hàng ngày, và quan trọng hơn là làm cho mỗi ngày của chúng ta hiệu quả nhất'.
Bài viết này sẽ thảo luận về những rào cản có thể cản trở động lực và đề cập đến các cách thức thực tiễn giúp bạn tìm thấy và khai thác động lực, ngay cả khi bạn gặp khó khăn trong việc cảm thấy có động lực.
Tại sao đôi khi động lực khó tìm thấy
Một số người thấy việc tìm động lực dễ dàng hơn. Họ có thể hoàn thành các nhiệm vụ hàng ngày mà không gặp khó khăn và duy trì hiệu suất cao suốt cả ngày.
Tuy nhiên, một số người lại gặp khó khăn trong việc tìm động lực để làm những việc đơn giản nhất. Dù người khác cho rằng họ đầy động lực, nhưng họ cũng có những khoảng thời gian gặp khó khăn trong việc khai thác năng lượng đó.
Dưới đây là những rào cản thường gặp có thể ngăn cản động lực:
Thiếu hoặc không có sự định hướng
Một số người có cảm giác như họ đang 'trôi nổi' qua các ngày, tuần hay thậm chí cả tháng mà không có bất kỳ mục tiêu rõ ràng nào.
'Nếu không có mục tiêu rõ ràng, sẽ rất khó để biết được mục đích ban đầu của việc bạn muốn làm.'
- Tiến sĩ tâm lý Sanam Hafeez
Chỉ đơn giản với một danh sách liệt kê các công việc hàng ngày hoặc một danh sách các mục tiêu hàng tháng, hoặc một kế hoạch trong năm có thể là một hướng đi tích cực.
Thiếu tính kỷ luật với chính mình
Có mục tiêu hay nhiệm vụ là một bước đi quan trọng, nhưng có tính kỷ luật với bản thân để có thể hoàn thành các công việc một cách dễ dàng cũng không kém phần quan trọng. 'Động lực là một hành vi có thể học được', theo Rachel Eva Dew, Tiến sĩ Y học Tự nhiên Tổng thể, Tiến sĩ triết học, bác sĩ được chứng nhận kép về y học tự nhiên và tích hợp và là người sáng lập ModiHealth.
Bà cũng nói thêm: 'Nhiều người học cách thực hiện tính kỷ luật qua các bài học và giá trị từ gia đình, thông qua việc tham gia các đội thể thao và từ trải nghiệm trong trường học. Tuy nhiên, không phải ai cũng được dạy chiến lược hiệu quả hoặc có thể hình thành thói quen để có được động lực tối ưu nhất.'
Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu nuôi dưỡng tính kỷ luật với chính mình, nhưng để làm được điều này cần sự tập trung.
Nghi ngờ về bản thân và nỗi sợ thất bại
Thất bại có thể gây ra nhiều cảm xúc khác nhau – xấu hổ, căm ghét bản thân, buồn rầu, lo âu và căng thẳng. Dù bước đầu để đạt thành tựu luôn là một thử thách, những cảm xúc này thường mang lại sự không thoải mái và chúng khó có thể giải quyết một cách lành mạnh.
Có khả năng cao là những người có nỗi sợ thất bại sẽ thà không làm gì cả hơn là gặp thất bại trong bất cứ việc gì.
Trò chuyện với chuyên gia tâm lý về những cảm xúc như nghi ngờ bản thân hay nỗi sợ thất bại quá mức có thể giúp bạn vượt qua những vấn đề này một cách hiệu quả và lành mạnh. Tiến sĩ triết học, nhà tâm lý học Rachel Goldman nói rằng: “Rất nhiều người trải nghiệm nỗi sợ và những cảm xúc về thất bại, nhưng nếu bạn không thử, bạn sẽ không bao giờ biết điều gì sẽ đến”, “Hãy nhớ rằng nếu bạn bắt đầu từ những bước nhỏ và chậm, mục tiêu bạn đặt ra sẽ dễ dàng thực hiện hơn.”
Cảm thấy choáng váng
Khi bạn đặt quá nhiều việc cần làm sẽ tạo ra cảm giác bị át chế, gần như tê liệt.
Tiến sĩ Hafeez cho biết: “Khi một người cảm thấy quá bận rộn, họ thường lui lại và tránh những nhiệm vụ mà họ nên hoàn thành.”
Cho phép bản thân từ chối những nhiệm vụ hoặc cam kết mới, dành thời gian cho bản thân và học cách cân bằng giữa cuộc sống và công việc là những phương pháp rất hữu ích.
Lo lắng, căng thẳng và trầm cảm
Ngay cả những người có động lực cao nhất cũng có những lúc gặp khó khăn trong việc duy trì sự bền bỉ. Điều này thường xảy ra khi tâm trạng của họ không tốt.
Tìm ra những cách thức giúp bạn đối phó với lo lắng, căng thẳng như thiền, tập thể dục hoặc trò chuyện với bạn bè sẽ rất hiệu quả.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị trầm cảm, hãy tìm kiếm sự tư vấn chuyên gia để được hỗ trợ bằng thuốc giúp bạn duy trì cuộc sống bình yên và cân bằng hơn.
Các phương pháp đã được chứng minh để tìm kiếm và thúc đẩy động lực
Không bao giờ là quá muộn để giải quyết các trở ngại phổ biến trong việc tìm động lực. Nếu bạn cảm thấy bế tắc hoặc không biết nên bắt đầu từ đâu, những phương pháp dưới đây có thể giúp ích cho bạn.
Nhận biết các thói quen, cách thực hành và mẫu hành vi mà không đánh giá chúng
Muốn sửa đổi bất kỳ điều gì cũng cần có sự hiểu biết trước. Tuy nhiên, việc này có thể khó khăn vì nhận ra khiếm khuyết của bản thân có thể dẫn đến cảm xúc khó chịu về chính mình. Hãy nhớ rằng không ai là hoàn hảo và đừng tự trách móc mình quá nặng nề.
Tiến sĩ Dew giải thích rằng hầu hết các thói quen của chúng ta được hình thành trong vô thức và chúng ta thực hiện chúng tự động. Để loại bỏ các mẫu hành vi không còn hữu ích, việc nhận thức chúng là điều quan trọng đầu tiên cần làm.
“Nếu chúng ta có thể nâng cao nhận thức về các mẫu hành vi độc hại và thực hiện hành động có mục đích và kiên trì, chúng ta có thể điều chỉnh lại các thói quen của mình để loại bỏ những điều cản trở chúng ta đạt được những gì mình mong muốn.”
- Rachel Eva Dew
Khi bạn nhận ra và xác định được một thói quen hay một mẫu hành vi của mình, hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao thói quen đó đang ngăn cản bạn, sau đó vạch ra cách để hạn chế nó.
Nâng cao động lực bên trong
Động lực nội tại là năng lượng nội tại đẩy chúng ta thực hiện các hoạt động mang lại sự hứng thú và thỏa mãn.
Tiến sĩ Hafeez nói rằng: “Các động lực nội tại thúc đẩy chúng ta gồm sự tò mò, phát triển bản thân, những thử thách, trách nhiệm và cảm giác thuộc về, sự kết nối và nhận thức về mục đích.” Cô ấy bổ sung: “Ví dụ, bạn có thể đọc một quyển sách về cơ thể con người vì bạn thấy thú vị với giải phẫu, và đó cũng có thể được coi là động lực nội tại.”
Dưới đây là một số cách thực hành động lực nội tại trong đời sống hàng ngày giúp bạn đạt được mục tiêu cá nhân của mình một cách thành công hơn:
- Lập kế hoạch cho các mục tiêu có thể đạt được
Bạn có thể cảm thấy bị áp đặt bởi một mục tiêu hay dự án nào đó, và điều này là hoàn toàn bình thường. Dù một nhiệm vụ có lớn đến đâu, bạn có thể chia nhỏ nó thành những mục tiêu nhỏ để từ từ hoàn thành. Tiến sĩ Hafeez khuyên rằng: “Ví dụ, khi chúng ta đối mặt với một nhiệm vụ khó mà cần phải hoàn thành, hầu như mọi người thường chờ đến phút chót mới bắt đầu làm. Để tránh điều này, hãy lập danh sách những mục tiêu có thể đạt được cho mỗi ngày,”. Cô ấy giải thích thêm: “Làm như vậy không chỉ khiến bạn cảm thấy thử thách, mà còn giúp bạn cảm thấy đã hoàn thành những công việc quan trọng.”
- Tự thưởng cho bản thân
Bằng cách tự thưởng cho bản thân sau mỗi công việc hoàn thành hoặc vào cuối mỗi ngày, bạn có thể biến mình trở thành người có động lực hơn. Theo thuật ngữ hướng dẫn khoa học, điều này gọi là “điều kiện hoạt động có yếu tố củng cố”; nói một cách đơn giản, hãy thưởng cho bản thân vì bạn đã làm việc tốt! Tiến sĩ Hafeez giải thích: “Mỗi khi bạn hoàn thành một công việc và biết rằng bạn sẽ được thưởng, hoặc ngược lại, nếu bạn không hoàn thành công việc nào, bạn biết mình sẽ không có phần thưởng nào. Vì vậy, theo thời gian, bạn sẽ học được cách liên kết phần thưởng với việc làm việc hiệu quả và đầy động lực.”
- Hình thành các thói quen tích cực theo thời gian
Theo thời gian và sự kiên trì, bạn có thể hình thành những thói quen tích cực một cách tự nhiên. Tiến sĩ Hafeez nói: “Kinh nghiệm cho thấy rằng, để hình thành một thói quen mới, bạn cần khoảng hai tháng” và “Để biến động lực thành thói quen, bạn cần thử và bắt đầu hoàn thành nhiệm vụ hàng ngày. Dĩ nhiên, đôi khi bạn có thể không hoàn thành công việc một số ngày, nhưng hãy nhớ rằng bạn nên hạn chế điều đó.”
Bảng câu hỏi về động lực
Dưới đây là bảng câu hỏi tự đánh giá mà Tiến sĩ Patel hỏi khách hàng của cô điền vào mỗi khi họ cần hoàn thành một nhiệm vụ, dù lớn hay nhỏ.
Chúng tôi khuyến khích bạn ghi lại câu trả lời vào sổ nhật ký vì đã được chứng minh khoa học rằng việc ghi lại mục tiêu muốn đạt sẽ gia tăng khả năng thành công.
- Mục tiêu bạn muốn đạt là gì?
- Tại sao bạn lại muốn đạt mục tiêu đó? Tại sao nó lại quan trọng với bạn?
- Hậu quả nếu bạn không đạt được mục tiêu là gì?
- Kết quả nếu bạn đạt được mục tiêu của mình là gì?
- Điều gì có thể ngăn cản bạn hoàn thành mục tiêu đó?
- Liệt kê vài cách giúp bạn vượt qua những trở ngại đó.
- Làm thế nào để bạn có thể chia nhỏ mục tiêu thành những phần nhỏ hơn, dễ thực hiện hơn mà bạn có thể hoàn thành?
- Ai là người bạn tin tưởng có thể giúp bạn đạt mục tiêu này?
- Bạn sẽ thưởng cho mình gì khi đạt được mục tiêu này?
Bạn có thể sử dụng bảng câu hỏi này để giúp mình thấy rõ mục tiêu, thúc đẩy niềm đam mê bên trong bạn và đề phòng những trở ngại có thể xảy ra trong quá trình để điều chỉnh chúng theo hướng tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc chia nhỏ mục tiêu thành những nhiệm vụ vừa phải giúp bạn tránh bị choáng ngợp, tê liệt hay bị mắc kẹt.
Cuối cùng, có một phần thưởng rõ ràng sau mỗi nhiệm vụ, dù là vật chất hay tinh thần, sẽ giúp bạn có động lực để tiếp tục.
Sau khi hoàn thành mục tiêu, chúng tôi khuyến khích bạn xem lại câu trả lời cho các câu hỏi trên.
Khi đã quen dần, bạn có thể nhận biết những mục tiêu gì thúc đẩy bạn và những rào cản nào gặp phải, từ đó tìm cách vượt qua chúng.
Lời kết từ Verywell
Cuối cùng, động lực là một khái niệm khác nhau đối với từng người. Không có một lời giải thích duy nhất vì sao một số người khó có động lực hơn.
Phát hiện và thay đổi những thói quen xấu là bước đầu để thay đổi. Quan trọng là tìm ra động lực nội tại và sử dụng chúng hiệu quả để bạn có thể làm được. Sẽ luôn có những trở ngại, nhưng mỗi bước tiến về phía trước đều là sự tiến bộ.
Nếu bạn cảm thấy đang gặp khó khăn với động lực do sức khỏe tinh thần, chúng tôi khuyên bạn nên tìm sự trợ giúp từ một chuyên gia tâm lý đáng tin cậy. Thông thường, nhận diện được vấn đề cơ bản sẽ giúp cải thiện tâm trạng, sức khỏe và giúp bạn giải quyết vấn đề về động lực.
Tác giả: Wendy Rose Gould