Tác giả: StelaKosic
Liệu tình yêu có đủ để làm cho một mối quan hệ trở nên hạnh phúc hơn? Câu trả lời sẽ là có nếu đó là khi bạn vừa trúng tiếng sét ái tình với ai đó. Bạn sẽ thực sự tin rằng hai bạn là mảnh ghép hoàn hảo của nhau! Nhưng sau một thời gian, mối quan hệ của bạn bắt đầu rạn nứt. Nó không còn “hoàn hảo” như bạn nghĩ, và bạn bắt đầu nghi ngờ về mối quan hệ ấy, rằng: liệu tất cả chỉ là ảo giác? Chúng ta có thể thấy điều này xảy ra với Rue và Jules trong series Euphoria. Họ đến với nhau bất chấp những tổn thương nặng nề trong tâm hồn để mong giải tỏa cho nhau. Nhưng trên thực tế, mối quan hệ của họ lại bị chi phối bởi cảm xúc, ghen tuông và những cuộc cãi vã. Cả hai đều cần được chữa lành nhưng lại trở nên “toxic' với nhau.
Còn mối tình của bạn thì sao? Bạn có thể cân bằng nó một cách hài hòa không, hay khiến nó trở nên tồi tệ? Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy mối quan hệ của bạn thực sự “độc hại”.
Bị mắc kẹt trong Tam giác kịch Karpman (Drama Triangle)
Tiến sĩ Stephen Karpman đã đưa ra một mô hình tương tác giữa con người với nhau mà ông gọi là Tam giác Kịch. Tam giác này thể hiện 3 vai trò trong một cuộc xung đột: Nạn Nhân, Người Giải Cứu và Người Bắt Bẻ. Theo thời gian, cả hai bạn có thể chuyển đổi vai trò khác nhau. Và thật không may, chúng không thực sự là cách trò chuyện lành mạnh nhất. Vậy bạn có đang bị mắc kẹt trong tam giác kịch này không? Hãy cùng khám phá những vai trò này nhé.
Nạn Nhân
Nguồn: freepik.com
Khi tranh cãi nảy sinh, Nạn Nhân sẽ nhanh chóng cho rằng mọi thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của họ vì họ cảm thấy mọi thứ đều chống lại mình và vấn đề không được giải quyết, ngay cả khi họ “cố gắng hết sức”. Họ thường có suy nghĩ “Ước gì có ai đó quan tâm đến tôi” hoặc “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi”. Vai trò này còn được gọi là tâm lý nạn nhân. Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Daniel Danshaw đã viết rằng những người có suy nghĩ này thường sử dụng những câu gây hấn thụ động (passive-aggressive), không chịu trách nhiệm về hành động của mình, thường cảm thấy cô đơn và không được người mình yêu hỗ trợ – điều này đưa chúng ta đến với Người Giải Cứu.
Người Giải Cứu
Nguồn: freepik.com
Bạn nghĩ rằng mình có thể yêu người ấy dù họ gây đau khổ cho bạn, hay bạn nghĩ mình có thể chữa lành chứng trầm cảm của họ, hoặc bạn tin rằng chỉ cần bạn đối xử với họ tốt hơn sẽ giải quyết được mọi vấn đề của họ… Đó là tất cả những ví dụ về cách Người Giải Cứu cố gắng giúp Nạn Nhân của họ. Họ bị lôi kéo bởi những người túng thiếu, bị tổn thương về cảm xúc, khiến người khác trở nên phụ thuộc vào họ. Các nhà tâm lý học cũng đặt ra thuật ngữ “Hội chứng Rescuer (Rescuer Syndrome)”, hay “Hội chứng hiệp sĩ trắng (The White Knight Syndrome)”, như nhà tâm lý học lâm sàng Tiến sĩ Mary Lamia nhắc đến trong cuốn sách của bà, “Hội chứng hiệp sĩ trắng: Giải cứu bản thân khỏi nhu cầu giải cứu người khác”. Đó là khi Người Giải Cứu tin rằng họ có thể chữa lành cho người mình yêu khi họ bị tổn thương. Tuy nhiên niềm tin này cuối cùng lại gây hại cho họ – nhà tâm lý học lâm sàng Karen Nimmo chia sẻ trên trang Medium rằng việc thường xuyên muốn giúp đỡ bạn đời có thể khiến họ đầu tư quá mức và quên đi nhu cầu của bản thân.
Nạn Nhân
Nguồn: freepik.com
Và cuối cùng là Người Bắt Bẻ với câu nói quen thuộc: “Tất cả là lỗi của anh/em!” Người chuyên đổ lỗi thường có xu hướng kiểm soát, tức giận và chỉ trích quá mức. Họ có thể đổ lỗi cho bạn với những điều nhỏ nhặt nhất – “Em đã rửa bát đĩa không đúng cách! Đó là lỗi của em làm chúng ta đến trễ hai phút!” Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình Tyler Rich cho rằng Người Bắt Bẻ “thường cảm thấy bản thân quá hoàn hảo, không có khuyết điểm và tập trung chỉ trích điểm yếu của người khác”. Bằng cách đó, họ luôn muốn kiểm soát toàn bộ tình hình, và quan trọng nhất, họ không muốn trở thành Nạn Nhân, điều này thực sự xảy ra khá thường xuyên.
Bạn có muốn biết làm thế nào một Kẻ Đổ Lỗi trở thành Nạn Nhân không? Hoặc làm thế nào một Nạn Nhân trở thành Người Giải Cứu? Hãy để lại bình luận cho chúng tôi biết nhé!
Hi sinh tất cả vì người mình yêu
Nguồn: freepik.com
Khi bạn thay đổi vai trò từ Nạn Nhân sang Người Giải Cứu thành Người Đổ Lỗi, bạn có thể thấy rằng mối quan hệ của mình đã trở nên đồng phụ thuộc (codependent), nghĩa là khi hai bên đều lệ thuộc vào người còn lại theo một cách nào đó về mặt tinh thần, cảm xúc hay thể chất. Theo Tam giác kịch Karpman, cả hai đảm nhận vai trò khác nhau - người nhận và người cho. Theo chuyên gia về mối quan hệ Margaret Paul, những vai trò này cũng có thể chuyển đổi tùy thuộc vào tình huống. Ví dụ, bạn có thể là người nhận khi bạn phụ thuộc vào tình cảm của nửa kia. Nhưng đồng thời, người kia phụ thuộc vào bạn về tài chính – và khi đó bạn là người cho đi.
Trong một cuộc phỏng vấn cho ChooseTherapy.com, nhà trị liệu Kate O'Brian đã đề cập một số dấu hiệu cho thấy cả hai bạn đang phụ thuộc vào nhau. Bạn có cảm thấy lạc lõng khi không có họ ở bên, cũng như bạn không phải là chính mình nếu không có họ? Hay bạn có thể hủy kế hoạch với người khác chỉ để dành một vài khoảnh khắc với họ? Bạn cũng gặp khó khăn khi từ chối họ, hoặc cảm thấy như bạn cần phải cứu họ khỏi chính họ.
Một số người cho rằng đây chẳng qua chỉ là tình yêu đơn thuần hay hy sinh bản thân vì người mình yêu. Nhưng thực ra những mối quan hệ đồng phụ thuộc rất “độc hại” vì chúng kéo bạn ngày càng xa người mà bạn cần quan tâm nhất – chính bạn.
Nhà tâm lý học và tác giả - Tiến sĩ Renee Exelbert đã chia sẻ trên VeryWellMind rằng “động lực này được gọi là chứng nghiện yêu” khi nhìn bề ngoài có vẻ như đó là một tình yêu vĩ đại nhất vũ trụ, nhưng bên trong cả hai đều cảm thấy đau khổ. Bạn sẽ đánh mất ý niệm về bản ngã, không biết giới hạn bản thân ở đâu và bắt đầu với nửa kia như thế nào. Và khi bạn cảm thấy muốn rời đi thì sự đồng phụ thuộc có thể khiến bạn chùn bước.
Người níu kéo, người rời đi
Nguồn: freepik.com
Tâm lý nạn nhân, kiểm soát hành vi, hội chứng Rescuer, đồng phụ thuộc… Tất cả những điều này bắt nguồn từ thời thơ ấu và phong cách sống của bạn. Bạn và người ấy có phải là người lo lắng và người né tránh cảm xúc không?
Thuyết gắn bó của người trưởng thành (Adult attachment theory) được đưa ra bởi nhà tâm lý học John Bowlby. Ông tin rằng người trưởng thành hay lo lắng rằng một ngày nào đó họ sẽ bị bỏ rơi thường cảm thấy không đủ và luôn tìm kiếm tình yêu từ bạn đời của họ. Mặt khác, những người trưởng thành tránh né lại rất sợ tiếp xúc về mặt tình cảm. Họ cần được độc lập và tự do, chẳng hạn như họ thà đi ra ngoài hơn là dành một đêm âu yếm với người yêu trước TV.
Nhà trị liệu tâm lý Sheri Gaba giải thích chức năng của hai điều này trên trang Psychology Today rằng, bởi vì một cá nhân khao khát tình cảm rất sợ bị từ chối nên đã đẩy những người gắn bó an toàn ra xa và tiếp cận những cá nhân không khao khát sự thân mật, nhưng họ vẫn khao khát được chú ý. Khi cá nhân lo lắng càng cung cấp sự chú ý, họ càng bị đẩy ra xa và đôi khi điều này này có thể trở thành một công cụ để lạm dụng họ. Và trước khi bạn biết điều đó, bạn đã mắc kẹt trong một cái bẫy: một người tiếp tục theo đuổi, một người bỏ chạy… và cả hai rượt đuổi không ngừng trong vòng quay của Tam giác kịch Karpman, sự đồng phụ thuộc và tình yêu lo lắng-tránh né.
Thường thì nếu không may rơi vào tình huống này, điều bạn quan tâm sẽ là: Cần làm gì tiếp theo? Bạn có thể khắc phục nó không? Câu trả lời là có thể, bằng cách trị liệu, bạn có thể giải quyết các vấn đề này và vượt qua khó khăn. Nhưng đôi khi nó không thực sự hiệu quả. Vậy, bạn có nên bước tiếp từ mối quan hệ độc hại này không?