“Nếu bạn không thể yêu bản thân mình, bạn sẽ luôn tìm kiếm ai đó để lấp đầy khoảng trống bên trong, nhưng không ai có thể làm được điều đó.” - Lori Deschene
Có bốn kiểu gắn bó: lo âu, tránh né, lo âu/tránh né và an toàn. Lý thuyết gắn bó cho thấy cách chúng ta gắn bó với người yêu phản ánh mối quan hệ với người nuôi dưỡng chúng ta. Nếu bạn như tôi, không được cha mẹ quan tâm chăm sóc từ nhỏ, bạn sẽ luôn cảm thấy trống vắng và lo lắng về việc có được yêu thương. Sự trống vắng này khiến bạn cảm thấy không đáng được yêu thương và dẫn bạn đến với những người có xu hướng tránh né.
Một người bạn đời tránh né là người coi trọng quyền riêng tư độc lập hơn tất cả mọi mối quan hệ. Họ khó mở lòng với người khác và thích những mối quan hệ ngắn ngủi. Khi họ cảm thấy dễ bị tổn thương hoặc bạn trở nên quá quan trọng, họ sẽ ngó lơ bạn. Những kế hoạch hẹn hò bị hủy hoặc trì hoãn không lý do, và bạn tự hỏi mình đã làm gì sai. Tôi hiểu rõ điều này vì tôi đã trải qua chuyện tương tự.
Tiềm thức của bạn có thể tái tạo những trải nghiệm thời thơ ấu. Nếu mỗi lần bạn muốn thể hiện tình cảm với cha mẹ và nhận lại những lời như “Đừng ủy mị” hay “Tránh xa tao ra”, bạn sẽ dần chấp nhận việc bị từ chối khi thể hiện tình cảm. Tiềm thức của bạn sẽ thu hút những người có thái độ tránh né giống cha mẹ bạn.
Kiểu gắn bó của chúng ta đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ và ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Nếu bạn có kiểu gắn bó lo âu và bị thu hút bởi những người tránh né, bạn sẽ vướng vào những mối quan hệ độc hại.
Nguồn ảnh: blog.well-nest.ca
Nếu bạn là người dễ lo âu, bạn sẽ có khuynh hướng:
Dễ dàng gắn bó; bạn sẽ nhanh chóng đi từ mức 0 đến 100 khi bạn thích ai đó.
Lo lắng không ngừng mỗi khi họ không còn yêu thích bạn.
Lo rằng họ không quan tâm đến bạn nhiều như bạn quan tâm họ.
Sợ rằng khi họ hiểu rõ con người thật của bạn, họ sẽ không còn yêu bạn và sẽ rời xa bạn.
Nghĩ rằng “Mình sẽ chẳng tìm được ai yêu thương mình” hoặc “Có lẽ mọi chuyện như vậy đã là tốt nhất rồi” khi nghĩ về mối quan hệ, dù sâu trong lòng bạn biết rằng mong muốn của mình sẽ không được đáp ứng.
Năm 2018, lần đầu tiên tôi quyết định tìm phương pháp trị liệu. Tôi từng là một sinh viên cao học đầy triển vọng, nhưng cũng là lúc tôi bắt đầu hẹn hò - và trời ơi, điều này đã trở thành một mớ hỗn độn. Tôi từ một người phụ nữ trẻ điềm tĩnh và tự tin trở thành một người lo lắng không ngừng. “Sao anh ấy vẫn chưa nhắn tin cho mình?” “Đã bốn tiếng trôi qua từ lúc mình nhắn tin cho anh ấy.” “Anh ấy không còn thích mình nữa sao?” Đây chỉ là vài trong số những suy nghĩ lặp đi lặp lại trong tâm trí tôi, và tôi đang dần đánh mất chính mình.
Lúc đó, tôi không nhận ra, nhưng tôi đã liên tục thu hút những người đàn ông có khuynh hướng tránh né, và khi họ càng muốn tạo khoảng cách, tôi lại càng muốn thu hẹp khoảng cách đó. Tôi rất muốn gần gũi với họ. Tôi muốn được họ yêu thương, bởi nếu không, điều đó có nghĩa rằng tôi có vấn đề.
Bạn chắc đã nghe người khác nói: “Nếu họ không thích cậu, thì người chịu thiệt chỉ là họ mà thôi.” Nhưng với tôi, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Với tôi, tôi cảm thấy mình cần phải có được tình cảm của họ, và nếu không, điều đó có nghĩa rằng tôi không xứng đáng với sự chú ý và thời gian của họ. Tôi bắt đầu tập trung quá mức vào mọi chi tiết trong tương tác giữa hai người. Tôi chú ý liệu họ có chấm câu cuối tin nhắn hay gửi kèm emoji không. Tôi thậm chí canh thử họ mất bao lâu để nhắn lại cho tôi. Nếu tôi đang hẹn hò ai đó và họ thường trả lời tin nhắn trong vòng hai tiếng, thì trong một tiếng đầu tôi vẫn giữ bình tĩnh, nhưng khi gần đến hai tiếng, nỗi lo lắng càng chiếm lấy tôi nhiều hơn.
Tôi cảm nhận được áp lực của lo lắng từ trong cơ thể, bắt đầu từ dạ dày. Căng thẳng ngày càng gia tăng, vai tôi trở nên nặng nề và miệng thì mất hết khẩu vị. Tôi giảm khoảng 20 pound (9 kg) trong thời gian này vì không thể kiểm soát căng thẳng và lo lắng. Thậm chí, tóc trên đỉnh đầu tôi còn rụng đi một phần. Tôi kinh hãi trước sự suy giảm về tinh thần và thể chất của mình. Vài tháng trước, tôi vẫn là một sinh viên mới bắt đầu học cao học, đầy hứng khởi trước cuộc sống và ước mơ xây dựng sự nghiệp, nhưng giờ đây, tôi phải kiềm chế và giả vờ cười chỉ để trông bình thường.
Kiểu gắn bó của tôi là lo âu, vì vậy tôi cực kỳ nhạy cảm với những thay đổi nhỏ nhặt nhất trong giọng điệu, cơ thể, biểu hiện gương mặt của một người, cũng như từ ngữ mà họ sử dụng. Nếu bạn trai tôi nói “Anh yêu em” vào một ngày và ngày hôm sau lại nói “Anh thích em rất nhiều”, tôi sẽ dành cả tuần để suy nghĩ về sự thay đổi đó.
Tôi nhận ra rằng mình đang đối mặt với vấn đề và cần phải tìm cách kiểm soát lại cảm xúc của mình. Vì vậy, tôi đã lên mạng tìm kiếm sự giúp đỡ. Tôi đã đọc nhiều trải nghiệm trên trang Tiny Buddha, và những chia sẻ đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn về tình hình của mình.
Vì không thể ép buộc người yêu đáp ứng mong muốn của mình, tôi đã nghĩ rằng tất cả là do mình. Tôi cần phải thả lỏng và không mong đợi quá nhiều từ họ. Tôi đã thử thay đổi bản thân và buông bỏ những kỳ vọng. Tôi tự thuyết phục rằng vấn đề nằm ở chính mình, và tôi đã thậm chí cố gắng thanh tẩy 'năng lượng tiêu cực' của mình bằng Limpia.
Tôi thực sự mong muốn vấn đề nằm ở chính mình, vì nếu vậy, tôi có thể kiểm soát và khắc phục được. Nhưng mỗi lần tôi cố gắng thay đổi và giảm bớt kỳ vọng, tôi lại rơi vào tình trạng trầm cảm sâu hơn.
Như các bạn đã biết, cách chúng ta gắn bó với người yêu có thể ảnh hưởng đến tinh thần của chúng ta. Nếu không hiểu rõ về kiểu người mà chúng ta thu hút, chúng ta sẽ mãi mãi rơi vào vòng lặp mối quan hệ độc hại.
Việc tham gia liệu pháp và tìm kiếm sự giúp đỡ là quyết định thông minh nhất của tôi. Tôi đã nhận ra được vòng lặp của những mối quan hệ độc hại mà tôi đã vướng vào. Nếu bạn cũng nhận ra rằng bạn đang trong vòng lặp này và sẵn lòng thoát ra khỏi nó, dưới đây là một số điều bạn có thể làm:
Nguồn ảnh: lifehack.org
1. Tự nhận thức với bản thân rằng bạn có khả năng phá vỡ vòng lặp.
Hãy trung thực với bản thân. Hãy xác định những cách mà bạn đã tổn thương bản thân bằng cách chọn những người chỉ gây tổn thương cho bạn. Cam kết phá vỡ vòng lặp này.
2. Kết nối với đứa trẻ bên trong bạn.
Mỗi khi bạn cảm thấy tổn thương, cô đơn, thay vì tìm đến những người gây tổn thương, hãy hình dung bản thân là một đứa trẻ, và kết nối với đứa trẻ trong tâm hồn của bạn. Viết một lá thư cho chúng. Bạn sẽ nói gì với đứa trẻ đó khi bạn cảm thấy tổn thương và cô đơn? Tôi sẽ nói với chính mình rằng Tôi yêu em. Hãy yên tâm vì tôi sẽ luôn ở bên cạnh em.
3. Lập danh sách những cảm xúc tiêu cực mà bạn đã trải qua với người yêu.
Viết ra danh sách lý do vì sao bạn cần tránh xa người này và xem lại nó trước mỗi lần muốn liên lạc với họ.
4. Kiểm soát hệ thần kinh.
Khi hệ thần kinh giao cảm của bạn được kích hoạt, phản ứng chiến - hay - chạy sẽ xuất hiện, khiến bạn khó chịu khi phải xa người mà bạn đã gắn bó cùng. Chia tay có thể là một nguy cơ, khiến bạn sợ hãi và muốn quay về vùng an toàn, trong mối quan hệ độc hại đó. Một số cách đơn giản để kiểm soát hệ thần kinh của bạn bao gồm đi bộ ngoài trời, tập thể dục, luyện hít thở và nghe nhạc để xoa dịu tâm hồn.
5. Bắt đầu tạo thói quen yêu thương và chăm sóc bản thân.
Hãy bắt đầu viết nhật ký khoảng mười phút mỗi ngày, giải quyết cảm xúc và xác định kiểu suy nghĩ và hành động của bạn. Hãy lập danh sách nhu cầu về thể chất, tinh thần và cảm xúc, và tìm cách đáp ứng chúng mỗi ngày. Bạn cũng có thể 'tự hẹn hò với bản thân' hàng tuần: đi ăn hoặc xem phim. Hãy làm mọi điều giúp bạn cảm thấy hạnh phúc và đầy đủ. Khi bạn hiểu rõ hơn về chính mình và thoải mái hơn khi ở một mình, bạn sẽ ít muốn tìm kiếm một người để lấp đầy khoảng trống trong lòng.
Bạn là người có thể tạo ra cuộc sống và trải nghiệm mà bạn mong muốn. Dù bạn có cảm thấy rằng bạn sẽ không bao giờ tìm được một người phù hợp vì kiểu gắn bó lo âu, điều đó hoàn toàn không đúng. Khi bạn tự yêu mình, dù bạn thu hút hoặc tránh né, bạn sẽ rời bỏ khi nhận thấy dấu hiệu đầu tiên thay vì cố gắng sửa chữa mọi thứ.
Cuối cùng, bạn sẽ gặp một người sẵn lòng gắn bó với bạn một cách an toàn. Bạn sẽ có người để chia sẻ mọi lo lắng, và thay vì bỏ qua bạn và nói 'Đừng nhạy cảm', họ sẽ hỏi 'Anh/em có thể làm gì để giảm bớt lo lắng?' hay 'Anh/em có thể giúp anh/em cảm thấy an toàn hơn không?'. Hãy nhớ rằng bạn là người kiểm soát cuộc sống hiện tại của mình.
Tác giả: Esther Gutierrez