Lòng trắc ẩn luôn là một chủ đề tôi thường suy ngẫm, nhưng gần đây mới hiểu rõ hơn. Là người mắc chứng 'đa dạng thần kinh' và nhiều bệnh tâm lý khác, tôi thường cảm thấy thiếu sự đồng cảm và thấu hiểu từ người khác. Ngược lại, những người giúp đỡ bệnh nhân tâm lý như tôi cũng cảm thấy việc hỗ trợ rất mệt mỏi. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ cách để mỗi người trong chúng ta có thể thấu hiểu lẫn nhau trong mọi tình huống.
ĐỪNG COI THƯỜNG BỆNH TÂM THẦN HOẶC RỐI LOẠN HÀNH VI
Tôi mắc chứng Misophonia - một hội chứng rối loạn nhạy cảm âm thanh (thực ra là triệu chứng của rối loạn lo âu). Tôi có thể dễ dàng bị kích động bởi rất nhiều âm thanh do con người tạo ra (như tiếng hát, tiếng vo ve, tiếng huýt sáo, gõ, nhai,...). Không quan trọng những âm thanh ấy có dễ chịu hay ai phát ra chúng, những tiếng động này sẽ tác động mạnh mẽ đến tôi, khiến tôi trở nên bức bối, lo lắng hay thậm chí đau khổ, tức giận.
Và chính mẹ tôi đã bị ảnh hưởng bởi chứng ghét tiếng ồn này của tôi. Bất cứ khi nào mẹ tôi hát, tôi sẽ bị kích động, điều đó khiến bà cảm thấy bị xúc phạm cũng như nghĩ rằng mình có một giọng hát thậm tệ. Tôi hoàn toàn hiểu sẽ khó chịu thế nào nếu như có ai đó bịt tai ngay khi bạn vừa cất tiếng hát, nhưng mỗi chúng ta cần nhớ rằng:
1. Mọi người không có quyền lựa chọn tác nhân kích thích họ và họ khó có thể kiểm soát những hành vi để bảo vệ bản thân.
Những hành vi này thường diễn ra tự động, vì vậy cố gắng thay đổi chúng một cách miễn cưỡng sẽ gây ra nhiều sự bức bối và mệt mỏi. Tin tôi đi, mỗi người giống như tôi đều không có ý định cho thấy rằng họ bị kích động bởi bạn làm gì, cũng như những hành vi của chúng tôi không liên quan đến mức độ chúng tôi thích bạn.
2. Các hành vi hoặc tác nhân kích thích không nói lên điều gì về tính cách cá nhân.
Những gì chúng tôi làm để đối phó với các căn bệnh, vấn đề tâm lý của bản thân không liên quan đến bạn, giá trị của bạn hoặc sự xứng đáng của bạn.
3. Nếu hành động của ai đó gây ra bởi bệnh tâm lý của họ làm bạn không thoải mái, hãy dành thời gian để hiểu nguyên nhân.
Nếu tình huống bạn gặp phải không quá cá nhân, đây là cơ hội để tìm hiểu. Bạn có lo lắng về giọng hát của mình chỉ vì làm ai đó cảm thấy kích động không? Một hành vi có ảnh hưởng đến lòng tự trọng của bạn không?
Bạn có thể kiểm soát cảm xúc của mình và nhận ra rằng những cảm xúc này xuất phát từ vấn đề cá nhân của bạn chứ không phải do hành động của người khác. Tôi đã học cách từ chối sự phê phán, sự đánh giá. Tôi có thể kiểm soát cảm xúc của mình, nhưng đôi khi, tôi cũng phải hiểu tại sao mình không chấp nhận sự phê phán và việc liên tục chống lại cảm xúc có thể gây hại cho bản thân tôi.
Tôi cần tập trung vào việc nuôi dưỡng lòng tự trọng của mình để có thể chấp nhận phản hồi một cách tích cực. Không ai cần phải che giấu suy nghĩ hay đánh giá của họ chỉ để bảo vệ cảm xúc của tôi. Điều quan trọng là tôi phải tự chịu trách nhiệm đối với cảm xúc của mình. Nếu muốn tránh xa khỏi sự tiêu cực, tôi cần phải đầu tư vào việc xây dựng lòng tự tin và tự trọng cho bản thân.
Điều này dẫn tới vấn đề tiếp theo mà tôi muốn nhắc đến:
4, Không ai phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc của bạn và bạn cũng không cần phải đảm bảo cảm xúc cho ai khác.
Nhiều người trong chúng ta được lớn lên trong một môi trường đầy tình cảm, và thường cảm thấy phải chịu trách nhiệm với cảm xúc của người khác và ngược lại. Nhưng thực tế là chúng ta chỉ cần chăm sóc, xử lý và đối phó với cảm xúc của chính mình.
Đừng đòi hỏi những người bạn yêu quý phải che giấu suy nghĩ của họ chỉ để làm cho bạn thoải mái. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái với điều gì đó mà không phải là vấn đề quá cá nhân, đó chính là vấn đề của bạn. Bạn cần phải tự trách nhiệm điều chỉnh cách suy nghĩ và cảm xúc của mình để cảm thấy tự tin hơn về bản thân. Không ai phải che dấu suy nghĩ khi bạn có lòng tự trọng thấp.
HÃY HIỂU RÕ HƠN VỀ ĐIỀU NÀY
Là những người luôn phải đối mặt với những 'quái vật tinh thần', chúng ta có thể bị chúng đánh bại đến mức không nhận ra rằng mỗi hành động của chúng ta có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến những người xung quanh.
Cá nhân tôi biết rằng ép buộc tìm kiếm sự an tâm của chính mình có thể làm khó chịu người khác, những người phải nghe tôi hỏi cùng một câu hỏi hàng chục lần chỉ để chắc chắn về câu trả lời. Tôi cũng hiểu rằng cảm giác lo âu xã hội cùng với tổn thương chưa được chữa lành khiến tôi thường có xu hướng chia sẻ quá nhiều, điều đó đôi khi sẽ gây phiền phức cho mọi người và không phù hợp về mặt xã hội.
Điều này không có nghĩa là 'Hãy dừng lại những hành vi ấy.' Tôi biết nhiều người trong chúng ta đã nghe đi nghe lại câu nói này, và nó thật sự chẳng hề có tác dụng mà chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết về việc khó khăn thế nào để có thể ngưng các hành vi do các bệnh tâm lý gây nên, đặc biệt là khi chưa có một liệu pháp điều trị.
Thay vào đó, hãy dành chút thời gian để hiểu và nhận thức rằng hành động của chúng ta có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Chúng ta có thể trò chuyện với họ và nói rằng: 'Tôi hiểu những hành động của mình có thể gây khó chịu cho bạn như thế nào. Những cảm xúc mà bạn trải qua là hợp lý, và tôi chấp nhận điều đó.'
Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể thuyết phục người khác đặt ra ranh giới và cố gắng hết sức để không vượt quá ranh giới đó, mặc dù tôi hiểu rằng đôi khi việc này sẽ khó khăn tùy thuộc vào mức độ rối loạn tinh thần của bạn và liệu pháp điều trị bạn đã có hay chưa. Với cá nhân tôi, nếu ai đó đặt ra một ranh giới mà tôi biết mình không thể duy trì, tôi sẽ thông báo cho họ biết và từ từ rời xa họ.
Với những người bình thường - những người không mắc bệnh tâm lý, hãy hiểu rằng vấn đề của bạn với những bệnh nhân tâm lý như chúng tôi không thể giải quyết trong một hoặc hai ngày. Chúng tôi không thể ngừng hành động của mình chỉ với một lời nói. Cần rất nhiều thời gian (cũng như liệu pháp) để kiềm chế hành vi đó, và trong một số trường hợp, chúng tôi không thể kiểm soát được chúng. Vậy nên, hãy kiên nhẫn và duy trì ranh giới của bạn. Bạn có thể đặt ra ranh giới với chúng tôi, nhưng hãy hiểu rằng một số người không thể duy trì ranh giới đó, dù họ đã cố gắng. Đó là lúc bạn nên tự bảo vệ cảm xúc của mình bằng cách rời xa họ.
Ai từng ở trong một mối quan hệ với một người quá yêu bản thân đều quen với tình huống này. Bạn đặt ra giới hạn, nhưng họ liên tục vượt qua. Vì chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, họ khó kiểm soát việc vượt qua giới hạn. Vì vậy, thay vì cố gắng thuyết phục họ duy trì giới hạn nghìn lần, bạn nên rời bỏ họ. Bởi bạn biết họ không thể kiểm soát được và bạn cũng không chịu nổi. Vậy lựa chọn tốt nhất là rời đi.
DUY TRÌ MỐI QUAN HỆ KHÔNG ĐƠN GIẢN
Trong mỗi mối quan hệ, hai người có hai cách suy nghĩ khác nhau, do đó xung đột là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, hãy chuẩn bị tâm lý để giải quyết xung đột.
Là người bình thường, bạn cần hiểu rằng các bệnh nhân tâm lý ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ. Hãy tôn trọng giới hạn của họ và biết rõ điều gì họ có thể làm hoặc không thể. Họ không thể kiểm soát hành vi của mình, vì vậy hãy kiên nhẫn và thấu cảm với họ.
Nếu bạn mắc bệnh tâm lý, hãy nhớ rằng mọi người xung quanh bạn cũng gặp khó khăn. Họ không phải là bác sĩ tâm lý của bạn, vì vậy hãy chấp nhận họ không thể hiểu rõ về bệnh của bạn.
Mối quan hệ chỉ có thể duy trì khi cả hai người đều thông cảm, chấp nhận và tôn trọng đối phương. Nếu bệnh nhân tâm lý quá dễ kích động hoặc 'người bình thường' quá kỳ thị và tự cao, mối quan hệ sẽ nhanh chóng tan vỡ. Điều này có thể gây tổn thương cho cả hai.
Trong thế giới hiện đại, con người thường đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiểu nhau, điều này có thể dẫn đến những hành vi có hại. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy cuộc trò chuyện về sức khỏe tinh thần trong những năm gần đây, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều công việc phải làm. Nếu bạn mong muốn cải thiện mối quan hệ với người khác, bất kể họ là ai, bạn nên lắng nghe những lời khuyên trên đây, đó sẽ là bước đi đầu tiên tốt đẹp.