Nghiên cứu mới đây chỉ ra lý do và thời điểm cảm xúc có thể trở nên quá tải.
NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT
Tình yêu lúc mới bắt đầu luôn mãnh liệt. Khi đó, cả hai thường nghĩ về nhau và mong muốn được gần gũi, thân mật. Trong mắt nhau, nửa kia là hình mẫu lý tưởng — không có lỗi lầm hay khuyết điểm.
Các nghiên cứu về não bộ của những người mới yêu cho thấy trạng thái khao khát này giống như cơn nghiện ma túy. Họ dường như không bao giờ cảm thấy đủ.
Thông thường, cảm giác mãnh liệt này có xu hướng giảm đi sau vài tháng, khi những cảm xúc mạnh mẽ dần dịu lại, trở nên chậm rãi và chân thành hơn. Khi sự gần gũi và niềm tin được xây dựng, cam kết sẽ hình thành. Cả hai sẽ cảm thấy an toàn trong mối quan hệ, không còn lo lắng gì và có thể tập trung vào những điều khác.
Dù cảm giác say mê có thể phai nhạt theo thời gian, nhưng nó vẫn là yếu tố quan trọng để duy trì hạnh phúc trong mối quan hệ lâu dài. “Làm sao để giữ lửa đam mê trong tình yêu?” là câu hỏi được nhiều người tìm kiếm. Tính đến thời điểm bài viết này, có gần 71.400.000 kết quả trên Google.
Hầu hết các nhà trị liệu cặp đôi đều cho rằng việc khôi phục sự hứng thú trong mối quan hệ lâu dài đòi hỏi sự cố gắng từ hai phía. Để giữ lửa tình yêu, các chuyên gia tâm lý khuyên cặp đôi nên dành nhiều thời gian cho nhau, chia sẻ kinh nghiệm và mục tiêu, cùng nhau phát triển để không trở nên xa cách.
Giải pháp mới để duy trì ngọn lửa tình yêu
Tuy nhiên,
nghiên cứu gần đây trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội cho thấy một cách tiếp cận mới. Các nhà khoa học cho rằng để tăng cường sự mãnh liệt, các cặp đôi cần phát triển bản thân theo cách riêng. Họ cần tự trải nghiệm cảm giác phấn khích và phát triển kỹ năng, quan điểm mới. Sau đó, họ nên áp dụng những điều mới mẻ đó vào mối quan hệ nhưng chỉ ở mức độ nhất định.
Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã lựa chọn 122 cặp vợ chồng chuẩn bị bước vào giai đoạn mới trong cuộc sống, có thể thúc đẩy sự phát triển ở từng cá nhân: việc thay đổi công việc. Tất cả những người tham gia được yêu cầu ghi chép nhật ký liên tục trong khoảng 21 ngày. Mỗi ngày, họ ghi lại thông tin về:
Sự phát triển cá nhân của họ (“Bạn có thể nhận biết rõ hơn về mọi thứ ở mức độ nào?”; “Bạn đã mở rộng góc nhìn về bản thân như thế nào?”; “Bạn cảm thấy hứng thú đến đâu?”; “Bạn cảm thấy tầm nhìn của mình đã được cải thiện như thế nào?”)
Cảm giác gần gũi với người kia vào ngày hôm đó (“Bạn cảm thấy mối quan hệ với họ có tốt không?”)
Cảm xúc tích cực của họ (mức độ “hạnh phúc/hài lòng/vui vẻ', 'quan tâm/chú ý', 'thích thú' và 'Hôm nay, bạn đã trải nghiệm cảm giác hạnh phúc bao nhiêu lần?')
Kết quả chỉ ra rằng vào các ngày mà những người tham gia nhận thức được sự phát triển cá nhân của bản thân càng nhiều, thì mức độ gần gũi trong mối quan hệ của họ cũng tăng lên rõ rệt. Điều này chủ yếu được giải thích bởi sự gia tăng tương ứng trong cảm xúc tích cực — có lẽ là kết quả của việc trải nghiệm sự phát triển của bản thân.
Điều này dĩ nhiên là dễ hiểu. Một ngày nọ, một người bất ngờ nhận ra sự phát triển cá nhân — trong trường hợp này có thể là từ một công việc mới thú vị ở một thành phố hoàn toàn mới — sẽ cảm thấy như được nạp thêm sinh lực. Họ cảm thấy mở rộng cái nhìn sâu sắc hơn về chính mình và biết mình mong muốn điều gì trong cuộc sống. Họ cảm thấy đã tìm thấy 'sự phù hợp' và có thể thậm chí còn lạc quan hơn về tương lai. Theo bản năng, họ sau đó mang năng lượng này về nhà cho đối tác của mình, và do đó bất ngờ nhìn nửa kia với một ánh mắt khác lạ (có phần quyến rũ hơn?).
Theo một ý nghĩa nào đó, điều này giống như thổi luồng gió mới vào mối quan hệ, như các chuyên gia trị liệu cặp đôi thường khuyến khích. Hai con người trở về sau một ngày tự phát triển bản thân thực sự là quay lại mối quan hệ hàng ngày với một chút khác biệt. Trong đó có sự thú vị và mới mẻ.
Có khi nào quá nhiều không?
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chú ý đến một điều quan trọng. Một số người tham gia báo cáo rằng họ đã trải qua mức độ phát triển cá nhân bền vững rất cao, gần như hàng ngày. Thú vị là nhóm này cho biết mức độ thân mật với đối tác của họ thấp hơn so với hầu hết mọi người.
Điều này lại một lần nữa có ý nghĩa. Đôi khi trải nghiệm, bao gồm cả công việc, thực sự biến chúng ta trở thành một con người hoàn toàn khác. Sẽ có lúc chúng ta muốn thay đổi giá trị và mục tiêu của bản thân và quyết định chinh phục một thứ gì đó lớn hơn và khác biệt hơn trong cuộc sống. Một người như vậy vô tình lại đang phát triển nhanh chóng đến mức về cơ bản có thể để lại đối tác phía sau.
Tương tự, kết quả của nghiên cứu này gợi ý những điều sau: Một chút mới lạ thông qua việc phát triển bản thân sẽ giúp duy trì sự say mê trong tình yêu. Tuy nhiên, khi đối diện với một người hoàn toàn mới có thể khiến bạn lo sợ đối phương đã phát triển hơn hoặc bạn cảm thấy cần phải “đuổi kịp” và thay đổi cùng với họ. Một số người có thể lo rằng nửa kia cảm thấy những trải nghiệm bên ngoài thú vị hơn trong mối quan hệ hoặc đơn giản là họ không còn quan trọng đối với đối phương nữa. Tương tự, việc giảm bớt sự thân mật có thể do bạn phủ nhận hoặc chống lại những khía cạnh cá nhân mới của đối phương. Điều này có thể dẫn đến xung đột và khiến cả hai không hạnh phúc.
Kết quả của nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu rõ cách nuôi dưỡng các mối quan hệ lâu dài lành mạnh. Ví dụ, đam mê lãng mạn trong hôn nhân có liên quan đến sự mãn nguyện, cam kết và giảm tỷ lệ ngoại tình (Carswell & Finkel, 2018). Tương tự, mức độ hài lòng với cuộc sống, cảm xúc tích cực và kết quả sức khỏe có xu hướng cao hơn ở những người đang yêu say đắm.
Một quan điểm sai lầm phổ biến là ly hôn chủ yếu xuất phát từ những cuộc hôn nhân xung đột và không hạnh phúc. Tuy nhiên,
nghiên cứu chỉ ra rằng gần một nửa vụ ly hôn bắt nguồn từ những cuộc hôn nhân ít xung đột, tương đối hạnh phúc. Thay vào đó,
các nghiên cứu chỉ ra rằng sự thiếu vắng những trải nghiệm đặc biệt tích cực, và đặc biệt là niềm đam mê lãng mạn là lý do ngày càng nhiều mối quan hệ tan rã. Sự chán nản trong hôn nhân, tượng trưng cho mức độ mãnh liệt thấp, là một trong những lý do chính khiến hôn nhân tan vỡ. Vấn đề ly dị của các cặp vợ chồng ít xung đột thực sự có nhiều khả năng tàn phá tình cảm đối với hạnh phúc cá nhân của cả hai và con cái hơn so với những người thường xuyên xung đột trong hôn nhân.
Tóm lại, việc khơi lại cảm xúc say mê trong tình yêu không chỉ là một câu chuyện cổ tích. Đó là một mục tiêu quan trọng cần được chăm sóc để một mối quan hệ có thể tồn tại lâu dài. Sự phát triển cá nhân khiến chúng ta trở thành những con người thú vị hơn không chỉ đối với bản thân mà còn với người bạn đời của mình. Nó tạo ra những cảm xúc tích cực lan tỏa từ chúng ta đến nửa kia và cần được nhìn nhận như một nguyên liệu cần thiết cho một mối quan hệ hạnh phúc, lâu dài.
Nguồn (trong bài viết)
Carswell, K. L., Muise, A., Harasymchuk, C., Horne, R. M., Visserman, M. L., & Impett, E. A. (2021). Sự phát triển của mong muốn hay sự xa cách? Hậu quả của việc mở rộng bản thân cá nhân đối với niềm đam mê lãng mạn. Tạp chí Tâm lý và Xã hội. Xuất bản trước trực tuyến. https://doi.org/10.1037/pspi0000357
Tác giả: Nicole K. McNichols
Dịch giả: Đông Đông
Biên tập: Minh Nguyệt
Nguồn ảnh: behance.net
Link gốc: Làm thế nào để Khôi phục Đam mê trong Mối quan hệ