Một lời xin lỗi chân thành có thể làm dịu đi mọi căng thẳng và hàn gắn lại mọi mối quan hệ.
Một số người xin lỗi với ý đồ sửa chữa và làm dịu đi mọi mâu thuẫn trong quan hệ. Một số khác lại lạm dụng lời xin lỗi chỉ để trốn tránh tội lỗi. Và cũng có những người, dù có cảm giác tội lỗi và hối tiếc, nhưng không biết phải nói gì hoặc làm gì để xin lỗi những người họ đã làm tổn thương.
Yếu tố gì làm cho lời xin lỗi trở nên hiệu quả?
Trong tác phẩm sách nổi tiếng của mình, Aaron Lazare đã cung cấp câu trả lời. Ông cho rằng những lời xin lỗi thành công, dù riêng tư hay công khai, có thể hàn gắn vì chúng đáp ứng một nhu cầu tâm lý, thậm chí nhiều hơn thế.
1. Lời xin lỗi phải phục hồi lòng tự trọng và phẩm giá của người bị tổn thương.
Các từ ngữ hoặc hành động có thể khiến người khác cảm thấy bị xem thường, phớt lờ, thậm chí bị hạ thấp hoặc sỉ nhục là một cú đánh vào nhân phẩm và ý thức về bản thân. Thông thường, người bị tổn thương sẽ cảm thấy bất lực và che giấu cảm xúc của họ bằng cách nghĩ về sự trả thù hoặc tức giận.
Trong lời xin lỗi của mình, người phạm tội phải phục hồi lại lòng tự trọng và phẩm giá của người bị tổn thương bằng cách thừa nhận lỗi lầm, sự phản bội, và hơn thế nữa. Cơ bản, người phạm tội phải sẵn lòng thừa nhận sự không tôn trọng của mình.
Ví dụ: 'Tôi đã phản bội lòng tin của bạn và hỏng mối quan hệ của chúng ta.'
2. Lời xin lỗi cần xác nhận và thiết lập lại những giá trị được chia sẻ bởi cả hai bên.
Khi họ thừa nhận lỗi và hứa sẽ không tái phạm, họ cũng khẳng định họ đã vi phạm các nguyên tắc và giá trị chung. Nếu họ không nhận ra sai lầm của mình đến mức không chấp nhận được, họ không thể lấy lại niềm tin của người kia.
Ví dụ: 'Tôi xin lỗi vì nói dối về tiền của chúng ta. Tôi đã làm mất lòng tin của bạn. Tôi hứa sẽ thận trọng hơn vào lần tới. Đó là một sai lầm.'
3. Lời xin lỗi cũng phải thể hiện rằng người kia không có lỗi.
Khi một người bị tấn công về thể chất hoặc tinh thần, họ thường tự trách mình về hành động của mình.
Tâm điểm của một lời xin lỗi chân thành là người phạm lỗi phải thừa nhận trách nhiệm của mình. Xin lỗi bằng cách nói: 'Tôi xin lỗi, nhưng bạn làm tôi tức giận' không phải là lời xin lỗi mà là một lời biện hộ.
Ví dụ: 'Tôi xin lỗi về cách tôi đối xử với gia đình bạn. Tôi thừa nhận lỗi. Tôi đã gây gổ một cách không cần thiết. Tôi sẽ tự mình liên lạc và xin lỗi họ.'
4. Lời xin lỗi phải bảo vệ sự an toàn thể chất trong mối quan hệ.
Trong trường hợp như bị xâm phạm, bạo lực gia đình, bắt nạt, đe dọa trên mạng xã hội,... lời xin lỗi không chỉ thể hiện sự thừa nhận về hành vi phạm lỗi của bạn, mà còn phải đảm bảo sự an toàn cho đối phương trong tương lai.
Ví dụ: 'Tôi rất xin lỗi vì đã làm tổn thương bạn. Không gì có thể bào chữa cho việc làm của tôi. Tôi không trách bạn vì đã muốn bỏ đi. Tôi chắc chắn điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Tôi đã tham gia một nhóm Kiểm Soát Cơn Giận Dữ. Tôi biết mình cần dành thời gian để có thể sắp xếp lại cuộc sống của mình một cách tốt hơn.
5. Lời xin lỗi phải đi kèm với hành động sửa chữa sai lầm do hành vi phạm lỗi.
Dù là thực tế hay cảm xúc, việc đền bù là một yếu tố quan trọng của lời xin lỗi thực sự. Chúng ta đều cảm thấy hài lòng với việc Starbucks, sau khi nhận ra sai sót trong một đơn đặt hàng, đã đáp ứng với lời xin lỗi và một khoản tiền bồi thường.
Trong các mối quan hệ cá nhân, người xin lỗi thường thể hiện sự hối lỗi của họ thông qua hành động đáp trả.
Ví dụ: 'Không có lời biện minh nào cho việc tôi đã không bao giờ tham dự bất kỳ buổi hòa nhạc nào của bạn. Tôi đã phạm lỗi. Tôi rất xin lỗi vì đã bỏ lỡ điều quan trọng đối với bạn. Tôi đã điều chỉnh lịch trình của mình. Tôi sẽ tham dự buổi hòa nhạc đó.'
6. Lời xin lỗi phải gồm việc sẵn lòng chịu trách nhiệm về hậu quả của hành động sai trái.
Công bằng trong sự trừng phạt: Đôi khi trong các vụ án hình sự và thậm chí dân sự, dù có lời xin lỗi, người phạm tội vẫn phải chấp nhận và gánh chịu hậu quả của hành vi sai trái. Đây được gọi là công bằng trong sự trừng phạt.
Từ chối chấp nhận lời xin lỗi: Trong các mối quan hệ cá nhân, sự hối tiếc của người phạm lỗi có thể được thể hiện bằng sự xấu hổ và nhục nhã về hành vi của mình, cũng như ý thức sẵn lòng sửa đổi. Tuy nhiên, có những lúc, dù người phạm lỗi đã bày tỏ sự hối tiếc và cố gắng sửa đổi, nhưng người bị tổn thương vẫn không sẵn lòng hoặc không chấp nhận lời xin lỗi vào thời điểm đó - hoặc bất kỳ thời điểm nào khác.
Trong các trường hợp bị bạo hành, lạm dụng và bỏ rơi từ khi còn nhỏ, những nạn nhân thường cho biết họ đã trưởng thành và xa lánh gia đình hoặc không tìm được lý do nào để tái thiết lập liên lạc với những người thân trong quá khứ, dù có lời xin lỗi.
Mặc dù lời xin lỗi có thể được cảm nhận và có tác dụng tốt, nhưng nó không thể yêu cầu hoặc dựa vào sự chấp nhận từ người bị tổn thương. Điều này sẽ làm mất đi giá trị của lời xin lỗi. Khi người bị tổn thương không chấp nhận lời xin lỗi, sự kiên nhẫn, sự hối tiếc và sự chấp nhận của bạn sẽ giúp họ hiểu được nỗi đau và sự tôn trọng của bạn đối với cảm xúc của họ.
Ví dụ: 'Tôi thành thật xin lỗi. Tôi hiểu bạn có thể không thể tin tưởng tôi một lần nữa. Tôi ước mọi thứ khác đi – Bạn có quyền cảm nhận của riêng mình.'
Trong cuộc sống, chúng ta thực hiện những hành động nhỏ, những việc lớn, có suy tính và đôi khi làm tổn thương, gây hại đến người khác. Xin lỗi là biểu hiện của sự hối tiếc và xấu hổ, là sự chấp nhận hậu quả, làm mới lại phẩm giá và chữa lành những người mà chúng ta đã làm tổn thương. Xin lỗi là sự khiêm nhường, là việc chuộc lỗi, là việc kết nối lại với người khác, và là việc chấp nhận một phiên bản tốt hơn của bản thân.
Tác giả: Suzanne B. Phillips
Nguồn: https://www.psychologytoday.com
Dịch giả: Đông Đông
Biên tập: Jinie Đinh
Minh họa: trên behance.net