Nhiều người thường tự hỏi về mục đích của họ, điều này là bình thường. Tuy nhiên, đôi khi bạn có thể hoài nghi đến mức tự đặt ra câu hỏi, 'Tại sao mình tồn tại'. Khi những cảm xúc đó đi kèm với tuyệt vọng, cảm giác bất lực, buồn bã và thờ ơ, có thể là dấu hiệu của một tình trạng tâm thần như trầm cảm.
Với một số người, mục tiêu cuộc sống là làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Những người khác tin rằng mục đích của cuộc sống là tìm kiếm và hoàn thiện bản thân. Và một số khác thì nghĩ rằng mục đích của cuộc sống đơn giản chỉ là tận hưởng nó càng nhiều càng tốt.
Tìm kiếm mục đích sống có thể khó khăn, đặc biệt là khi ta đối mặt với tâm trạng thấp thỏm và cảm giác chán nản. Nếu bạn thấy mình đang vật lộn để hiểu về cuộc sống và mục đích của nó, hãy tìm hiểu thêm về nguyên nhân của cảm giác này và những gì bạn có thể làm để thêm ý nghĩa vào cuộc sống.
Dấu hiệu cho thấy bạn cảm thấy cuộc sống không ý nghĩa
Có một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra mục tiêu của cuộc sống. Đôi khi bạn sẽ tự hỏi 'mục tiêu là gì', nhưng trong một số trường hợp khác, những cảm xúc này có thể mơ hồ hơn:
· Bạn cảm thấy không có công việc nào mà bạn làm quan trọng
· Bạn có thể đã không quan tâm đến kết quả của các sự kiện nữa
· Những điều mà trước đây mang lại niềm vui cho bạn có thể trở nên giả dối hoặc trống rỗng
· Bạn cảm thấy tuyệt vọng
· Bạn nhận thấy rằng mọi nỗ lực của bạn không giúp bạn đạt được mục tiêu và ước vọng
Tại sao bạn có thể cảm thấy như vậy
Mọi người đều trải qua những thời điểm trong cuộc đời khi họ cảm thấy không chắc chắn về mục tiêu của mình. Họ có thể cảm thấy mất mát. Họ không chắc chắn mình là ai. Hoặc họ có thể tự hỏi liệu có tồn tại những ý nghĩa lớn lao hơn trong cuộc sống mà họ dường như không thể thấy được.
Có nhiều lý do khác nhau khiến ai đó cảm thấy rằng họ không biết đâu là mục tiêu của cuộc sống.
· Bạn có thể đang trải qua một thời kỳ căng thẳng hoặc khó khăn khiến bạn phải đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó.
· Bạn có thể cảm thấy không hài lòng với công việc, trường học, các mối quan hệ hoặc sở thích của mình và tự hỏi liệu bạn đã bỏ lỡ điều gì không.
· Thành tựu của bạn có vẻ không quan trọng hoặc không có nhiều ảnh hưởng thực sự.
· Bạn có thể cảm thấy không chắc chắn về những gì bạn nên làm với cuộc sống của mình hoặc những bước tiếp theo bạn cần thực hiện.
· Có thể bạn gặp khó khăn trong việc đặt mục tiêu vì bạn không chắc chắn điều bạn thực sự mong muốn.
· Có thể bạn đối mặt với các rối loạn tâm trạng như rối loạn trầm cảm nặng, rối loạn sắc tố máu hoặc rối loạn lưỡng cực.
Dù lý do là gì, điều quan trọng cần nhớ là bạn không hề đơn độc khi cảm thấy như vậy. Bước quan trọng đầu tiên là tìm ra những thứ có ý nghĩa đối với bạn.
Tâm trạng buồn và cảm giác vô nghĩa
Những người bị trầm cảm thường cảm thấy vô giá trị. Đối với nhiều người, mọi thứ dường như không có ý nghĩa. Theo một số nghiên cứu, việc mất đi khả năng nhìn nhận mục tiêu và ý nghĩa sống có thể góp phần gây ra trầm cảm.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Tâm lý học Định tính vào năm 2019, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều người sống chung với trầm cảm cảm thấy các triệu chứng trầm cảm của họ có liên quan đến những thay đổi ảnh hưởng đến những giá trị trong cuộc sống của họ.
Khi mất phương hướng, con người bắt đầu gặp phải các dấu hiệu khác như suy giảm năng lượng và hoạt động thể chất. Dù trải nghiệm của họ về cảm xúc và thể chất bị ảnh hưởng tiêu cực, họ vẫn tập trung vào các mối đe dọa đối với mục tiêu, giá trị và mục đích của mình.
Có vẻ như việc trải qua các sự kiện ảnh hưởng đến cảm giác ý nghĩa của bạn có thể gây ra bệnh trầm cảm. Liệu điều này có đóng vai trò trong việc gây ra bệnh trầm cảm hay không là một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu vẫn cần khám phá sâu hơn.
Nhiều yếu tố khác được biết đến là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm bao gồm di truyền, trải nghiệm, các chất hóa học trong não và các yếu tố liên quan đến lối sống. Trong nhiều trường hợp, các trải nghiệm tiêu cực có thể gây ra bệnh trầm cảm ở những người có khuynh hướng mắc bệnh này.
Nếu cảm giác vô nghĩa đi kèm với các triệu chứng khác, đó có thể là dấu hiệu của việc bạn đang trải qua trầm cảm. Các dấu hiệu khác cần chú ý bao gồm:
· Tâm trạng buồn hoặc trống rỗng kéo dài
· Dễ cáu gắt
· Cảm thấy cảm thấy tội lỗi, hy vọng và bất lực
· Mất hứng thú với những điều bạn trước đây yêu thích
· Cảm thấy mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng
· Hoạt động thể chất chậm lại
· Gặp khó khăn trong việc tập trung
· Gặp các vấn đề với giấc ngủ
· Thay đổi trong khẩu vị hoặc cân nặng
· Biểu hiện về mặt thể chất mà không có nguyên nhân rõ ràng
· Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử
Cái gì mang lại ý nghĩa cho cuộc sống?
Có nhiều yếu tố khác nhau có thể mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, và điều này khác nhau đối với từng người. Với một số người, mối quan hệ với gia đình và bạn bè là điều quan trọng nhất đối với họ về ý nghĩa và mục đích.
Những người khác có thể tìm thấy ý nghĩa trong công việc, sở thích hoặc niềm đam mê sáng tạo. Và đối với một số người khác nữa, tâm linh hoặc niềm tin vào tôn giáo giúp họ tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống.
Quan trọng nhất là những gì bạn tin là quan trọng nhất với bản thân bạn. Mỗi người có giá trị và niềm tin riêng, những điều mang ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Không có câu trả lời đúng hay sai. Chúng có thể không phù hợp với bạn — điều đó là hoàn toàn bình thường.
Nếu bạn cảm thấy mất mát hoặc không chắc chắn về mục tiêu của cuộc sống, hãy suy nghĩ về những điều quan trọng nhất với bạn. Giá trị và niềm tin của bạn là gì? Bạn thích làm gì? Điều gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc và thỏa mãn?
Dành thời gian suy nghĩ về những điều quan trọng nhất đối với bạn có thể giúp bạn tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống. Và nó cũng có thể giúp bạn xác định những gì bạn muốn làm với thời gian và năng lượng của mình.
Giải pháp
Tìm ra ý nghĩa trong cuộc sống có thể không dễ dàng khi bạn đang phải đối mặt với trầm cảm. Quan trọng là phải đối xử tử tế và yêu thương bản thân, ngay cả khi bạn không có động lực hoặc cảm thấy thờ ơ.
Dù bạn đang cố gắng tìm lại sự hứng thú với bất cứ điều gì, bạn vẫn có thể thực hiện các bước nhỏ để cải thiện tâm trạng và tìm ra mục đích của mình. Điều này có thể mất thời gian, sự hỗ trợ và thậm chí là các biện pháp can thiệp chuyên sâu như trị liệu và sử dụng thuốc, nhưng bạn có thể tìm lại ý nghĩa theo thời gian.
Có nhiều cách sáng tạo để khám phá ý nghĩa cuộc sống. Những chiến lược này có thể giúp bạn khám phá ra cách làm cho cuộc sống của bạn trở nên ý nghĩa hơn.
Hỗ trợ người khác
Dành thời gian tự nguyện để hỗ trợ người khác có thể là một mục tiêu đáng theo đuổi. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có lòng vị tha, liên quan đến việc hỗ trợ người khác, thường cảm thấy kết nối hơn với cộng đồng và thường hướng tới một cuộc sống ý nghĩa hơn.
Có nhiều cách thể hiện tinh thần xã hội mà bạn có thể thực hiện như tự nguyện cho một mục đích mà bạn đam mê, quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện hoặc đề xuất giúp đỡ một người bạn gặp khó khăn. Đóng góp vào một mục tiêu lớn hơn chính mình có thể giúp bạn cảm thấy công việc của mình có ý nghĩa và bạn đang tạo ra sự khác biệt trong xã hội.
Chăm sóc mối quan hệ
Dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Những mối quan hệ lành mạnh và hỗ trợ giữa các cá nhân rất quan trọng đối với cả sức khỏe vật lý và tinh thần. Nghiên cứu đã chứng minh rằng những mối quan hệ này giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giúp chúng ta chống lại căng thẳng và giảm nguy cơ trầm cảm cũng như tự tử.
Nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình, đối tác và những người khác có thể giúp bạn cảm thấy đầy động lực và truyền cảm hứng để chăm sóc bản thân cũng như quan tâm đến thế giới xung quanh. Và đầu tư năng lượng của bạn vào những mối quan hệ này có thể hữu ích khi bạn đang tìm kiếm ý nghĩa hoặc mục đích sống.
Theo đuổi sở thích cá nhân
Theo đuổi những sở thích hoặc hoạt động mà bạn yêu thích có thể là một cách hiệu quả để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của bạn. Tập trung vào việc làm cái gì đó có ý nghĩa với bạn, cho dù đó là việc theo đuổi sự nghiệp mà bạn yêu thích, phát triển kỹ năng sáng tạo hoặc đơn giản là tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt của cuộc sống.
Sáng tạo có thể là một công cụ thể hiện bản thân và cũng có thể giúp bạn phát triển những sở thích mới. Hãy thử cân nhắc một sở thích hoặc hoạt động mới mà bạn chưa từng thử trước đây, như học làm bánh, vẽ tranh, khiêu vũ hoặc điêu khắc.
Xây dựng nhận thức của bạn
Nhận thức rõ hơn về suy nghĩ, sở thích và mối quan hệ của bản thân với thế giới xung quanh cũng có thể hữu ích khi bạn đang đặt câu hỏi về quan điểm sống.
Thực hành thiền định hoặc chánh niệm là cách để hiểu rõ hơn về suy nghĩ và cảm nhận của bạn trong thời điểm hiện tại. Hãy dành thời gian để suy ngẫm và tập trung sống ở hiện tại thay vì lo lắng về quá khứ hoặc tương lai.
Thực hành lòng biết ơn
Thực hành lòng biết ơn hoặc cảm nhận và thể hiện lòng biết ơn đối với những điều quý giá trong cuộc sống đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích. Nó có thể tăng cường mối quan hệ, thúc đẩy hạnh phúc, nâng cao khả năng phục hồi và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Nó cũng giúp bạn tìm thấy ý nghĩa sâu sắc hơn trong cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy lòng biết ơn có thể tạo ra cảm xúc tích cực và khuyến khích trải nghiệm niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống.
Nỗ lực thực hành lòng biết ơn thường xuyên, dù chỉ mất vài phút mỗi ngày để tập trung vào suy nghĩ biết ơn hoặc ghi nhật ký về lòng biết ơn, có thể giúp bạn nhận ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Theo thời gian, điều này có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận cuộc sống. Thay vì cảm thấy vô nghĩa, bạn sẽ thấy ý nghĩa trong từng niềm vui đơn giản của cuộc sống.
Các phương pháp khác để tìm ý nghĩa cuộc sống
· Kết nối với tự nhiên
· Khám phá những trải nghiệm mới
· Giải quyết những điểm yếu của bản thân
· Là chính mình
· Chấp nhận sự thay đổi trong cuộc sống
· Tận hưởng những điều đơn giản trong cuộc sống
· Dành thời gian cho bản thân
· Tìm niềm vui trong cuộc sống và sẵn lòng đùa giỡn với bản thân
Nhớ rằng, bạn có thể cần dành nhiều thời gian và nỗ lực trước khi tìm ra điều phù hợp với bạn.
Cách để nhận được sự hỗ trợ
Đừng ngần ngại nhờ giúp đỡ. Nếu bạn cảm thấy mất phương hướng trong cuộc sống, có nhiều nguồn lực và cá nhân có thể hỗ trợ bạn. Hãy tìm đến bạn bè, gia đình, cố vấn hoặc chuyên gia tâm lý, hoặc những người có tư duy tôn giáo. Họ sẽ giúp bạn tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.
Hãy nhớ rằng, mỗi người đều trải qua những thời kỳ không rõ ràng về ý nghĩa của cuộc sống. Nhưng không có câu trả lời nào là đúng hoặc sai. Quan trọng nhất là bạn lựa chọn cách sống và tin rằng điều gì mang ý nghĩa nhất với bạn.
Sabrina Romanoff
Dịch bởi: Thùy Dương
Biên tập: Huyền Nguyễn
Nguồn ảnh: unsplash
Link nguồn: https://www.verywellmind.com/whats-the-point-of-life-why-you-might-feel-this-way-5272182