Khi giải thích nguyên nhân các cặp đôi chia tay, nhiều người thường nhấn mạnh vào sự khác biệt: người này kỷ luật, người kia sáng tạo hỗn độn; người này thích leo núi, người kia ghét hoạt động ngoài trời; một người thích giao du, người còn lại không thích tiệc tùng,... Dường như không có gì phải nghi ngờ, họ phải chia tay.
Giải thích này bị chi phối bởi một lý thuyết tình yêu: tại sao các cặp đôi đến với nhau vì sự tương đồng nhưng lại xa nhau vì sự khác biệt. Xem cách các trang web hẹn hò hiện đại hoạt động. Để giúp ta tìm được “đúng người”, họ quét cơ sở dữ liệu để kết nối người có nhiều điểm tương đồng nhất với chúng ta về thái độ, sở thích và quan tâm. Theo lý thuyết này, sự khác biệt càng ít, mối quan hệ càng dễ tiến triển.
Điều này nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại bỏ qua một sự thật cơ bản về tình yêu mà ta thường lãng quên: không có cặp đôi nào chia tay chỉ vì sự khác biệt. Họ chia tay vì một người cảm thấy quá mệt mỏi vì không được lắng nghe. Một cặp đôi có thể bất đồng hàng ngàn chuyện - từ tần suất quan hệ tình dục đến cách quản lý đời sống xã hội - nhưng vẫn ở bên nhau; trong khi cặp đôi khác dù tương đồng hầu hết mọi khía cạnh, lại cách xa vì cảm giác tồi tệ khi những nỗ lực không được công nhận.
Suy cho cùng, sự thành công của tình yêu không phụ thuộc vào việc có sự khác biệt hay không, mà vào cách chúng ta xử lý những khác biệt đó, dù là bằng sự phòng thủ, cứng nhắc hay bằng sự khiêm tốn, sẵn sàng thay đổi và tha thứ cho nhau.
Chúng ta cần hiểu rằng, sự tương hợp không phải là nền tảng của tình yêu bền lâu. Ban đầu, hai người cùng thích đọc sách, chơi giải ô chữ, nấu ăn kiểu Ý có thể yêu nhau say đắm, nhưng dần dần sẽ xa cách khi một người đam mê khiêu vũ còn người kia hứng thú với khảo cổ học. Hoặc một người thích nước sốt ragu, người kia lại thích món thịt hầm và bánh nướng. Chúng ta thường giải quyết những xung đột này bằng cách loại bỏ hết sự khác biệt của đối phương và làm chặt chẽ hơn các tiêu chí tìm kiếm của mình. Nhưng điều này chỉ khiến ta tìm kiếm những kết nối không hợp lý. Kết quả là, ta sẽ tìm một người thích cá ruồi và tiểu thuyết John le Carrè nhưng không thích bơ mặn và rất giỏi đóng cửa tủ, hoặc một người thích đi cắm trại nhưng cũng rất quan tâm đến chính trị. Dĩ nhiên, hai người như vậy có lẽ sẽ dễ dàng bỏ qua những tranh cãi về màu sắc rèm cửa phòng ngủ, tên con, hay việc sử dụng khăn giấy.
Khả năng tương thích ban đầu chỉ đưa ta đến hiện tại. Sẽ có lúc, ngay cả đối phương phù hợp nhất cũng sẽ không hợp với ta như ta tưởng. Quan trọng là làm sao để giải quyết sự “không hợp” đó. Cách giải quyết có thể đem lại sự lãng mạn sâu sắc, hoặc là nỗi thất vọng triền miên không thể vượt qua.
Đây là điều ta cần nghe khi đối mặt với mâu thuẫn: Anh luôn lắng nghe em, hiểu những gì em nói, nghiêm túc suy nghĩ về điều đó, có lẽ anh cần thay đổi,... Nói cách khác, ta mong muốn sự khác biệt của mình được nhận ra và ở mức độ nào đó, được tôn trọng.
Đối phương có thể không hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ta, nhưng họ hiểu nguồn gốc của nó và nghiêm túc xem xét. Họ biết điều đó quan trọng và tôn trọng sự tồn tại của ta. Họ không vội vàng phán xét mọi vấn đề. Trước những lời phàn nàn nhẹ nhàng của ta, họ không chối bỏ hay tức giận. Họ không quay lại nói rằng mọi vấn đề đều do ta, rằng ta ác ý, kỳ quặc. Họ không phản ứng quá mức khi ta phàn nàn. Họ cố gắng không xúc phạm, khắc nghiệt hay làm tổn thương. Họ sống với ý nghĩ cần phải thay đổi và phát triển. Họ không mong đợi tình yêu tuyệt đối vì con người hiện tại của họ; và họ trân trọng việc đối phương hiểu đúng về tâm lý của họ.
Ngược lại, những điều hủy hoại tình yêu lâu dài - ngay cả với các cặp đôi tưởng chừng như phù hợp nhất - lại là thái độ hiếu thắng, không chịu lắng nghe, khước từ khi đối phương muốn nói ra điều quan trọng - những điều họ xứng đáng được lắng nghe một cách chân thành và bao dung.
Điều giết chết một cuộc tình không đơn thuần là sự thất vọng mà là việc có được lắng nghe hay không. Có thể tưởng tượng một cặp đôi có đời sống tình dục không bình thường, nhưng cả hai đều cố gắng khắc phục, thì điều đó sẽ không bao giờ là nguyên nhân chia tay. Họ có thể chỉ ân ái một lần trong năm năm nhưng vẫn quyết tâm tìm hiểu lý do, giải thích cảm xúc của bản thân và chấp nhận rằng sự không phù hợp không thể lung lay nền tảng gắn kết giữa họ.
Cuối cùng, lời giải thích hợp lý nhất cho mọi cuộc chia tay là không thể lắng nghe chân thành những gì đối phương nói. Không có vấn đề tình dục nào quá nghiêm trọng đến nỗi không thể ở bên nhau. Không có sự khác biệt về thái độ xã hội hay sở thích nào quá lớn để làm hỏng một cuộc tình. Chỉ là ta đã quá nản lòng với mong muốn giản đơn là được lắng nghe.
Người chúng ta thực sự cần không phải là người có chung mọi sở thích, mà là người biết kiên nhẫn học cách tôn trọng sự khác biệt.