Bạn không phải là một người duy nhất đang cần tìm kiếm sự hỗ trợ từ một chuyên gia tâm lý. Hơn 40 triệu người đã tìm đến nhà trị liệu vào năm 2021. Đó có thể là bạn hoặc ai đó mà bạn biết đang có những dấu hiệu không ổn, cảm thấy mất hứng, ngủ quá nhiều hoặc quá ít và cần sự hỗ trợ từ các nhà trị liệu.
Nhận biết nhu cầu của bản thân và quyết định hành động là những bước quan trọng mà bạn có thể thực hiện cho bản thân. Tuy nhiên, nếu có ai đó quan trọng với bạn cần sự hỗ trợ từ nhà trị liệu (ví dụ như vợ/chồng của bạn), việc động viên họ có thể khó khăn hơn. Khi bạn nhận ra họ cần sự trợ giúp, cách bạn nói và hành động sẽ tạo ra sự khác biệt.
Việc bạn khuyến khích người thân yêu đến gặp nhà trị liệu có thể mang lại một số rủi ro. Bên cạnh sự tử tế trong cách trò chuyện với họ, bạn cũng cần giúp họ nhận ra tầm quan trọng của việc hành động. Chúng ta sẽ thảo luận về cách thuyết phục họ đến gặp nhà trị liệu, những điều nên và không nên nói, cũng như cách xử lý nếu họ từ chối.
Họ sẽ nhận được gì khi đồng ý thăm chuyên gia tâm lý?
Mỗi người đều trải qua những trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống, vì vậy việc phân biệt giữa những khó khăn thông thường và các vấn đề cần sự hỗ trợ tâm lý là rất quan trọng.
Nguồn ảnh: unsplash.com
Xiomara Arrieta, một nhân viên xã hội lâm sàng tại Thriveworks, đã giải thích rằng: “Khi đi gặp một chuyên gia tâm lý trị liệu, người bạn đời của bạn có thể nhận được sự hỗ trợ trong việc giải quyết các vấn đề như vấn đề về giấc ngủ, cảm xúc căng thẳng, trách nhiệm chung như tài chính cho con cái…, và phải đối mặt với sự thay đổi trong cảm xúc hoặc áp lực lớn hơn trước đó.”
Các vấn đề có thể bao gồm:
Đấu tranh với trầm cảm kéo dài hoặc cảm xúc thất vọng
Lo lắng không dứt
Thường nói về tự tử hoặc cách để tự tử
Cảm xúc không ổn định xảy ra thường xuyên hoặc nghiêm trọng
Bị kích động bởi những tổn thương đã trải qua
Tránh xa hoặc tránh gặp gỡ cộng đồng, dẫn đến khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ
Ăn quá nhiều hoặc quá ít so với bình thường
Cảm thấy tê liệt hoặc mất hứng thú với mọi thứ
Tăng cường sử dụng chất gây nghiện như một cách để đối phó, tránh hoặc chìm đắm trong cảm giác khó chịu
Gặp khó khăn trong công việc, trách nhiệm gia đình hoặc học tập
Trị liệu cũng có thể hữu ích nếu bạn đang cần hỗ trợ đối phó với các vấn đề cụ thể trong công việc hoặc gia đình, nơi một bên thứ ba trung lập có thể cung cấp thông tin chi tiết và phản hồi.
Tuy nhiên, việc bạn và họ không đồng quan điểm không nhất thiết phải nhờ đến nhà trị liệu; vì tranh cãi giữa các cặp đôi là chuyện bình thường. Nhưng nếu bạn thấy các cuộc tranh cãi dần có sự can thiệp của bạo lực, hoặc ngày càng gia tăng, thì phương pháp trị liệu cho các cặp đôi có thể hữu ích.
Thạc sĩ xã hội Morgan Pommells, một nhà trị liệu chấn thương tâm lý nói rằng: “Liệu pháp cặp đôi nhấn mạnh việc giữ cho một mối quan hệ được lành mạnh nằm ở tinh thần trách nhiệm chung, thay vì đó là “lỗi” hay vấn đề từ một phía. Đề xuất liệu pháp này sẽ giúp người thân yêu của bạn giảm bớt cảm giác đổ lỗi hay xấu hổ mà họ đang mắc phải, trường hợp họ là bên duy nhất muốn tiếp nhận trị liệu.”
Gợi ý người thân yêu của bạn đến gặp nhà trị liệu tâm lý
Việc chú ý liệu người mà bạn yêu quý cần đến sự hỗ trợ hay không là một chuyện; còn việc nói với họ thế nào lại là chuyện khác. Khi bạn thảo luận về vấn đề phức tạp như thế này với họ thì không chỉ những gì bạn nói mới quan trọng, mà cả cách bạn nói cũng quan trọng không kém.
Trước khi thảo luận, bạn nên tự hỏi tại sao bạn lại quyết định đề nghị họ đến gặp nhà trị liệu. Liệu có phải do lo lắng? Bạn muốn họ nhận được sự giúp đỡ mà họ đang cần chứ? Hay vì lý do cá nhân, rằng bạn muốn ngăn chặn hành vi phiền nhiễu nào đó từ họ? Động cơ của bạn sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nói với họ.
Theo Theo Pommels, cách tốt nhất để nói chuyện với người bạn đời của bạn về việc trị liệu là bắt đầu từ tình yêu thương và quan tâm, thay vì chỉ trích và gây xấu hổ. Để làm điều này, bạn nên xem xét những điểm sau:
Thời gian: Nên nói chuyện khi cả bạn và đối tác đều bình tĩnh. Việc trình bày ý kiến trong lúc mâu thuẫn hoặc khi họ căng thẳng sẽ không mang lại kết quả tích cực.
Quan tâm đến những gì bạn muốn nói: Chia sẻ quan sát của bạn và lý do bạn nghĩ trị liệu có thể giúp họ. Hãy giải thích rằng bạn quan tâm và muốn giúp họ về mặt tinh thần và sức khỏe, và trị liệu có thể là giải pháp. Sử dụng mệnh đề với chủ từ “Tôi” như “Tôi lo lắng” hoặc “Tôi để ý rằng”.
Đề xuất trị liệu mà không ép buộc: Theo Pommels, nếu bạn đề xuất họ tham gia trị liệu, hãy tránh ép buộc hoặc mệnh lệnh. Điều này có thể khiến họ không đồng ý và cảm thấy bị xúc phạm. Thay vào đó, hãy nói chuyện với họ một cách cởi mở về lo lắng của mình.
Sử dụng ngôn từ yêu thương và đồng cảm: Pommel gợi ý nên nói bạn yêu thương họ và muốn mối quan hệ của cả hai phát triển tốt đẹp hơn. Bạn nghĩ việc cả hai cùng giải quyết vấn đề sẽ giúp ích cho cả hai mặt, cá nhân và mối quan hệ nói chung. Sau đó, hãy hỏi họ nghĩ gì về điều này.
Một cách tiếp cận khác là hỏi họ xem họ coi trị liệu như một công cụ hữu ích hay không. Để làm điều này, Pommels gợi ý bạn nên đánh giá ý kiến của họ bằng cách nói: “Bạn đã từng nghĩ đến việc tham khảo một nhà trị liệu chưa? Họ có những phương pháp và kỹ thuật có thể giúp họ quản lý căng thẳng.”
Những lời này có thể giúp tạo ra một không khí đầy sự hiểu biết và quan tâm, giúp đối tác cảm thấy được quan tâm thay vì bị đổ lỗi. Ngoài ra, việc sử dụng ngôn từ phù hợp có thể loại bỏ định kiến về trị liệu tâm lý.
Nếu họ từ chối trị liệu thì sao?
Dù bạn đã cố gắng tiếp cận một cách chu đáo và đồng cảm nhất để khuyến khích họ chấp nhận trị liệu tâm lý, họ vẫn có thể từ chối. Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm sự kì thị về sức khỏe tâm thần, họ tin rằng chỉ cần trò chuyện với bạn hoặc người thân thì đủ, hoặc chỉ là họ không muốn hoặc không sẵn lòng.
Tuy nhiên, khi phải đối diện với việc phải đảm nhận trách nhiệm hỗ trợ tinh thần và cảm xúc cho người kia, có thể bạn sẽ cảm thấy áp lực vô cùng nặng nề.
Nếu lời đề xuất của bạn bị từ chối, hãy tìm kiếm thêm sự hỗ trợ hoặc dành thời gian để tự chăm sóc mình sau cuộc trò chuyện phức tạp đó. Bạn cần suy nghĩ kỹ lưỡng để chọn lựa điều gì là tốt nhất cho riêng mình.
Arrieta gợi ý rằng: “Sau tất cả những nỗ lực của bạn mà người kia vẫn từ chối việc trị liệu, hãy nhớ rằng bạn không thể kiểm soát được hành động của họ. Hãy suy nghĩ xem tình trạng tâm lý của họ đang ảnh hưởng đến bạn như thế nào. Hãy xem xét việc thiết lập ranh giới với họ và tập trung vào việc chăm sóc bản thân.”
Có những phương pháp trị liệu thay thế: dù người thân yêu của bạn có thể không quan tâm đến cách tiếp cận trị liệu truyền thống, nhưng vẫn tồn tại những phương pháp khác mà họ có thể thấy hứng thú. Vì vậy, không có gì lãng phí khi bạn thảo luận với họ về những lựa chọn đó.
Hãy chân thành với người bạn đời của bạn. Hãy để họ hiểu rõ điều gì là chấp nhận được và điều gì không trong mối quan hệ của cả hai. Mặc dù họ không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải chấp nhận những hành vi không thoải mái từ họ. Dù bạn muốn thể hiện lòng quan tâm và sự kiên nhẫn với họ, nhưng việc đánh giá lại mối quan hệ là bước tiếp theo mà bạn nên thực hiện.