Niềm tin là yếu tố then chốt trong hầu hết các mối quan hệ, bao gồm cả với chính bản thân mình. Khi bạn không tin tưởng vào chính mình, bạn sẽ gặp khó khăn khi ra quyết định, mất đi sự tự nhiên, không thể đáp ứng các nhu cầu cá nhân và thậm chí bỏ lỡ những cơ hội quan trọng.
Bài viết này sẽ liệt kê các dấu hiệu cho thấy bạn không tin tưởng vào bản thân, lý do tại sao, tác động của sự thiếu tự tin và các bước để bạn có thể xây dựng lại niềm tin vào chính mình.
Dấu hiệu của việc không tin tưởng bản thân
Theo Sabrina Romanoff, giáo sư tiến sĩ tâm lý học lâm sàng tại Đại học Yeshiva, biểu hiện của việc bạn không tin tưởng bản thân bao gồm:
- Bạn luôn tìm kiếm sự trấn an và lời khuyên từ người khác thay vì tự đánh giá cảm xúc của chính mình trong tình huống đó.
- Bạn dựa vào ý kiến của người khác khi phải đưa ra quyết định quan trọng
- Bạn trì hoãn việc quyết định vì cho rằng im lặng và bối rối dễ dàng hơn là đưa ra quyết định sai lầm
- Thay vì tìm hiểu về nhu cầu và đam mê của bản thân, bạn lại cố gắng tránh né
- Bạn luôn đánh giá cao suy nghĩ của người khác nhưng lại hạ thấp suy nghĩ và tiềm năng của chính mình
- Bạn thường cảm thấy tội lỗi sau khi đưa ra quyết định và luôn lo sợ rằng mình đã chọn sai
- Bạn nhớ về những gì mình có thể đạt được nếu lựa chọn một hướng đi khác
- So sánh lựa chọn của mình với lựa chọn của người khác
- Bạn không tin vào quyết định của mình cho đến khi nhận được sự công nhận từ người khác
- Dễ dàng tin vào những ý kiến tiêu cực về bản thân
- Đánh giá thấp tiềm năng của những quyết định mình đưa ra
- Không nhận ra hay tin vào giá trị cốt lõi của bản thân
Những lý do khiến bạn không thể tin tưởng vào bản thân
Có rất nhiều lý do khiến bạn cảm thấy không thể tin tưởng vào chính mình. Bác sĩ Romanoff sẽ giải thích chi tiết về những lý do này dưới đây.
1) Nỗi sợ đưa ra quyết định sai:
Những người không hòa hợp giữa cảm xúc và nhu cầu thường tự đánh giá bản thân dựa trên suy nghĩ của người khác. Họ che giấu sự thiếu tự tin bằng nỗi sợ đưa ra quyết định sai lầm, dẫn đến mất niềm tin vào khả năng làm điều tốt nhất cho mình.
Họ có xu hướng phân chia quyết định thành đúng hoặc sai một cách sai lầm. Họ đơn giản hóa quyết định qua lăng kính trắng đen để tạo ra ảo tưởng kiểm soát, thay vì tự nhận thức khả năng phát triển và linh hoạt trong các tình huống khó khăn.
Nhìn chung, những người không tin vào chính mình và gặp khó khăn khi đưa ra quyết định, thường đấu tranh giữa hai lựa chọn đều tích cực. Sự đấu tranh này ít liên quan đến quyết định tốt cho họ mà chủ yếu do thiếu tự tin vào năng lực bản thân.
Họ thường hành động từ một vị trí thiếu hụt, tin rằng mình phải có cơ hội đó và cố gắng thiết lập tình huống tốt nhất để khắc phục những khiếm khuyết đã nhận thức được.
2) Các sự kiện trong quá khứ và thói quen hiện tại:
Những người từng đưa ra quyết định sai lầm hoặc trải qua bạo hành tinh thần trong quá khứ thường khó tin vào giá trị bản thân. Họ có thể tự suy diễn hoặc tìm kiếm sự công nhận từ người khác để giúp họ đưa ra quyết định.
Dù điều đó có vẻ giúp họ cảm thấy an toàn và kiểm soát, nhưng thực tế nó đang dần làm họ xa rời những nhu cầu và bản năng của chính mình, khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Hậu quả của việc mất niềm tin vào bản thân:
Việc không tin vào chính mình có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo bác sĩ Romanoff, có một số tác động tiêu cực mà bạn có thể gặp phải.
Sức khỏe tinh thần: Những người thiếu tự tin thường trải qua lo lắng, trầm cảm và cảm giác tội lỗi mạnh mẽ.
Khó ngủ: Những người khó tin vào chính mình thường bị mất ngủ, vì họ hay suy nghĩ quá nhiều về các quyết định vào ban đêm, không thể tìm thấy sự an ủi hoặc bị phân tâm bởi những điều khác.
Sức khỏe thể chất: Căng thẳng và lo lắng do sự mơ hồ không chắc chắn có thể gây hại cho sức khỏe thể chất, dẫn đến các vấn đề như suy giảm trí nhớ, bệnh tim và tiểu đường.
Xây dựng lại niềm tin vào bản thân
“Tái thiết niềm tin vào bản thân là điều vô cùng quan trọng vì bạn phải sống với kết quả từ các quyết định của mình. Dù việc tìm kiếm lời khuyên từ người khác có thể hữu ích, nhưng họ không phải là người sống với những hậu quả đó, do đó họ không thể quyết định thay bạn.”
Nếu bạn nhận thấy mình gặp khó khăn trong việc tin tưởng vào bản thân và mong muốn cải thiện sự tự tin, đây là một số bước bạn có thể làm để tái thiết niềm tin vào chính mình.
1) Hiểu rõ nhu cầu và bản năng của mình
Xây dựng lại niềm tin vào chính mình thường bao gồm việc nâng cao tự trọng và tin vào khả năng của bạn để biết điều gì là tốt nhất cho mình. Hãy bắt đầu bằng việc hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của bạn.
Khi đối mặt với một quyết định lớn hoặc vấn đề phát sinh, hãy kiềm chế không lập tức hỏi ý kiến người khác. Thay vào đó, hãy ngồi lại, phân tích cảm xúc của bạn, xem xét cảm nhận và đánh giá lợi hại từ các quan điểm khác nhau.
Bạn có thể thấy hữu ích khi lập danh sách các ưu và nhược điểm cho mỗi quyết định, bởi vì việc ghi lại suy nghĩ trên giấy có thể mang lại nhiều góc nhìn và quan điểm rõ ràng hơn.
Sử dụng phương pháp hình dung tích cực.
Hình dung tích cực là một công cụ hữu hiệu. Nhiều người thiếu tự tin thường hay nghĩ đến những kịch bản tồi tệ nhất, điều này làm họ phải xem xét lại khả năng của mình và lý tưởng hóa quan điểm của người khác.
Thay vào đó, hãy tưởng tượng việc đưa ra quyết định và hình dung kết quả tốt nhất. Ví dụ, nếu bạn đang chọn giữa hai trường kinh doanh, hãy tưởng tượng việc đến từng thành phố mới, gặp gỡ bạn bè mới, thử nhà hàng mới, dạo quanh khuôn viên trường và học những môn thú vị.
Hãy tránh xu hướng suy nghĩ quá nhiều về việc mất cơ hội, nghĩ rằng bạn sẽ không thích môi trường, không có việc làm sau khi tốt nghiệp và bắt đầu hối tiếc về lựa chọn của mình.
Đôi lời từ Verywell.
Việc không tin tưởng vào bản thân có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bạn. Không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe tinh thần, nó còn làm bạn bỏ lỡ những trải nghiệm cuộc sống quý giá. Ví dụ, bạn có thể thiếu tự tin để đưa ra những quyết định quan trọng trong công việc mà bạn mong muốn. Hoặc bạn có thể không tin vào bản năng của mình đối với người khác và đánh mất những mối quan hệ thực sự ý nghĩa.
Tác giả: Sanjana Gupta