Vai trò quan trọng của vắc xin và vì sao cần tiêm chủng mở rộng
Cơ chế hoạt động của vắc xin khi đưa vào cơ thể là nhằm kích thích sản sinh kháng thể, tăng cường miễn dịch chống lại virus xâm nhập - vốn là mầm mống của bệnh truyền nhiễm. Theo thống kê, trên thế giới hiện nay đã phát minh ra vắc xin chống 30 loại bệnh truyền nhiễm, trong đó con số quốc gia và vùng lãnh thổ phổ cập vắc xin cho người dân qua hình thức tiêm chủng mở rộng là hơn 190.
Lợi ích của tiêm chủng mở rộng đối với an sinh xã hội
Biện pháp giúp nhân loại phòng tránh hiệu quả các căn bệnh truyền nhiễm và giảm tỷ lệ tử vong:
Nhờ tiêm vắc xin, cơ thể sinh ra miễn dịch và không mắc bệnh, giảm hoặc không bị di chứng. Hằng năm, khoảng 2,5 triệu trẻ em thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ tiêm chủng vắc xin các bệnh truyền nhiễm. Tiêm chủng mở rộng là biện pháp giúp giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới - một trong các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Vắc xin giúp cứu sống hàng triệu sinh mạng mỗi năm
Tiêm chủng mở rộng đảm bảo sức khỏe cho nguồn lao động tương lai
Trẻ em là tương lai của đất nước, của nhân loại. Vì thế nếu trẻ em được chăm sóc và bảo vệ tốt ngay từ khi còn nhỏ sẽ là tiền đề cho một xã hội có nguồn lực lao động chất lượng cả về sức khỏe cũng như trí tuệ. Đây cũng là chiến lược phát triển kinh tế - an sinh xã hội thiết yếu của mỗi quốc gia.
Tiêm chủng mở rộng góp phần xóa đói giảm nghèo:
Nhờ tiêm chủng, trẻ em trở nên khỏe mạnh và gia đình tiết kiệm được các khoản viện phí khi trẻ ốm đau, bệnh tật. Hơn nữa, kể cả người lớn cũng có ít đi những nguy cơ bị bệnh (ví dụ như tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung, vắc xin phòng cúm, phòng viêm gan,…), nhờ đó có sức khỏe để lao động và đảm bảo cuộc sống.
Sẽ như thế nào nếu trẻ không được tiêm vắc xin hoặc tiêm muộn?
Theo như đã phân tích, vắc xin đối với trẻ em là vô cùng quan trọng vì nếu trẻ không được tiêm vắc xin, tiêm không đủ liều hoặc tiêm muộn thì sẽ dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng sau này như ho gà, sởi, viêm não Nhật Bản, bệnh bạch hầu,… làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ. Ngoài ra các bệnh cần phải được tiêm phòng vắc xin thì có yếu tố lây nhiễm rất cao trong công đồng. Vì vậy trẻ em cần phải được cha mẹ, gia đình lưu ý để tiêm chủng đầy đủ và đúng thời điểm. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm đối với con trẻ, trách nhiệm đối với bản thân gia đình và đối với toàn xã hội.
Vắc xin đối với trẻ em rất quan trọng
Các giai đoạn áp dụng chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam
Chương trình tiêm chủng mở rộng được chính phủ Việt Nam áp dụng đã hơn 30 năm, dưới đây là một số cột mốc đáng chú ý về những nỗ lực bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân tại Việt Nam thông qua chương trình này:
Giai đoạn 1 - thí điểm (1981 - 1984)
Năm 1981 là mốc thời gian Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được tiến hành thí điểm tại Việt Nam và dần dần mở rộng qua các năm sau đó. Sau 3 năm, từ 1981 - 1984, hơn 50% số tỉnh áp dụng thành công tiêm chủng mở rộng.
Giai đoạn 2 - mở rộng tiêm chủng trên phạm vi cả nước (1985 - 1990)
Giai đoạn 3 - xóa “mù” tiêm chủng cho các xã (1991 - 1995)
Giai đoạn 4 - tăng cường triển khai tiêm chủng mở rộng thêm 6 loại vắc xin mới (1997 - 2012)
Trong năm 1997, chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã đưa thêm 4 loại vắc xin mới chống các bệnh nghiêm trọng như Viêm gan B, Thương hàn, Tả, Viêm não Nhật Bản. Như vậy tổng cộng Việt Nam đã triển khai thành công 10 vắc xin nhằm nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Vắc xin thứ 11 là vắc xin Hib có tác dụng phòng chống bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ được triển khai từ tháng 6/2010. 2 năm sau, ngày 04/9/2012, vắc xin phòng bệnh Sởi - Rubella dành cho trẻ em từ 1 đến 14 tuổi đã được đưa vào dự án Tiêm chủng mở rộng và thực hiện thành công trong giai đoạn 2014 - 2015, đánh dấu đây là vắc xin thứ 12 trong danh sách của chương trình.
Có ngày càng nhiều loại vắc xin được bổ sung vào Chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam
Điểm danh những thành tựu Dự án tiêm chủng mở rộng đã đạt được tại Việt Nam
Những giai đoạn tăng cường triển khai và nâng cấp số lượng vắc xin đã chứng minh thành công của Dự án cũng như lợi ích của vắc xin. Nhờ có vắc xin, hàng triệu trẻ em và sản phụ không bị mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đồng thời cũng không bị di chứng từ những căn bệnh này. Số liệu cụ thể như sau:
- Trên khắp cả nước có 11 nghìn phường xã, hơn 700 huyện được bao phủ tiêm chủng mở rộng; 50 triệu mũi tiêm phòng tránh 12 bệnh nghiêm trọng và phổ biến nhất đã được triển khai cho hơn 1,6 triệu trẻ em và 1,7 triệu thai phụ; Xóa sổ bệnh đậu mùa và không thấy bệnh có dấu hiệu quay trở lại kể từ năm 1979; Xóa sổ bệnh bại liệt từ năm 2000; Quét sạch bệnh uốn ván ở trẻ sơ sinh từ năm 2005; Đang nỗ lực triệt tiêu bệnh sởi và giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi mắc viêm gan B xuống còn dưới 1% trước năm 2020; Giảm thiểu một cách đáng kể từ hàng trăm đến hàng nghìn lần tỷ lệ mắc các bệnh nghiêm trọng như Bạch hầu, Viêm não Nhật Bản, Ho gà, Sởi so với thời kỳ trước khi áp dụng tiêm chủng mở rộng.
Tiêm chủng mở rộng - vì nụ cười trẻ thơ