Sống vì người khác khi được hiểu theo góc độ tích cực có nghĩa là bạn đặt lợi ích của họ cùng với lợi ích của chính mình. Nhưng đôi khi, sống để làm người khác hạnh phúc có thể khiến bạn trở nên phụ thuộc và mất cái Tôi. Vậy sống vì người khác quá nhiều có đem lại điều tốt lành không?
Theo giải thích của Erika Myers, một chuyên gia tâm lý tại Bend, Oregon, Hoa Kỳ: “Việc sống vì người khác thường vượt qua sự tử tế thông thường. Điều này liên quan đến việc một người thay đổi lời nói hoặc hành vi vì cảm nhận và lợi ích của người khác”. Theo đó, bạn thường có xu hướng lắng nghe người khác và hành động theo cách mà họ sẽ thích.
Nếu bạn cảm thấy mơ hồ không biết liệu mình có đang sống vì người khác quá nhiều hay không, hãy cùng Hello Bacsi xem qua các dấu hiệu nhận biết của những người này nhé:
Mất đi quan điểm của bản thân
Biểu hiện rõ nhất của những người sống vì người khác quá mức chính là mất đi quan điểm và tư tưởng của bản thân. Đối với họ, giá trị cá nhân được đo bằng sự tin tưởng và sự công nhận từ người khác.
Theo chia sẻ từ Myers, những người này thường sống với quan điểm: “Tôi chỉ đáng được yêu thương khi tôi hiến dâng tất cả cho những người xung quanh”. Họ cảm thấy hạnh phúc khi được mọi người đánh giá cao và tin rằng họ chỉ được quý trọng khi họ có ích cho người khác.
Muốn người khác yêu thích
Nếu bạn sống vì người khác quá nhiều, bạn thường sợ bị ghét bỏ hoặc từ chối. Nỗi sợ này thúc đẩy bạn phải làm mọi cách để làm người khác hài lòng và tránh xa việc bị họ từ chối.
Bạn cũng khao khát được mọi người cần đến và tin rằng mình sẽ có cơ hội nhận được nhiều tình yêu hơn từ những người cần mình. Nhưng điều bạn có thể chưa biết, trước khi mong muốn người khác yêu mình, bạn phải biết yêu thương chính mình trước.
Rất khó để từ chối người khác
Đôi khi, bạn nghĩ rằng việc từ chối lời mời hay yêu cầu của người khác sẽ khiến họ cảm thấy không được quan tâm. Vì vậy, việc đồng ý làm những việc mà người khác muốn là một lựa chọn an toàn để duy trì mối quan hệ, ngay cả khi đôi khi bạn không có đủ thời gian hoặc năng lực để giúp đỡ họ.
Không chỉ thế, đôi khi bạn còn đồng ý làm những điều mà chính bạn không ưa hoặc mà bạn cho là sai. Dường như điều này đơn giản nhưng lại có thể gây ra nhiều vấn đề lớn. Điều này chứng tỏ bạn đang đặt suy nghĩ của người khác trên ý định của chính mình. Một số người có thể lợi dụng điều đó và “kiểm soát” bạn làm theo ý họ dù việc đó là sai lầm, bởi vì họ biết bạn sẽ không thể từ chối họ.
Bạn có phải là người luôn xin lỗi khi có điều gì đó không như ý muốn? Hãy trả lời thật lòng câu hỏi này.
Những người sống để làm người khác hạnh phúc thường sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm cho mọi vấn đề, ngay cả khi họ không có lỗi. Ví dụ, khi đồng nghiệp nhờ bạn đặt thức ăn cho cả văn phòng, nhưng do nhà hàng giao nhầm đơn nên mọi người phải chờ đợi 2 giờ để có bữa trưa. Bạn đã đặt đồ ăn kỹ càng trước giờ nhưng vẫn cảm thấy phải xin lỗi và cảm thấy có lỗi với đồng nghiệp, thậm chí tin rằng họ sẽ ghét bạn và không bao giờ tin tưởng bạn đặt thức ăn nữa.
Nhanh chóng đồng ý với ai đó, ngay cả khi bạn nghĩ điều đó là sai
Bạn nghĩ rằng việc đồng ý với quan điểm của ai đó thường đồng nghĩa với việc nhận được sự công nhận từ họ.
Đôi khi, bạn được hỏi về ý kiến hoặc ý tưởng của đồng nghiệp. Trong khi mọi người khác đều khen ngợi: “Ý kiến tuyệt vời”, bạn cũng nói rằng: “Đây là ý kiến hay” dù bạn thực sự cảm thấy ý kiến này còn nhiều sai sót và chưa thực sự tốt.
Nếu bạn miễn cưỡng đồng ý với những điều mà bạn cho là chưa tốt chỉ để làm người khác hài lòng, bạn đang tự đẩy cả mình và họ vào bế tắc trong tương lai. Nếu ý kiến của họ thực sự có vấn đề, việc này có thể tạo ra nhiều rắc rối khi bạn không dám chỉ ra những điểm yếu để họ rút kinh nghiệm. Đôi khi, việc phản hồi chân thành là điều mà họ cần, không phải việc chỉ đồng ý mà không suy nghĩ.
Những người sống vì người khác quá nhiều thường khó nhận ra những điều mà họ thực sự muốn. Vì họ thường bỏ qua suy nghĩ của bản thân để theo đuổi ý kiến của người khác. Dần dần, họ mất phương hướng và không biết mình thực sự muốn gì.
Đôi khi, họ không dám thể hiện cảm xúc thật của mình, dù mong muốn được người khác lắng nghe. Ví dụ, bạn thường tránh nói với đồng nghiệp rằng họ làm bạn cảm thấy mệt mỏi và tự an ủi mình rằng: “Họ không cố ý đâu. Nếu mình nói ra, mình sẽ làm họ buồn”. Nhưng thực tế, bạn đang từ chối một sự thật quan trọng rằng: Họ là người gây tổn thương cho bạn.
Người sống vì người khác quá nhiều thường là những người cho đi nhiều nhất
Bạn có phải luôn muốn cho đi nhiều hơn là nhận lại? Quan trọng hơn, liệu bạn cho đi vì muốn được yêu quý bởi những người xung quanh không?
Những người sống để làm hài lòng người khác thường thích cho đi, theo Myers giải thích: “Sự hy sinh có thể tạo ra lòng tự trọng, nhưng cũng có thể dẫn đến sự tự hủy”. Bạn cứ cho đi và cho đi, hy vọng rằng mọi người sẽ đền đáp bạn bằng tình yêu và sự trân trọng mà bạn mong chờ.
Tuy nhiên, bạn có biết không, đôi khi người khác chỉ thích những gì bạn làm cho họ, không phải là bạn chính bạn. Và vì thế, họ càng dễ thất vọng khi bạn không thể hoàn thành mọi thứ như mong đợi.
Bạn không có thời gian rảnh rỗi
Việc bận rộn không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của việc bạn sống vì người khác quá nhiều. Nhưng hãy xem xét cách bạn sử dụng thời gian rảnh của mình. Sau khi hoàn thành những nhiệm vụ cần thiết như công việc, công việc nhà, chăm sóc con, bạn dành thời gian cho việc gì? Bạn dành bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi và theo đuổi sở thích của bản thân?
Hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn dành thời gian cho bản thân. Bạn đã trải qua những khoảnh khắc như thế chưa? Nếu không thể nhớ, có lẽ bạn đã dành quá nhiều thời gian cho người khác thay vì bản thân.