Những thói quen nhỏ hàng ngày là cơ sở để xây dựng cuộc sống như ước mơ của bạn.
Bạn có bao giờ nghe về câu tục ngữ “Ăn ếch đầu ngày” chưa?
Mark Twain đã từng nói: 'Nếu việc đầu tiên bạn thực hiện mỗi buổi sáng là ăn một con ếch sống, bạn sẽ có một ngày thú vị, vì điều tồi tệ nhất đã qua.' Trong cuốn sách về quản lý thời gian 'Eat That Frog', Brian Tracy đã khuyên bạn nên làm việc khó khăn nhất đầu tiên để có một ngày thành công. Nhưng thay vì ăn ếch, chúng ta nên hôn con ếch trước. Điều này ý chỉ tập trung vào công việc quan trọng nhất mà bạn muốn thực hiện.
Những thói quen nhỏ hàng ngày là cơ sở xây dựng cuộc sống. Bằng cách cam kết với những việc quan trọng nhất mỗi ngày, bạn sẽ từng bước trải nghiệm cuộc sống mơ ước. Dưới đây là một số mẹo từ tâm lý học hành vi và phương pháp chấp nhận và cam kết (ACT) mà tôi đã áp dụng thành công để xây dựng thói quen buổi sáng lâu dài mà bạn có thể bắt đầu ngay mai:
1. Xem xét kỹ các thói quen buổi sáng của bản thân
Nếu nói về số buổi sáng mà chúng ta sẽ trải qua trong cuộc đời với tuổi thọ trung bình (giả sử là 80 năm), thì đó là gần 30.000. Có thể bạn chưa biết: những thói quen vào buổi sáng của bạn khá giống nhau đó. Hãy cân nhắc kỹ hơn những gì bạn đang làm và tự hỏi, 'Nếu tôi làm điều này thêm 10.000 lần nữa, thì hậu quả lâu dài có thể là gì?'
Hãy cân nhắc về những câu hỏi sau:
- Điều đầu điên mà bạn thường làm vào buổi sáng là gì?
- Nếu bạn tiếp tục những việc đó hàng ngày suốt 20 năm tới, hành động nào sẽ hỗ trợ cho cuộc sống mà bạn muốn phát triển sau này và hành động nào không có đem lại một lợi ích nào cả?
- Nếu có thể, bạn muốn làm thêm một điều gì mà đối với bạn là quan trọng nhất vào buổi sáng?
2. Bắt đầu từ nhỏ, sau đó nhỏ hơn
Trong cuốn sách '5 Intentions: Discovering What Death Can Teach Us About Living Fully', Frank Ostasenski viết về những bài học mà ông muốn truyền đạt cho mọi người dựa trên những năm tháng làm việc với những người sắp lìa xa cõi đời. Bài học đầu tiên là Đừng chờ đợi. Trở thành con người bạn mong muốn là cả một đời và đó là quá trình diễn ra hàng ngày. Đừng đặt đó là mục tiêu cuối cùng hoặc mong muốn hoàn thiện bản thân trong một thời gian thần kỳ nào đó trong tương lai. Bạn có thể cảm thấy quá sức khi bắt đầu. Đó là lý do tại sao bạn nên bắt đầu từ những việc nhỏ.
Tôi từng tham dự một buổi hội thảo của Steven Hayes về cách để bắt đầu. Ông ấy lôi ra một cuốn danh bạ điện thoại, giẫm lên, rồi nhảy ra. 'Đó là cách đơn giản để thực hiện nó!', Steven nói. Thực hiện hành động cam kết về một thói quen khác vào buổi sáng sẽ khiến bạn thực hiện một số thay đổi, nhưng chúng sẽ được duy trì tốt hơn nếu bạn giữ chúng ở mức độ nhẹ nhàng.
Nếu bạn có thể thay thế một nhiệm vụ thường ngày vào buổi sáng bằng một hành động nhỏ nhặt liên quan đến giá trị của mình, thì đó sẽ là gì? Ví dụ, khi muốn thêm việc viết nhật ký vào thói quen buổi sáng, tôi bắt đầu bằng cách viết ra ba giá trị mà tôi muốn tập trung vào mỗi ngày. Chỉ ba từ thôi.
Hãy dành chút thời gian để hiểu rõ bạn muốn thiết lập hoặc từ bỏ thói quen gì vào buổi sáng. Dayna Lee Baggley, tác giả cuốn Healthy Habits Suck, khuyên bạn nên chọn một hành vi mà bạn chắc chắn sẽ thành công 90%. Khi đã đạt 100%, hãy thêm một việc khác.
3. Gợi ý cho hành vi mới của bạn
Ví dụ: Khi uống cà phê vào buổi sáng, tôi sẽ viết nhật ký.
4. Tự thưởng cho thói quen mới của bạn
Sự củng cố tích cực là yếu tố duy trì hành vi. Nhiều người trong chúng ta lớn lên với phiếu bé ngoan và điểm tốt. Những phần thưởng bên ngoài này có thể giúp chúng ta phát triển trong thời gian ngắn, nhưng không bền vững khi chúng ta mất động lực. Thay vì dùng phần thưởng bên ngoài (ví dụ: điểm số) để khen thưởng buổi sáng lành mạnh, hãy tự thưởng cho mình bằng cách tận hưởng cảm giác thoải mái khi làm điều gì đó phù hợp với con người bạn mong muốn trở thành.
Rick Hanson gợi ý một phương pháp thực hành giúp chúng ta tận hưởng những điều tốt đẹp mà anh ấy gọi là HEAL:
H (Have): Tạo ra một trải nghiệm tích cực.
E (Enrich): Làm phong phú trải nghiệm bằng cách chú tâm vào nó.
A (Absorb): Hấp thụ những trải nghiệm vào cơ thể và tâm hồn bạn.
L (Link): Kết nối trải nghiệm đó với những khoảnh khắc tiêu cực.
Khi bạn thêm một bài tập mới vào thói quen buổi sáng, hãy cho cơ thể thời gian để thích nghi. Hướng sự chú ý theo cách này sẽ giúp bạn khắc sâu nó vào tiềm thức. Sáng hôm sau, nếu thức dậy và tâm trí bạn tràn ngập lý do khiến bạn trì hoãn việc thực hiện thói quen, hãy nhớ lại những cảm giác tích cực khi bạn đã làm điều đó.
5. Đừng để tâm trí cản trở bạn
Theo BJ Fogg, chuyên gia về thói quen tại Đại học Stanford, “làn sóng động lực” của bạn có thể đang cao, nhưng sẽ có lúc tâm trí khiến bạn phân vân. Những lý do hoặc sự phản kháng phổ biến nào mà tâm trí bạn hiện lên? Việc viết chúng ra sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những gì lý trí của mình đang nói và tạo thêm thời gian cho buổi sáng.
Những suy nghĩ thường gặp vào buổi sáng:
- Mình không muốn
- Mình đã quá mệt rồi
- Mình có thể bắt đầu ngày mai được không?
Thay vào đó, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn lắng nghe các giá trị và sự khôn ngoan từ chính mình?
6. Sống vì tương lai của bạn
Thói quen buổi sáng bắt đầu từ đêm hôm trước. Bạn sẽ dễ dàng thực hiện thói quen buổi sáng hơn nếu chuẩn bị kỹ từ trước. Hãy giúp bản thân một việc trong tương lai bằng cách đi ngủ sớm, chuẩn bị quần áo thể thao, dọn dẹp không gian ngồi thiền hoặc làm sẵn sinh tố từ đêm hôm trước. Hãy làm tất cả những gì có thể vào tối hôm trước để buổi sáng hôm sau diễn ra suôn sẻ hơn.
7. Cam kết trong khả năng
Bạn có thể cam kết 100% với thói quen buổi sáng của mình, nhưng hãy linh hoạt khi cần. Tôi đã duy trì việc ngồi thiền và viết nhật ký trong thời gian dài nhờ vào sự linh hoạt này. Có những ngày tôi chỉ thiền được 3 phút, và điều đó không sao cả; Tôi sẽ quay lại khi có thời gian và năng lượng.
Việc hành động theo cam kết có thể gặp trở ngại và lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều này củng cố cam kết của bạn: mỗi lần bạn quay lại với các giá trị của mình cũng là một lần kiên trì với thói quen.
Thực hiện tất cả cùng nhau
Hôn con ếch hôm nay để xây dựng cuộc sống mơ ước ngày mai. Thiết lập thói quen buổi sáng tập trung vào giá trị của bạn và coi đó là ưu tiên. Như Tara Brach đã chia sẻ trong một buổi hội thảo tôi tham dự, việc thực hành thói quen lành mạnh hàng ngày có thể giúp chúng ta sống một cuộc đời trọn vẹn hơn.
Tác giả: Diana Hill
Người dịch: Đông Đông
Chỉnh sửa: Minh Nguyệt
Ảnh từ: behance.net, istockphoto.com
Liên kết bài gốc: Kissing the Frog: Cách thiết lập thói quen buổi sáng hiệu quả