Theo một nghiên cứu mới, những người thường xuyên ăn một mình có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch và đái tháo đường. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, so với những người ăn cùng người khác, đàn ông ăn bữa chính một mình tối thiểu 2 lần trên ngày sẽ có khả năng cao mắc hội chứng chuyển hoá - một nhóm gồm ba hoặc nhiều bệnh nguy hiểm như huyết áp cao, tăng cholesterol và tiền đái tháo đường.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe tinh thần và thể chất của con người có thể bị ảnh hưởng bởi việc ăn uống một mình, đặc biệt là sự cô đơn, đặc biệt là ở những người cao tuổi.
Trong một bài báo được đăng trên tạp chí Obesity Research & Clinical Practice, tác giả của nghiên cứu viết rằng số lượng thành viên trong gia đình trên toàn cầu đang giảm dần trong những năm gần đây, thậm chí nhiều gia đình chỉ còn một người. Họ viết: “Cùng với đó, thói quen ăn uống dần trở nên không bình thường, tuỳ tiện và cá nhân hóa thông qua hình thức ăn một mình”.
Để tìm hiểu xem những mô hình này có ảnh hưởng đến hội chứng chuyển hoá - một tình trạng đang gia tăng trên toàn cầu hay không - họ đã so sánh dữ liệu sức khỏe và câu trả lời khảo sát từ 7.725 người Hàn Quốc trưởng thành về tần suất ăn một mình của họ.
Đối với nam giới, việc ăn một mình tăng nguy cơ mắc béo phì lên đến 45% và mắc hội chứng chuyển hoá lên đến 64%, ngay cả sau khi các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh các yếu tố như tuổi, hút thuốc lá và uống rượu, tần suất tập thể dục hàng tuần, trình độ học vấn và nghề nghiệp. Các đàn ông độc thân ăn một mình có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hoá cao nhất, gấp ba lần so với những người cho biết họ thường ăn tối với người khác.
Đối với phụ nữ, tác động của việc ăn một mình ít hơn. Những người ăn một mình ít nhất hai lần mỗi ngày có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hoá cao hơn 29% so với những người không bao giờ ăn một mình, nhưng con số này giảm xuống 0 khi các nhà nghiên cứu xem xét các yếu tố kinh tế xã hội và lối sống.
Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng những người có xu hướng ăn một mình có thể cảm thấy cô đơn, cách ly xã hội và có xu hướng chọn thức ăn không lành mạnh, ít rau củ hơn và có thói quen ăn uống không bình thường.
Từ nghiên cứu này, không thể xác định rõ nguyên nhân của hội chứng chuyển hoá là do ăn một mình. (Nghiên cứu không điều tra mọi người về loại thực phẩm họ ăn hoặc lý do họ ăn một mình.) Hội chứng chuyển hoá có thể phát sinh từ chế độ ăn uống không cân đối và lối sống không lành mạnh.
Kết quả của nghiên cứu này có thể không áp dụng cho những người ở các quốc gia và văn hóa khác, nơi mà việc ăn một mình không phổ biến. Tuy nhiên, điều này không gây ngạc nhiên ở Hoa Kỳ và Hàn Quốc.
Annalijn Conklin, phó giáo sư khoa học dược phẩm tại Đại học British Columbia, cũng đã nghiên cứu về tình trạng sức khỏe liên quan đến việc sống và ăn uống một mình. Bà cho biết bà không bất ngờ về các kết quả của nghiên cứu mới, đặc biệt là những kết quả liên quan đến nam giới.
“Nam giới chưa kết hôn và ăn một mình gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nhiều so với những người khác trong nghiên cứu. Điều này phản ánh lại trong một số nghiên cứu khác về các mối quan hệ xã hội và chế độ ăn uống” - Conklin chia sẻ. Bà cũng cho rằng ở phụ nữ, kết quả chưa thực sự rõ ràng và cần được tiếp tục nghiên cứu.
Conklin đề xuất rằng các nghiên cứu trong tương lai cần xem xét các yếu tố khác có thể giải thích mối quan hệ giữa việc ăn một mình và hội chứng chuyển hóa, như mức độ căng thẳng và chất lượng giấc ngủ. Nghiên cứu này không thể chỉ ra liệu ăn một mình có phải là “phản ứng phụ” của căng thẳng, khó ngủ hoặc cô đơn không hay ngược lại, việc ăn một mình là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, khó ngủ hoặc cô đơn.
Conklin nhấn mạnh: “Cần giải quyết các vấn đề căng thẳng, áp lực trong cuộc sống một cách nhạy cảm. Chúng ta đều biết thiếu ngủ và căng thẳng tạo ra một vòng luẩn quẩn làm thay đổi hành vi ăn uống và điều này có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy việc ăn một mình và gây ra hội chứng chuyển hóa.”
Tác giả: Amanda Macmillan