Một bản nhạc được coi là “hay” với chúng ta không nhất thiết phụ thuộc vào nghĩa của từng từ trong lời bài hát.
Câu hỏi “Có hiểu lời bài hát không mà vẫn nghe?” có lẽ là thắc mắc của nhiều người hâm mộ âm nhạc nước ngoài. Quan điểm truyền thống cho rằng, chỉ khi hiểu được ý nghĩa của từng từ trong bài hát thì mới cảm nhận được sự hay của nó.
Nhưng những bản nhạc “huyền thoại” như Gangnam Style đã chứng minh điều ngược lại khi trở thành video đầu tiên đạt 1 tỷ lượt xem trên Youtube. Trên thị trường Âu Mỹ, Despacito cũng là một minh chứng khác khi dẫn đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 suốt nhiều tuần liên tiếp. Vậy làm thế nào mà chúng ta vẫn “nghiện” những bản nhạc này mà không cần hiểu một chút tiếng Hàn hay Tây Ban Nha?
Sức mạnh biểu tượng của âm nhạc
Theo giáo sư âm nhạc Lisa Decenteceo chia sẻ trên Vice, vỏ não thính giác của con người thường có xu hướng ưu ái những âm thanh đặc biệt. Có một lĩnh vực nghiên cứu gọi là “sức mạnh biểu tượng của âm nhạc” (sound symbolism).
Nói một cách đơn giản, lĩnh vực này nghiên cứu cách vỏ não liên kết giữa âm thanh và ý nghĩa của từ mà âm thanh đó mang lại. Ví dụ, khi nghe từ “ding”, vỏ não liên tưởng ngay đến tiếng chuông. Các nhạc sĩ hiểu điều này và thường chọn những từ có âm tiết mang tính biểu tượng cao trong lời bài hát.
Hơn nữa, theo giáo sư âm nhạc Thea Tolentino, khi nghe nhạc bằng một ngôn ngữ không quen thuộc, não sẽ tập trung vào việc thưởng thức âm nhạc thay vì nghĩ về ý nghĩa của lời bài hát. “Điều này có thể làm cho chúng ta bị cuốn hút vào một bài hát mà không cần hiểu nội dung của nó”, bà Tolentino giải thích.
Một ví dụ minh họa cho hiện tượng này là Baby Shark, với đặc điểm là từ “doo” được lặp đi lặp lại theo nhịp nhạc. Âm “u” là một trong những âm tiếng đầu tiên mà trẻ sơ sinh có thể phát ra. Do đó, ngay cả khi trẻ em chưa hiểu ngôn ngữ, não của họ vẫn dễ dàng tiếp nhận bài hát này, khiến cho chúng “nghiện” từ khi còn nhỏ.
Các chuyên gia marketing cũng là những chuyên gia trong lĩnh vực này. Họ chọn những tên gọi bắt tai, phù hợp với “vibe” mà sản phẩm muốn thể hiện, khiến cho khách hàng nghe là muốn mua. Häagen-Dazs và Coca-Cola là những ví dụ điển hình. Âm “a” kéo dài trong các tên gọi này gợi nhớ đến cảm giác mát lạnh, sảng khoái khi thưởng thức kem và uống nước giải khát.
Não tự động “đồng bộ” với nhạc
Theo nghiên cứu của Michael Thaut, Gerald McIntosh & Volker Hoemberg, não chúng ta có khả năng “hòa mình” theo âm nhạc. Quá trình này được gọi là điều động, xảy ra khi sóng não (các dao động điện tử quy mô lớn trong não) đồng bộ tự nhiên với nhịp điệu của các yếu tố kích thích bên ngoài, như âm nhạc.