Làm cách nào một từ ngữ có vẻ đơn giản lại có thể tạo ra nhiều vấn đề và liệu chúng ta có thể thay đổi điều đó không?
CÁC ĐIỀU CHÍNH
Thường chúng ta đánh giá những người đang gặp khó khăn là 'người điên' thay vì cố gắng hiểu rõ tâm trạng của họ.
Thuật ngữ 'người điên' thường được sử dụng khi chúng ta không thể đồng cảm hoặc hiểu được quan điểm, tình hình cảm xúc hoặc hành vi của một người.
Mỗi người trong chúng ta cần thực hiện một số bước để hỗ trợ xã hội xóa bỏ các định kiến về vấn đề tâm thần và xây dựng một môi trường giao lưu, hiểu biết và kết nối.
Dường như việc gọi nhau là 'điên rồ' đã trở thành một trò tiêu khiển. Ban đầu, thuật ngữ này được dùng để mô tả những bệnh nhân tâm thần - những người bị loạn trí, bất ổn về tinh thần và có hành vi nguy hiểm. Theo đó, 'điên' là triệu chứng của bệnh tâm thần. Tuy nhiên, khi không thể hiểu được các trạng thái tâm lý của người khác, chúng ta lại gán cho họ cái mác “điên” — chẳng hạn như những người bị trầm cảm, lo lắng, rối loạn tâm lý. Ngay lập tức, cụm từ này trở nên vô nghĩa và thiếu nhân đạo. Nó không giúp chúng ta hiểu rõ về hành vi, cảm xúc hay cách nhìn nhận thế giới của người khác. Khi đã dùng từ này để đánh giá ai đó, việc cảm thông, kết nối hoặc giúp đỡ họ trở nên khó khăn hơn.
Không dừng lại ở ngữ cảnh bệnh tâm thần, ngày nay, 'điên rồ' đã trở thành câu cửa miệng mỗi khi chúng ta không hiểu rõ quan điểm, biểu hiện cảm xúc hoặc hành vi của người khác. Thành viên trong gia đình không có cùng lòng tin chính trị? - 'Điên'. Người yêu giận dỗi vì lý do nào đó mà chúng ta không hiểu? - 'Điên'. Bạn bè mải mê với sở thích mà ít dành thời gian cho chúng ta? - 'Điên'. Người trên bản tin say mê thảo luận vấn đề mà chúng ta không biết? - 'Điên'. Chúng ta còn dùng từ đồng nghĩa như “mất trí”, “thần kinh” hay “không bình thường” để thay thế cho 'điên'. Tuy nhiên, ý nghĩa vẫn không thay đổi đối với những người đang chiến đấu với bệnh tâm thần - chúng ta cho rằng họ “ít” loạn trí hoặc “ít” nguy hiểm hơn.
Thật vô lý khi chúng ta cứ gọi nhau là 'đồ điên'. Chúng ta có thể nói những lời khó nghe với người khác nhưng lại không chấp nhận khi bị gọi như vậy. Không ai thích bị gọi là điên, nhưng chúng ta lại nhanh chóng gán nhãn này cho người khác khi thấy tiện. Tại sao lại vậy? Nguyên nhân có thể là cảm giác khó chịu và choáng ngợp trước những sự việc mà chúng ta cho là bất hợp lý. Mặc dù không hiểu cảm xúc của chính mình hoặc lý do cảm thấy như vậy khi tiếp xúc với người khác, chúng ta biết chắc rằng mình không thích điều đó.
Vào thời điểm đó, chúng ta cảm thấy như đang chơi một trò chơi không lối thoát. Nếu cảm thấy khó chịu, nghĩa là có gì đó không ổn. Thực tế, chúng ta đang cảm thấy “phát điên”. Bỏ qua tất cả các nguyên nhân phức tạp gây nên cảm xúc này, chúng ta ngay lập tức quyết định rằng nếu có ai đó 'điên', thì đó không phải là mình. Chúng ta chuyển sự 'điên rồ' sang người khác. Họ mới là người bị điên, không phải chúng ta. Và có lẽ trong khoảnh khắc, tâm trạng của chúng ta được cải thiện. Nhưng mọi vấn đề chỉ mới bắt đầu.
Trong nỗ lực xoa dịu cảm xúc của bản thân, chúng ta tạo ra sự phân biệt giữa những người 'bình thường' và những người 'điên rồ'. Kẻ điên bị xa lánh, chế giễu và cách biệt với xã hội. Trong khi đó, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của người bình thường được công nhận và hỗ trợ. Mặc dù cảm thấy may mắn khi bình thường, nhưng chúng ta nhận ra rằng mình có thể bị xem là điên rồ bất cứ lúc nào. Giống như bị mắc kẹt trong thế giới của kẻ bắt nạt, chúng ta cảm thấy an tâm khi không bị ức hiếp — hoặc thậm chí vui khi trở thành kẻ bắt nạt. Nhưng chúng ta hiểu rằng mình có thể dễ dàng trở thành mục tiêu kế tiếp và do đó, không bao giờ thực sự an toàn.
Khi gọi ai đó là 'đồ điên' và nhận ra rằng mình cũng có thể rơi vào trạng thái điên rồ bất cứ lúc nào, cuộc trò chuyện mang tính xây dựng sẽ chấm dứt. Chúng ta ngăn chặn hoặc tránh xa những gì mang lại cảm giác khác biệt hoặc không thoải mái. Nếu cảm thấy lo lắng, chán nản hoặc tức giận, chúng ta cố gắng ngăn cản những cảm xúc đó. Và nếu người thân cũng cảm thấy như vậy, chúng ta khẩn cầu họ mau chóng “thoát khỏi nó”. Khi bất đồng quan điểm, chúng ta không coi đó là cơ hội khám phá hay tìm điểm chung, mà như một cuộc chiến và cuối cùng sẽ có người đúng và kẻ điên. Ngay cả khi theo đuổi một mục tiêu đột phá, mới lạ hay sáng tạo, chúng ta có thể không thôi thúc bản thân hoặc người khác vì sợ nó sẽ dẫn chúng ta đến chỗ 'điên rồ'.
Việc sử dụng từ “điên” một cách bừa bãi đã vô tình củng cố những định kiến về bệnh tâm thần. Điều này khiến tất cả những phức tạp trong cuộc sống đều bị quy về sức khỏe tinh thần kém, và vô tình coi những bệnh nhân tâm thần là những người không ổn định và nguy hiểm - bị xa lánh thay vì được cảm thông.
Chúng ta có thể làm gì? Sau khi nói chuyện với nhạc sĩ George Clinton của nhóm Parliament và Funkadelic trong chương trình The Hardcore Humanism Podcast, tôi đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Clinton chia sẻ rằng một số người cho phong cách biểu diễn và giọng hát của ông là “điên rồ”, nhưng ông kiên trì vượt qua sự phán xét để theo đuổi ước mơ và nghệ thuật của mình. Giờ đây, ông được công nhận với giải Grammy Thành Tựu Trọn Đời. Cuộc trò chuyện này khuyến khích nhiều người thay đổi cách nói chuyện và ngừng gọi nhau là “điên rồ”.
Để không còn gọi nhau là 'điên rồ', trước hết chúng ta phải ngưng sử dụng thuật ngữ này hoặc các từ đồng nghĩa của nó. Hãy nhớ rằng dù cảm giác thấy ai đó bị hắt hủi có thể thỏa mãn, nhưng chúng ta không nên tạo ra một thế giới nơi mọi người bị gọi là 'điên rồ'. Điều này là vô ích và không cần thiết. Dù khó khăn, việc thay đổi hành vi đòi hỏi chúng ta phải tập trung tuyệt đối, giống như bỏ rượu, không dùng ma túy hay giảm ăn ngọt. Nếu luôn nhận thức rằng từ 'điên rồ' có hại và muốn tránh nó, chúng ta sẽ ít dùng đến từ này.
Khi ngừng sử dụng từ 'điên rồ', chúng ta buộc phải đối mặt với cách chúng ta xử lý những tình huống khó xử khiến ta gọi người khác là 'điên'. Đây là điểm bắt đầu chứ không phải kết thúc của cuộc đối thoại. Chúng ta cần xem xét và đối diện với cảm xúc của mình khi gặp những điều khó chịu. Hiểu cảm nhận của bản thân về những điều người khác nói hoặc làm không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính mình mà còn giúp chúng ta ngừng trốn tránh cảm xúc. Khi đó, chúng ta không còn cảm thấy bị đe dọa tinh thần bởi người khác và không cần gọi ai là 'điên' nữa.
Khi hiểu được cảm xúc của mình, chúng ta có thể tiếp cận người mà trước đây ta coi là 'điên rồ' với sự tò mò thay vì bác bỏ và khinh thường. Một chu kỳ mang tính xây dựng giữa các cá nhân sẽ được hình thành, nơi những cảm xúc hay quan điểm khó chịu được chấp nhận thay vì bị từ chối ngay lập tức. Hãy lắng nghe trước khi phán xét, và đặt câu hỏi thay vì đưa ra kết luận ngay. Điều này sẽ giúp chúng ta mở lòng với những sắc thái và quá trình dẫn đến quan điểm hay phản ứng khác nhau.
Cuối cùng, khi cởi mở hơn với cảm xúc và quan điểm của mình và người khác, chúng ta có thể thay thế cụm từ “điên rồ” bằng những lời giải thích chi tiết và hữu ích hơn về trải nghiệm của họ. Khi ai đó không ngừng khóc, ta có thể hiểu rằng họ đang trải qua một sự mất mát lớn. Nếu ai đó nổi giận, ta có thể thấy được mức độ tổn thương của họ. Nếu có quan điểm chính trị khác biệt, ta có thể tìm hiểu những kinh nghiệm, giả định và niềm tin dẫn đến những quan điểm đó. Và khi ai đó chìm đắm trong ước mơ hay đam mê, ta có thể cố gắng hiểu những trải nghiệm đưa họ đến với cam kết đó. Thay vì chấm dứt cuộc trò chuyện bằng cách gọi nhau là 'điên rồ', cả hai sẽ bắt đầu một cuộc trò chuyện mới. Bằng cách từ bỏ thói quen gọi nhau là 'điên rồ', chúng ta có thể xóa bỏ sự nghi ngờ và kẻ thù, đồng thời xây dựng một văn hóa đồng cảm và thấu hiểu, nơi chúng ta có thể khác biệt nhưng vẫn kết nối và hòa nhập.
Nguồn (trong bài viết gốc)
Bạn có thể nghe cuộc trò chuyện giữa Tiến sĩ Mike và George Clinton trên Hardcore Humanism Podcast tại HardcoreHumanism.com hoặc trên ứng dụng podcast yêu thích của mình.
Tác giả: Michael Friedman
Nguồn: https://www.psychologytoday.com
Dịch giả: Đông Đông
Biên tập: Jinnie Đinh
Hình minh họa: behance.net