Bữa nay tôi được nhận một chiếc Samsung Galaxy J2 Pro từ chủ sở hữu trước khi họ nâng cấp máy mới. J2 Pro là một dòng điện thoại giá rẻ của Samsung được trang bị màn hình OLED ra mắt vào năm 2018. Do đã cũ nên khi thực hiện các tác vụ cơ bản như lướt web, xem fb thì khá giật lag, vì vậy tôi quyết định tận dụng chiếc android cũ này để làm một chiếc đồng hồ thông minh. Galaxy J2 Pro có thể nhận lệnh “Hey, Google” để điều khiển các thiết bị thông minh trong nhà dù chỉ đang chạy Android 7.1.1 – vì vậy tôi sẽ có một chiếc đồng hồ thông minh để nhận lệnh giọng nói, vì hiện tại TV ở nhà của tôi phải bấm nút trên remote rồi mới ra lệnh được chứ chưa tự động nhận lệnh “Hey” hay “Ok” Google như một số mẫu TV mới. Tận dụng thiết bị cũ sẽ giúp bảo vệ môi trường. Việc tái sử dụng hay tìm cách sử dụng mới cho những thiết bị đã cũ sẽ giúp tăng vòng đời của thiết bị và giúp phần nào trì hoãn và giảm thiểu rác thải điện tử ra môi trường. Tái sử dụng các thiết bị cũ đồng thời sẽ giúp giảm và trì hoãn nhu cầu mua thiết bị mới, từ đó giảm nhu cầu sản xuất và giảm nhu cầu khai thác các tài nguyên. Ví dụ như khi tận dụng điện thoại cũ làm đồng hồ thông minh, tôi không cần mua một chiếc đồng hồ để bàn hay một chiếc loa để nhận lệnh giọng nói mà vẫn có thể đáp ứng nhu cầu đó. Tương tự, khi tận dụng điện thoại cũ để làm camera an ninh, tôi sẽ không cần mua 1 chiếc camera an ninh, ít nhất là đến khi chiếc điện thoại cũ thật sự hỏng hẳn.
Phần mềm
Đối với đồng hồ, tôi sử dụng ứng dụng Flip Clock. Ứng dụng này miễn phí, không có quảng cáo, có một số tuỳ biến đủ để sử dụng, và còn có tính năng bảo vệ màn hình khỏi hiện tượng burn-in, mặc dù vấn đề burn-in không quá quan trọng với tôi vì màn hình đã bị burn-in từ trước. Sau khi trải qua nhiều ứng dụng đồng hồ Flip Clock, tôi chỉ thấy hài lòng với phần mềm này.Launcher tôi không sử dụng giao diện mặc định của Samsung nữa mà chuyển sang sử dụng AGAMA Car Launcher. Ứng dụng này phải mua nhưng giá khá rẻ, khoảng 30-40k đồng, mua một lần sử dụng trọn đời. Tôi đã mua cho màn hình Android trong ô tô và giờ tận dụng nó để làm giao diện chính cho đồng hồ.Tôi thích Launcher này vì nó đơn giản, hoạt động mượt mà, và có nhiều tùy chỉnh. Áp dụng vào trường hợp này, tôi thấy vẫn rất phù hợp, đặc biệt khi thường để máy nằm ngang, vì vậy AGAMA Launcher cũng phù hợp hơn so với giao diện gốc của Samsung. Đối với việc sử dụng camera an ninh, có nhiều phần mềm có thể đáp ứng được, ví dụ như Alfred Camera tôi đã sử dụng thấy cũng khá ổn. Vì máy đang chạy bản rom gốc ổn định và để đảm bảo mức độ bảo mật cho máy và tài khoản google, tôi không muốn unlock bootloader hoặc root. Vì vậy, để có thể cắm điện sử dụng liên tục mà không cần pin, tôi sẽ can thiệp nhẹ nhàng ở mức phần cứng thay vì các giải pháp phần mềm.Phần cứng
Pin của máy vẫn đang hoạt động tốt, nên tôi sẽ không tháo pin ra để làm điều gì phức tạp như trước đây khi tôi thường làm với PlayBook. Với chiếc máy J2 Pro này, tôi sẽ tạo một pin giả để có thể cắm điện và sử dụng trực tiếp. Từ đây, tôi sẽ chia sẻ chi tiết hơn về những thủ thuật mà tôi đã thực hiện để mọi người tham khảo.Pin giả
Tại sao lại cần sử dụng pin giả? Tại sao không thể sạc và sử dụng cùng một lúc? Đó là vì việc sạc và sử dụng cùng lúc sẽ làm cho pin lithium-ion nóng lên, nhanh chóng chai, dễ phồng, làm giảm tuổi thọ pin và tăng nguy cơ cháy nổ. Đặc biệt là khi điện thoại cũ sẽ hoạt động liên tục để hiển thị đồng hồ hoặc làm camera giám sát.Lưu ý: Tự chịu trách nhiệm với mọi rủi ro. Hãy tự làm tự chịu nhé anh em.
Đầu tiên, hãy kiểm tra thông số của viên pin. Chiếc Galaxy J2 Pro này sử dụng pin rời, có điện áp 3.8V, điện áp sạc là 4.35V. Với pin lithium-ion, điện áp thường dao động từ 3.4V khi cạn đến 4.2V khi đầy. Anh em cũng nhớ về vị trí của các chân tiếp xúc âm dương trên pin và trên điện thoại.
Nguồn cung cấp sẽ được lấy từ bộ sạc 5V, nhưng cần mức điện áp 4V, vì vậy tôi sẽ sử dụng một mạch hạ áp để giảm từ 5V xuống 4V.
Sau khi tham khảo từ blog của một người bạn tên là Yaky, tôi đã hiểu thêm về các chân tiếp xúc của pin. Bên cạnh các chân cung cấp điện âm dương, còn có một chân tiếp xúc giữa dành cho cảm biến nhiệt độ pin. Và giữa hai chân cảm biến nhiệt độ và chân âm, có một điện trở. Đối với viên pin của Yaky, giá trị của điện trở là 2350Ω. Còn với viên pin trên chiếc Samsung J2 Pro của tôi, giá trị điện trở mà tôi đo được là 2390Ω. Theo Yaky, nếu không có điện trở ở cảm biến nhiệt độ, máy sẽ không thể khởi động.
Mạch điện cơ bản sẽ như sau:
Đối với nguồn 5V, tôi sử dụng củ sạc 5V-2A của Samsung, dây cáp USB – Micro USB tôi cắt đầu Micro USB để hàn trực tiếp vào mạch hạ áp. Dây USB thường có 4 sợi, 2 sợi màu đỏ – đen là nguồn 5V, 2 sợi còn lại (xanh, trắng) là dây dữ liệu có thể loại bỏ vì không cần thiết.
Trước khi hàn dây vào mạch hạ áp, tôi kiểm tra lại một lần nữa bằng đồng hồ để đảm bảo có đúng 2 sợi dây đỏ đen là nguồn 5V.
Sau khi hàn dây nguồn 5V vào đường vào của mạch hạ áp, tôi đo đường ra và sử dụng tua vít để điều chỉnh chiết áp sao cho đầu ra ở khoảng 3.8V – 4.0V.
Tiếp theo, tôi thử nối 2 sợi dây nguồn đầu ra 3.8V vào chân tiếp xúc của pin điện thoại.
Máy khởi động bình thường mà không cần sử dụng điện trở.
Mức pin hiển thị trên máy là 62% với điện áp 3.83V. Tôi không nhận được cảnh báo nhiệt độ pin. Có lẽ, với dòng máy giá rẻ như vậy, chức năng theo dõi nhiệt độ pin đã bị cắt giảm... và không cần thiết phải sử dụng điện trở!?
Tôi điều chỉnh điện áp đầu ra lên khoảng 4.0V, máy hiển thị 88% pin. Với mức pin này tôi thấy ổn nên sẽ hàn dây điện. Sau đó cuộn 2 đầu dây còn lại vào chân tiếp xúc trên điện thoại. Tôi chỉ cuộn chặt dây, không hàn, để nếu sau này muốn dùng pin, chỉ cần tháo mối nối dây điện và gắn pin vào là sử dụng bình thường. Phần mạch và dây điện được xếp gọn trong khoang đựng pin.
Sau đó, tôi đóng nắp lưng lại như bình thường. Phần dây điện đi ra ngoài sẽ hơi kênh một chút vì tôi không muốn cắt khoét nắp lưng, nhưng cũng không ảnh hưởng gì đến sử dụng và có thể ‘về zin’ dễ dàng.
Vậy là xong chiếc Galaxy J2 Pro. Pin được cất giữ ở nơi khô ráo thoáng mát.
Ngoài việc sử dụng để làm đồng hồ, bạn cũng có thể cắm trong ô tô (hoặc xe máy) để xem bản đồ vì điện thoại thường có GPS, làm đầu phát Bluetooth để nghe nhạc, hoặc tận dụng để làm những việc mà điện thoại vẫn có thể làm được…
Pin giả cho máy có pin liền
Ngoài chiếc Samsung Galaxy J2 Pro, tôi còn có một chiếc Redmi Note 4 cũ, màn hình đã vỡ nhưng vẫn dùng được, pin đã chai nhiều, nên tôi cũng xử lý luôn với phương pháp tương tự để tận dụng làm camera giám sát và cũng sẽ cắm điện 24/7.
Lưu ý: Tự làm tự chịu nhé anh em. Tự làm tự chịu nhé anh em. Tự làm tự chịu nhé anh em.
Sau khi bóc mặt lưng ra, tôi sẽ tiến hành tháo viên pin. Thường thì những mẫu điện thoại pin gắn liền (không tháo lắp) sẽ được dán keo, anh em có thể dùng miếng thẻ nhựa mỏng để nhẹ nhàng tách dần phần keo này.
Lưu ý: KHÔNG sử dụng vật kim loại hoặc sắc nhọn như tua vít hay lưỡi dao để tránh đâm vào pin gây chập cháy, pin lithium-ion rất dễ cháy nếu bị tác động vật lý. Kể cả khi dùng miếng nhựa cũng cần thao tác nhẹ nhàng, tránh làm gãy hoặc gập viên pin gây cháy nổ.
Sau khi tách được pin ra, anh em tìm ở phần đầu viên pin nơi có cáp kết nối, thường sẽ có một bảng mạch và các loại IC quản lý cell pin. Như ảnh bên dưới, tôi đã tách được vỏ phần bảng mạch để đo 2 chân của cell pin.
Khi làm pin giả cho máy có pin liền, chúng ta sẽ giữ nguyên bảng mạch này và chỉ ngắt cell pin đi. Như ảnh dưới, tôi đã cắt cell pin ra khỏi mạch, giữ nguyên mạch và cáp để sau này gắn lại vào chân kết nối trên main. Vì trên mạch này sẽ có nhiều loại IC và thao tác với chỗ tiếp xúc cell pin dễ hơn là thao tác với jack cắm trên main.
Sau đó, tương tự như với pin rời, tôi sẽ hàn mạch hạ áp vào nguồn 5V, điều chỉnh nguồn ra khoảng 4V rồi hàn đầu ra vào mạch pin. Với phần kết nối cell pin trên mạch, vì họ dùng miếng kẽm bóng và hàn điện, nếu hàn thiếc có thể sẽ không ăn, lúc này anh em có thể dùng tua vít hoặc đầu nhọn cạo xước bề mặt lớp kẽm đó để hàn thiếc được nhé.
Sau đó, mình gắn lại mạch pin vào main rồi xếp các linh kiện gọn gàng vào khu vực từng là viên pin. Với chiếc Xiaomi này, phần lưng máy và khu vực chứa pin đều có kim loại nên mình cuốn thêm băng keo cách điện cho mạch hạ áp để tránh bị chạm chập.
Tiếp theo, mình cắm nguồn và khởi động máy mà không cần pin. Pin mình sẽ vứt vào thùng rác thu gom pin ở khu vực. Lưu ý: không vứt pin vào rác thải thông thường, vì có rất nhiều chất hoá học ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Máy hoạt động ổn định mà không cần pin, pin giả cho ra kết quả là còn 85% dung lượng.
Kết quả
Đây là cách tận dụng Android cũ để làm đồng hồ thông minh tích hợp Google Assistant. Thiết bị hoạt động mượt mà mà không cần pin, các tính năng đều ổn định.
Khi đặt lên bàn làm việc, mình đã để ở góc có lỗ khoan đi dây, tiện lợi cho việc đi dây đồng hồ và che khuất các dây điện của màn hình và máy tính, giúp góc làm việc thêm gọn gàng, thẩm mỹ.
Ra lệnh bằng giọng nói.Giao diện màn hình chính của AGAMA Launcher đơn giản, mượt mà.Cuối cùng, mình không cần dùng 3 con điện trở và máy vẫn hoạt động tốt. Các mẫu máy khác có thể cần, nhưng với J2 Pro của mình thì không. Hi vọng bài viết này sẽ là nguồn cảm hứng để mọi người tận dụng thiết bị cũ, góp phần giảm rác thải công nghệ. Cảm ơn anh em đã quan tâm theo dõi. Tham khảo thêm tại: Website, Facebook, Telegram, YouTube, Group.