Mọi mẹ khi mang thai đều mong muốn cảm nhận những cử động đầu tiên của con, và theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng. Đó cũng là cách thể hiện tình cảm và sự kết nối giữa mẹ và bé.
Mọi mẹ khi mang thai đều mong muốn cảm nhận những cử động đầu tiên của con (Ảnh: Freepik)
Cử động thai là gì? Làm thế nào để theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ qua cử động thai? Bác sĩ Bùi Thị Phương Loan từ Khoa Phụ sản, Đại học Y Dược TP. HCM sẽ giải đáp cho các mẹ thắc mắc này.
Cử động thai là gì?
Khi mẹ đi khám thai, hình ảnh siêu âm sẽ cho thấy cử động của em bé. Thông thường, mẹ sẽ cảm nhận cử động thai khi thai nhi khoảng 8 - 9 tuần tuổi và cảm nhận rõ nhất khi đi đo độ mờ da gáy.
Hình ảnh siêu âm khi đi khám thai sẽ cho thấy cử động của em bé (Ảnh: Freepik)
Cử động thai bao gồm các hành động như: đáp, đấm, nhào lộn, xoay trở người hoặc búng, sẽ được cảm nhận rõ nhất khi thai nhi 18 - 22 tuần tuổi. Thời điểm cảm nhận cử động thai sớm hay muộn phụ thuộc vào thành bụng của mẹ. Mẹ mang thai con so sẽ cảm nhận muộn hơn so với mẹ mang thai con rạ. Mẹ có thành bụng dày cũng sẽ cảm nhận muộn hơn so với mẹ có thành bụng mỏng và mềm.
Việc theo dõi cử động thai thường tập trung vào nhóm mẹ có thai mắc các nguy cơ như thai chậm tăng trưởng, thai suy dinh dưỡng, đái tháo đường, tiền sản giật, hoặc các vấn đề về cao huyết áp. Tuy nhiên, các mẹ có thai bình thường cũng nên theo dõi cử động thai để cảm nhận sự phát triển của bé và phát hiện sớm những điều bất thường.
Làm thế nào để theo dõi sự phát triển của bé thông qua cử động thai?
Thai nhi thường có chu kỳ thức ngủ trung bình từ 20 - 40 phút, có khi lên tới 90 phút. Tần suất cử động thai trong 1 giờ phụ thuộc vào giai đoạn phát triển và chu kỳ hàng ngày của bé. Đặc biệt, tần suất này còn phụ thuộc vào mức độ hoạt bát của bé.
Tần suất cử động thai còn phụ thuộc vào mức độ hoạt bát của bé (Ảnh: Freepik)
Theo khuyến nghị của các chuyên gia, một thai nhi khỏe mạnh sẽ thường có ít nhất 10 cử động trong 2 tiếng hoặc ít nhất 4 cử động trong 1 tiếng. Mẹ có thể ngồi thư giãn sau bữa ăn, đặt tay lên bụng và đếm cử động của em bé.
Nếu trong vòng 1 tiếng đã đếm được 4 cử động, điều này cho thấy em bé đang phát triển khỏe mạnh. Nếu đã qua 1 tiếng mà chưa đủ 4 cử động, hãy đếm thêm 1 tiếng nữa. Sau 2 tiếng, nếu vẫn chưa đếm được 10 cử động, hãy uống nước trái cây, nghe nhạc nhẹ hoặc nằm nghiêng sang bên trái và đếm lại. Nếu vẫn không đủ 10 cử động sau 2 tiếng, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Bác sĩ làm gì khi phát hiện cử động thai không bình thường?
Khi cần thiết, bác sĩ sẽ đo cử động thai, nhịp tim và cơn co của tử cung. Dựa vào các thông số này, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng của thai nhi. Bác sĩ cũng có thể sử dụng siêu âm để kiểm tra các yếu tố khác như lượng nước ối, cân nặng và mạch máu của em bé.
Trong hầu hết các trường hợp, mẹ là người nhận biết được tình trạng của thai nhi. Hãy dành thời gian hàng ngày để đếm cử động thai và theo dõi sự phát triển của con.
[Nguồn click='1'][nguồn]https://www.youtube.com/watch?v=G00Uybzt7OA [/nguồn][/Nguồn]