Tạo bài văn Mùa Xuân Nhỏ trang 55 Sách Giáo Khoa Văn Lớp 9. Câu 3. Phân tích đoạn thơ 'Ta làm con chim hót... Dù là khi tóc bạc'. Đoạn thơ này mang lại cho em cảm nhận gì về ý nghĩa cuộc sống của từng người.
ND chính
Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời, thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước, góp một “mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. |
Bố cục
Bố cục: 4 phần
- Khổ 1: Cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên.
- Khổ 2 + 3: Cảm xúc về mùa xuân của đất nước.
- Khổ 4 + 5: Ước nguyện của tác giả.
- Khổ 6: Lời ngợi ca quê hương đất nước qua điệu dân ca xứ Huế.
Câu 1
Câu 1 (trang 57 SGK Ngữ văn 9, tập 2)
Đọc nhiều lần bài thơ và tìm hiểu mạch cảm xúc trong bài (gợi ý: từ cảm xúc về thiên nhiên, đất nước dẫn đến suy nghĩ, ước nguyện của tác giả). Từ việc nhận ra mạch cảm xúc, hãy nêu bố cục của bài thơ.
Trả lời:
Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được triển khai theo mạch cảm xúc như sau:
Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, mạch cảm xúc và tư tưởng của tác giả dẫn đến mùa xuân của đất nước, của cách mạng và sau cùng là mùa xuân nho nhỏ của mỗi con người trong mùa xuân lớn của đất nước. Nói một cách khác, cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên đất nước trong lao động và chiến đấu, nghĩ về đất nước vất vả gian lao nhưng vẫn đi lên phía trước, nhà thơ nêu lên ước nguyện làm một mùa xuân nho nhỏ dâng cho đời, góp vào mùa xuân lớn của đất nước.
Bài thơ có thể chia làm 4 phần:
- Phần 1 ( khổ thơ đầu): cảm xúc tác giả trước mùa xuân thiên nhiên, đất trời
- Phần 2 (hai khổ thơ tiếp): hình ảnh mùa xuân qua người cầm súng và người ra đồng
- Phần 3 (hai khổ thơ tiếp): ước nguyện chân thành được cống hiến của tác giả
- Phần cuối (khổ cuối): Tình yêu xứ Huế.
Câu 2
Câu 2 (trang 57 SGK Ngữ văn 9, tập 2)
Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả như thế nào qua những hình ảnh, màu sắc, âm thanh trong hai khổ thơ đầu?
Trả lời:
- Khổ thơ đầu với sáu dòng thơ đã mở ra khung cảnh mùa xuân thiên nhiên tươi đẹp:
+ Hình ảnh: con chim hót, một bông hoa, dòng sông
=> Thiên nhiên tươi đẹp, trong veo khi đất trời vào xuân.
+ Màu sắc: tím, xanh, trong
=> Gợi nên không gian khoáng đạt, tinh khôi.
Cảm xúc bồi hồi, rộn ràng của tác giả trước cảnh vật thiên nhiên xứ Huế:
+ Tác giả trân trọng sự sống (tôi đưa tay tôi hứng)
+ Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, các yếu tố hữu hình, cảm nhận bởi nhiều giác quan.
- Khổ thơ thứ hai thể hiện tình yêu với mùa xuân đất nước:
+ Mùa xuân đất nước cụ thể hóa bằng hình ảnh người cầm súng, người ra đồng
+ Suy ngẫm và chiêm nghiệm của tác giả khi nhìn thấy 'lộc' từ mùa xuân đất nước
+ Từ láy 'hối hả' và 'xôn xao' thể hiện nhịp phát triển, thời kì mới của đất nước
+ So sánh đất nước với vì sao: sự trường tồn vững bền của đất nước
⇒ Hình ảnh mùa xuân tự nhiên và đất nước đối sánh với nhau qua lăng kính yêu cuộc đời, khao khát sống của tác giả.
Bài 3
Câu 3 (trang 57 SGK Ngữ văn 9, tập 2)
Phân tích đoạn thơ 'Ta làm con chim hót... Dù là khi tóc bạc' (chú ý những hình ảnh biểu tượng, từ ngữ và cách diễn đạt rất gợi cảm thể hiện một ước nguyện chân thành của tác giả). Đoạn thơ ấy gợi cho em những cảm nghĩ gì về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người.
Trả lời:
- Khổ thơ thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ:
- Hình ảnh:
+ Con chim hót, một cành hoa: nguyện ước muốn sống có ích và được cống hiến.
+ Nốt trầm: âm thanh nâng đỡ những âm thanh khác, cống hiến thầm lặng.
- Biện pháp nghệ thuật:
+ Điệp ngữ 'ta làm' thể hiện khát khao chân thành được hòa nhập vào cuộc sống, góp phần vào cuộc đời chung, của đất nước.
+ Ẩn dụ: con chim, cành hoa, nốt trầm ẩn dụ cho những điều đẹp đẽ của cuộc đời.
→ Khổ thơ thể hiện ước nguyện cống hiến chân thành của tác giả cho cuộc đời, cho đất nước.
- Cuộc sống của mỗi người: cần biết cống hiến và cho đi để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
Bài 4 => 5
Câu 4 (trang 57 SGK Ngữ văn 9, tập 2)
Bài thơ có nhạc điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Những yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, điệp ngữ,... đã được sử dụng như thế nào để tạo được nhạc điệu ấy?
Trả lời:
- Thể thơ ngũ ngôn: gần gũi với các làn điệu dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung, vốn có âm hưởng dìu dặt, nhẹ nhàng, tha thiết; ở đây, Thanh Hải lại khéo dùng lối gieo vần liền giữa các khổ thơ đã tạo thành sự liền mạch cảm xúc cho cả bài thơ.
- Hình ảnh: những hình ảnh đẹp của thiên nhiên, những hình ảnh tự nhiên và giản dị giàu ý nghĩa tượng trưng khái quát để nói lên ước nguyện thiết tha của mình.
- Giọng điệu: giọng điệu bài thơ có sự biến hóa phù hợp đoạn đầu vui tươi say mê, trầm lắng, nghiêm trang ở đoạn giữa và sôi nổi thiết tha ở đoạn khép lại.
=> Nhìn chung, Mùa xuân nho nhỏ được cấu tứ chặt chẽ với giọng điệu thể hiện đáng trân trọng, cảm xúc chân thành tha thiết của tác giả.
Câu 5 (trang 57 SGK Ngữ văn 9, tập 2)
Em hiểu thế nào về nhan đề Mùa xuân nho nhỏ? Hãy nêu chủ đề của bài thơ.
Trả lời:
- Đây là một nhan đề độc đáo, mới lạ với sự kết hợp của danh từ 'mùa xuân' và tính từ 'nho nhỏ'.
- Thể hiện vẻ đẹp của đất trời khi nhắc tới mùa xuân.
- Thể hiện ước nguyện chân thành của tác giả: ví mình như là một mùa xuân nhỏ bé để cống hiến cho mùa xuân lớn của cuộc đời.
Thực hành
Bình luận khổ thơ đầu:
Mở đầu bài thơ, tác giả đã phác họa lên một bức tranh mùa xuân trước mắt chúng ta giữa khung cảnh thiên nhiên và đất trời, vũ trụ:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời...
Khung cảnh mùa xuân dần dần được hiện ra với một vẻ đẹp thật bình dị, đơn sơ nhưng cũng không kém phần nên thơ và sâu sắc. Ở đây, mùa xuân của Thanh Hải đến với ta không rực rỡ kiêu sa với cành đào Hà Nội, với những nụ mai vàng đang phô trương sắc thắm, mà chỉ đơn giản là một bông hoa tím đang mọc lên giữa dòng sông nước xanh như ngọc. Cành hoa nghiêng mình xuống mặt nước tựa như gương ấy để nổi bật lên trên một khung trời được in bóng dưới lòng sông, với màu sắc thật nhẹ, thật hài hòa mà cũng rất dễ thương, Thanh Hải đã tạo nên cho bức tranh mùa xuân của mình một nét gì đó vô cùng độc đáo. Và bức tranh ấy lại càng được đẹp hơn, có 'hồn' khi cái màu tím kia được nhà thơ tô đậm lên thành 'tím biếc'. Gam màu ấy đã được tô vẽ vào bức tranh thật khéo léo, tài tình, làm cho người đọc chúng ta có thể hình dung ra ngay trước mắt cả một bông hoa tím biếc, thật nhỏ, thật xinh, nhưng dường như cũng có đủ khả năng để nhuộm tím cả bầu trời, cả không gian mùa xuân đang căng tràn sức sống. Cái màu tím ấy lan ra, chơi vơi, và khẽ lay động theo những ngọn gió xuân đang thổi lên từ lòng sông xanh mát rượi. Cảnh vật mùa xuân trong bài thơ có lẽ cũng bình dị, giản đơn, và thâm trầm, tĩnh lặng như vùng đất miền Trung quê hương tác giả. Xứ Huế vốn nổi tiếng mộng mơ với núi Ngự sông Hương, với những điệu hò mái nhì mái đẩy, giờ lại càng thêm xinh đẹp dưới ngòi bút tô vẽ của nhà thơ...