Phần 1
I. THỰC HÀNH TÌM HlỂU YẾU TỐ NGHỊ LUẬN TRONG ĐOẠN VĂN TỰ SỰ
Câu 2 (trang 160 SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)
Trong đoạn văn trên, yếu tố nghị luận thể hiện trong những câu nào? Chỉ ra vai trò của các yếu tố ấy trong việc làm nổi bật nội dung của đoạn văn.
Trả lời:
- Câu chuyện kể về hai người bạn cùng đi trên sa mạc.
- Yếu tố nghị luận chủ yếu được thể hiện:
+ 'Những điều viết trên cát sẽ mau chóng xóa nhòa ...'
+ Câu kết: 'Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá'.
- Yếu tố nghị luận này làm cho câu chuyện thêm sâu sắc, giàu tính triết lí và có ý nghĩa giáo dục cao. Bài học rút ra từ câu chuyện này có thể nêu bằng nhiều cách khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là bài học về bao dung, lòng nhân ái, biết tha thứ và ghi nhớ ân nghĩa, ân tình...
II. THỰC HÀNH VIẾT ĐOẠN VĂN TỰ SỰ CÓ SỬ DỤNG YẾU TỐ NGHỊ LUẬN
Câu 1
Câu 1 (trang 161 SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)
Viết đoạn văn kể lại buổi sinh hoạt lớp. Trong buổi sinh hoạt lớp, em đã phát biểu ý kiến chứng minh Nam là người bạn rất tốt.
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
a) Buổi sinh hoạt lớp diễn ra như thế nào? (thời gian, địa điểm, ai là người điều khiển, không khí của buổi sinh hoạt lớp ra sao,...).
b) Nội dung của buổi sinh hoạt la gì? Em đã phát biểu về vấn đề gì? Tại sao lại phát biểu về việc đó?
c) Em đã thuyết phục cả lớp rằng Nam là người bạn rất tốt như thế nào? (lý lẽ, ví dụ, lời phân tích).
Bài mẫu:
Em vẫn nhớ như ngày hôm qua, về buổi sinh hoạt vào thứ 6 cách đây ba tuần trước. Không khí trong lớp hôm đấy thật nặng nề. Nguyên nhân là do hai bạn Nam và Vũ có xảy ra cãi vã vì hôm đó bạn Vũ có đem theo tiền đóng học để đợi cuối giờ nộp cho cô, Vũ đã nói việc này cho Nam biết. Sau giờ thể dục Vũ vào lớp phát hiện số tiền đã bị mất. Vũ đã đổ tội cho Nam. Nam thanh minh không được nên xảy ra cãi vã. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Nam. Cô giáo hỏi cả hai bạn. Em đã đứng dậy nói với cô Nam là một người tốt. Nam thường xuyên tiết kiệm tiền để ủng hộ các gia đình khó khăn trong thôn. Không chỉ vậy Nam còn thường xuyên cho các em học sinh lớp dưới có hoàn cảnh thiếu thốn sách vở. Do vậy, em gợi ý cô giáo bảo bạn Vũ kiểm tra một lần nữa thật kĩ càng. Cuối cùng sau một hồi tìm lại kĩ càng trong cặp sách Vũ đã phát hiện ra tập tiền kẹp trong một cuốn sách. Vũ vội vàng xin lỗi Nam. Nam nhìn em với ánh mắt đầy sự biết ơn.
Câu 2
Câu 2 (trang 161 SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)
Viết về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giản dị mà người bà kính yêu đã làm cho tôi cảm động (trong đoạn văn có sử dụng yếu tố nghị luận)
Lời giải chi tiết:
Gợi ý:
a) Người tôi kể là ai?
b) Người đó đã để lại một việc làm, lời nói hay một suy nghĩ? Điều đó diễn ra trong hoàn cảnh nào?
c) Nội dung cụ thể là gì? Nội dung đó giản dị mà sâu sắc, cảm động như thế nào?
d) Suy nghĩ về bài học rút ra từ câu chuyện trên.
Bài mẫu:
Bà tôi năm nay đã già, mắt bà đã mờ và đôi chân yếu đi rất nhiều. Với tôi, bà là người thầy lớn, dạy tôi những điều hay lẽ phải trong cuộc đời. Mỗi lần trở về quê hương, tôi hạnh phúc khi nắm bàn tay hao gầy nhưng tràn đầy hơi ấm của bà, lắng nghe những câu chuyện bà kể. Từ thuở bé, tôi thích nhất khi được trở về khu vườn của bà nơi đầy ắp những trái cây ngon nhưng bà chẳng bao giờ bán mà thường để dành khi chín, chia cho những đứa trẻ quanh nhà. Tôi thắc mắc tại sao bà không bán lấy tiền, bà cười hiền hậu và nói: Những đứa trẻ đó nhà chúng nghèo lắm, nhà nghèo nên chúng chẳng được ăn những trái cây ngon bao giờ. Chia sẻ với người khác là nhân thêm niềm vui cho mình. Trong cuộc sống, ai cũng có những lúc khó khăn, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Không những vậy, bà còn dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo ven đê không được đến lớp. Ngôi nhà nhỏ của bà vì vậy lúc nào cũng rộn tiếng cười nói trẻ thơ. Tôi nghe theo lời bà dạy, đã xin những bộ sách cũ của những người bạn học từ thành phố về để chia cho những người bạn nơi làng quê. Các bạn rất quý tôi và thường rủ tôi đi chơi quanh làng sau những buổi chiều tan học.Vào những đêm trăng sáng, bà còn thường kể tôi nghe những câu chuyện cổ tích, về sự tham lam của người anh trong truyện Cây khế đã phải giá bằng tính mạng của mình, về lão phú ông trong truyện cổ tích Cây tre trăm đốt chỉ biết làm giàu cho mình từ sức lao động của anh Khoai nên cuối cùng mới bị anh Khoai trả đũa. Lòng nhân ái, biết sẻ chia của con người sẽ khiến cuộc sống bớt đi những khổ đau, khiến mọi người gần lại với nhau hơn và chan chứa tình người.Bài học từ thuở bé nhưng mãi là hành trang theo tôi bước vào đời, tôi luôn ghi nhớ lời dạy sâu sắc bà dạy để đối xử với mọi người quanh tôi, để nhận lại được những nụ cười và hạnh phúc đầy ấm áp. Người với người sống để yêu nhau, bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.