Bên ngoài, các audiophile và những người yêu thích vẫn sẵn sàng chi tới 200 USD cho một cuộn băng cassette mới nguyên, mặc dù đã ngừng sản xuất từ lâu bởi TDK. Đối với TDK, họ hiện nay là một gã khổng lồ trong ngành pin phục vụ công nghệ.
Giám đốc điều hành Noboru Saito nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times: “Sau khi rút khỏi lĩnh vực sản xuất băng cassette, sự nhận thức về thương hiệu của chúng tôi trong mắt người tiêu dùng đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, đóng góp của chúng tôi cho xã hội lại tăng lên. Điều đó thực sự là một nghịch lý mà tôi cảm nhận được.”
Kể từ khi thành lập vào năm 1935, dưới hình thức một công ty sản xuất lõi ferrite để cải thiện truyền tín hiệu đài phát thanh, TDK hiện là một tập đoàn có giá trị vốn hóa 24 tỷ USD, là nhà cung cấp pin cho smartphone hàng đầu thế giới. Họ cũng chiếm một vị trí quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ như cảm biến xe hơi và bộ lưu điện.“TDK hiện đang sở hữu công nghệ cốt lõi và nhờ vào văn hóa kinh doanh linh hoạt, họ có khả năng nắm bắt cơ hội tham gia thị trường AI và các công nghệ khác.”Sự linh hoạt này đồng nghĩa với việc, tầm ảnh hưởng của TDK đối với chuỗi cung ứng pin toàn cầu đã mở rộng ra ngoài giới hạn công ty. Việc mua lại ATL vào năm 2005 là một ví dụ điển hình. Đến năm 2011, ATL dưới sự lãnh đạo của nhà sáng lập Robin Zeng đã thành lập CATL (Contemporary Amperex Technology Co., Limited) để mở rộng hoạt động tại Trung Quốc, trong khi ATL vẫn đặt trụ sở tại Hong Kong. CATL hiện là nhà cung cấp pin cho xe điện lớn nhất thế giới. TDK giờ đã sở hữu cả ATL và CATL, cả hai đều có thỏa thuận sở hữu trí tuệ chéo và hợp tác sản xuất pin. Đối với ngành AI, CEO Saito dự đoán rằng “tỷ suất tăng trưởng sẽ rất cao”. Nhu cầu về năng lượng từ các pin dùng cho smartphone, laptop và chipset hỗ trợ AI có thể mang lại lợi ích cho TDK, với các công nghệ pin và vật liệu phát triển và sản xuất bởi họ. Hiện tại, đơn hàng nguyên vật liệu cho sản xuất bán dẫn của TDK đã tăng mạnh sau khi hợp tác với “những tên tuổi lớn” trong ngành này.Thông qua ATL, TDK đã bắt đầu tung ra thị trường những cục pin lithium-ion mỏng hơn, với mật độ lưu trữ năng lượng cao hơn so với trước đây, đủ sức cung cấp cho điện thoại và laptop vận hành tính năng AI. Các kỹ sư của TDK đã đặt mục tiêu làm tăng mật độ lưu trữ năng lượng của các cục pin mới lên đến 40%. Tuy nhiên, CEO Saito cũng cảnh báo rằng sẽ mất một khoảng thời gian để cải thiện mật độ lưu trữ năng lượng trong pin của TDK thêm mười phần trăm.
Quay trở lại với hiện tại, ngoài kế hoạch tiến công vào các lĩnh vực kinh doanh mới, các nhà phân tích và nhà đầu tư đều ca ngợi CEO Saito với thành tựu tạo ra dòng tiền và đạt các mốc doanh thu đã đề ra, đồng thời ông cũng đang lên kế hoạch tối ưu hóa các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những nguy cơ tiềm ẩn do doanh thu của tập đoàn phụ thuộc quá nhiều vào pin sạc. Theo Ryosuke Katsura, nhà phân tích tại SMBC Nikko, 'TDK cần thuyết phục nhà đầu tư rằng họ có thể hoàn thành kế hoạch bằng cách giảm phụ thuộc vào doanh thu từ pin smartphone và phát triển các lĩnh vực kinh doanh khác đồng thời đạt được mục tiêu đề ra.'
TDK đạt doanh thu khoảng 13 tỷ USD vào năm ngoái, với 90% số này đến từ thị trường ngoài Nhật Bản. Hiện nay, tại Ấn Độ, TDK đã xây dựng một nhà máy sản xuất pin lithium-ion để cung cấp cho các thiết bị công nghệ của Apple. Tuy nhiên, như một tập đoàn Nhật Bản, TDK đang phải đối mặt với những căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là về mặt doanh thu từ Trung Quốc, nơi chiếm 50% tổng doanh thu và cũng là nguồn cung cấp tài nguyên đất hiếm lớn mà TDK phải phụ thuộc để sản xuất các sản phẩm và nguyên liệu phục vụ thị trường công nghệ.'
CEO Saito cho biết: 'Chúng tôi không thể kiểm soát các vấn đề chính trị' và cho rằng tập đoàn đang tìm cách giảm thiểu rủi ro và nguồn cung cấp không đầy đủ bằng cách ký kết các thỏa thuận hợp tác và các hợp đồng cung cấp nguyên liệu thô có thời gian dài hơn. Đối với ông Saito và TDK, giai đoạn kinh doanh tiếp theo sẽ phụ thuộc vào khả năng tiếp tục đem đến các sáng kiến công nghệ sáng tạo như trước.
Một trong những sáng kiến đó là pin thể rắn, sử dụng chất điện ly rắn gốc gốm, cải tiến năng lượng lưu trữ so với công nghệ pin sử dụng điện ly lỏng. Nhờ đó, thời gian sử dụng thiết bị công nghệ có thể được cải thiện hoặc công suất hoạt động có thể tăng cao hơn, cải thiện hiệu suất xử lý.
Tuần trước, TDK đã gây bất ngờ khi phát triển thành công cục pin thể rắn với điện cực gốc gốm này, giúp các thiết bị điện tử tiêu dùng có kích thước nhỏ hơn nhiều so với hiện tại. So với các giải pháp pin thể rắn đang được nghiên cứu bởi các công ty khác, cục pin này có thể lưu trữ năng lượng cao gấp 100 lần và so với pin sử dụng chất điện ly lỏng, cục pin này có thể lưu trữ năng lượng cao gấp đôi.
Công nghệ pin thể rắn gốc gốm mới của TDK áp dụng chất điện ly rắn oxide, kết hợp với điện cực làm từ hợp kim lithium. Kết quả là TDK đã giải quyết thành công bốn thách thức quan trọng của công nghệ mới: tăng khả năng lưu trữ năng lượng, giảm kích thước pin, kéo dài tuổi thọ pin và nâng cao sự ổn định và an toàn của sản phẩm.
Tuy nhiên, một trong những thách thức đầu tiên đối với việc 'phóng to' các cục pin thể rắn như của TDK để tạo ra sản phẩm có đủ kích thước và năng lượng cho điện thoại hay thậm chí là ô tô điện là việc các cục pin thể rắn gốc gốm thường dễ bị nứt vỡ. Kevin Shang từ Wood Mackenzie chỉ ra rằng, những yếu tố cơ học, khó khăn trong sản xuất và chi phí là những rào cản hiện tại khiến chúng ta chưa thể có được smartphone sử dụng pin thể rắn.'
Lịch sử của TDK:
- 1930: Hai giáo sư đại học Tokyo, Yogoro Kato và Takeshi Takei phát minh ra vật liệu ferrite từ tính.
- 1935: Kenzo Saito mua bản quyền sở hữu trí tuệ về vật liệu ferrite từ hai nhà khoa học, và thành lập công ty Tokyo Denki Kagaku Kogyo.
- 1940: Bắt đầu sản xuất thương mại lõi ferrite dùng trong radio để cải thiện khả năng thu phát sóng.
- 1951: Lõi ferrite cho bộ thu phát sóng truyền hình ra mắt.
- 1953: Băng từ thu âm “Synchro Tape” ra mắt thị trường.
- 1966: Cuộn băng cassette đầu tiên của TDK ra mắt, hai năm sau đó là những cuộn băng SD phục vụ ngành công nghiệp thu âm.
- 1978: TDK ra mắt băng từ VHS và Betamax.
- 1987: Ra mắt đầu từ film mỏng, cho phép thu nhỏ kích thước máy tính điện toán và dung lượng lưu trữ của băng từ cao hơn.
- 1992: Ra mắt đĩa CD-R có thể ghi đè dữ liệu.
- 2005: TDK mua lại nhà sản xuất pin Hong Kong Amperex Technology, ATL.
- 2007: Mảng marketing và kinh doanh thiết bị lưu trữ media của TDK được bán lại cho Imation.
- 2014: TDK rút hoàn toàn khỏi thị trường sản xuất thiết bị lưu trữ thu âm ghi hình.
- 2016-2017: Liên tục mua lại nhiều công ty như nhà sản xuất cảm biến Đức Micronas Semiconductor.
- 2024: Tuyên bố tạo ra được đột phá về pin thể rắn.
Theo FT