Xương cá đâm xuyên vào thành dạ dày
Theo bà N., kể lại, trước đó bà hoàn toàn khỏe mạnh, chỉ khoảng một tuần nay bà ho nhiều, ho khan, đau rát họng, hơi đau bụng và buồn nôn. Nghĩ mình chắc bị trào ngược dạ dày nên bà tự ý mua thuốc uống ở nhà. Đến sáng 21/08, bà đột ngột thấy đau nhiều vùng thượng vị, đau quặn từng cơn không chịu được và bà được người thân giới thiệu đến Bệnh viện Đa khoa Mytour để khám.
Sau khi tiếp nhận ca bệnh, BS Đoàn Thu Hương - Bệnh viện Đa khoa Mytour đã khai thác tiền sử và thực hiện đầy đủ các phương pháp thăm khám bao gồm các xét nghiệm cận lâm sàng, nội soi tai-mũi-họng và nội soi dạ dày để tìm hiểu kĩ nguyên nhân khiến bệnh nhân đau bụng, buồn nôn và ho khan
Khi thăm nội soi, bác sĩ phát hiện dạ dày của bệnh nhân đã bị phù nề, sung huyết nhiều. Đặc biệt, vùng hang vị thấy niêm mạc phù nề, sung huyết kèm vài trợt nông và có dị vật đâm xuyên thành dạ dày thủng xuống hành tá tràng.
Hình ảnh từ nội soi cho thấy mảnh xương cá đâm xuyên qua thành dạ dày.
Ngay lập tức, bác sĩ đã tiến hành gắp dị vật ra ngay cho bệnh nhân. Đó là một xương cá dài 5cm.
Mảnh xương cá dài 5cm được gắp ra trong quá trình nội soi.
Sau khi nội soi gắp thành công xương cá ra khỏi dạ dày, qua kiểm tra lại bệnh nhân đã thấy đỡ đau bụng, không còn cảm giác buồn nôn, được kê thuốc điều trị, xuất viện ngay trong ngày và hẹn tái khám sau 1 tuần.
Hóc phải xương cá bệnh tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng nguy hiểm
Khi biết mình bị xương cá đâm xuyên dạ dày cô N., vô cùng bất ngờ và không nghĩ rằng một mảnh xương cá nhỏ lại khiến cô đau đớn như vậy.
Trao đổi với BS Hương về vấn đề này, bác sĩ cho biết: “Cá là một loại thực phẩm rất nhiều chất dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe bởi trong cá có nguồn đạm quý với đủ các acid amin cần thiết, trong đó hàm lượng lysin, tirozin, tryptophan, systin, methionin cao hơn thịt. Tuy nhiên, trong cá có rất nhiều các loại xương, nếu khi ăn chúng ta không lọc kĩ có thể vô tình bị hóc. Tùy từng vị trí có thể sẽ gây nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời”.
Xương cá là dị vật có thể mắc ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa (từ miệng đến hậu môn) và gây nên những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Nếu xương mắc ở vùng miệng họng, thực quản, dạ dày, sẽ được các bác sĩ tiến hành nội soi gắp ra, khi xương qua được vị trí dạ dày có thể đi xuống những phần dưới của ống tiêu hóa như ruột non, ruột già.
Xương cá bị mắc ở vùng miệng họng hoặc thực quản là phổ biến nhất
Trường hợp nhẹ và may mắn, xương cá được thức ăn bao bọc và ra ngoài theo phân. Nếu xương to, góc cạnh hoặc di chuyển lệch hướng một chút thôi cũng có thể đâm vào thành ruột gây dị vật tại đó. Khi đó, tại vị trí mắc xương cá, thành ruột phù nề, viêm nhiều, tạo ổ viêm, ổ áp xe, thậm chí có thể hoại tử gây thủng ruột. Có người lại sống nhiều năm với ổ áp xe lớn tạo đám quánh tại dạ dày, ruột mà chẩn đoán dễ nhầm với ung thư dạ dày, ung thư đại tràng khi nội soi. Có trường hợp, xương mắc tại lưỡi lại chẩn đoán nhầm với ung thư lưỡi khi thăm khám đơn thuần, chưa làm thêm chụp chiếu. Đương nhiên những trường hợp như vậy là không nhiều.
Thậm chí, dị vật có thể xuyên thủng qua thành ống tiêu hóa để vào ổ bụng gây tổn thương các cơ quan khác, mạch máu lớn xung quanh ruột. Cụ thể, xương cá có thể gây thủng các mạch máu lớn lân cận như động - tĩnh mạch cảnh, động mạch chủ ngực, tĩnh mạch chủ bụng. Các biến chứng về mạch máu của xương cá có thể rất nặng nề và tỉ lệ tử vong rất cao. Đây là những biến chứng nặng và thường phải phẫu thuật sớm, nếu không được chẩn đoán, xử trí cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Để tránh những biến chứng đáng tiếc trên, các bác sĩ khuyến cáo: khi ăn uống, đặc biệt là những thực phẩm có xương như cá, gà… người dân nên nhai kỹ, lựa xương cẩn thận. Nếu không may nuốt phải xương đừng cố nuốt hoặc không tự ý móc bỏ xương mà cần đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và xử trí sớm. Qua đó, tránh trường hợp dị vật đi sâu xuống hệ tiêu hóa, gây đâm thủng thành ống tiêu hóa.