Sóc Trăng là nơi hòa quyện của nhiều nền văn hóa đa dân tộc, tạo nên sự độc đáo lôi cuốn du khách mỗi khi ghé thăm vùng đất này. Điều đặc biệt nhất phải kể đến là quần thể kiến trúc tâm linh với hơn 200 ngôi chùa của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer trên khắp tỉnh. Bên cạnh Phật giáo Nam tông, ở đây còn có nhiều ngôi chùa theo hệ phái Bắc Tông như chùa Vĩnh Hưng, chùa Đại Giác, Thiền viện Trúc Lâm, Phước Lâm Tự Sóc Trăng và nhiều ngôi khác.
Lịch sử xây dựng của Phước Lâm Tự Sóc Trăng
Phước Lâm Tự Sóc Trăng nằm tại số 76 ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên cách trung tâm thành phố khoảng 6.2 km. Ngôi chùa này được Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Cơ khai sơn vào năm 1886. Ban đầu, nơi đây chỉ là một tự đơn sơ được xây dựng trên nền đất công và có mặt tiền hướng về phía Bắc.
Năm 1905 sau khi Đại lão Hòa thượng nhập Niết-bàn, các vị sư từ nơi khác đến trụ trì chùa nhưng do duyên số ít nên gần như không có ai ở lâu. Cho đến năm 1940 khi Hòa thượng Thích Huệ An đến làm trụ trì, ngôi chùa đã rơi vào tình trạng xuống cấp nặng, buộc phải trùng tu xây dựng lại. Sau khi tu sửa, Hòa thượng Thích Huệ An đã quay mặt tiền chùa về hướng Đông để thuận tiện cho Phật tử, tăng bá tánh đến thăm chùa.
Sau khi Hòa thượng Thích Huệ An ra đi, với sự đề cử của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban hộ tự và Phật tử đã thỉnh nguyện Thượng tọa Thích Giác Thời về Phước Lâm Tự Sóc Trăng làm trụ trì từ năm 1988 đến nay. Một năm sau đó, trong lần khai quật đất, Hòa thượng đã phát hiện ra mộ Tổ trong khuôn viên chùa. Sau khi khai quật mộ, Hòa thượng Thích Giác Thời đã xây dựng ngôi Bảo Tháp để lễ thỉnh cốt sư Tổ. Ngoài ra, bà con Phật tử cũng có thể mang tro cốt của người thân vào đặt trong ngôi Bảo Tháp để cầu nguyện cho linh hồn thân nhân được siêu thoát.
Bên cạnh đó, Phước Lâm Tự Sóc Trăng còn là nơi nuôi dưỡng cán bộ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Phước Lâm Tự Sóc Trăng là nơi gắn bó với đời sống tín ngưỡng lâu đời của cư dân vùng Mỹ Xuyên
Hướng dẫn cách đến Phước Lâm Tự Sóc Trăng
Phước Lâm Tự Sóc Trăng chỉ cách trung tâm thành phố hơn 6 km, rất thuận tiện cho việc thăm viếng trong ngày. Từ trung tâm thành phố, bạn đi theo đường Lê Hồng Phong đến vòng xoay giao với đường An Dương Vương, đi khoảng 1 km nữa là tới nơi.
Do gần nên bạn có thể đi taxi hoặc thuê xe máy Sóc Trăng để đến tham quan chùa. Trên đường này còn có chùa Ba Thắc, Quan Đế Thánh Miếu, chùa Wath HLuông Ba Sắc, chùa Bãi Xàu và nhiều điểm tham quan khác. Bạn có thể kế hoạch thêm vào lịch trình một ngày tham quan Sóc Trăng.
Có gì đặc biệt ở Phước Lâm Tự Sóc Trăng?
3.1 Phong cách kiến trúc độc đáo của Phước Lâm Tự Sóc Trăng
Phước Lâm Tự Sóc Trăng nằm trên mảnh đất rộng 9.000 m2 với nhiều công trình kiến trúc ấn tượng. Bước vào từ cổng, bạn sẽ thấy Đại hùng Bửu điện gồm 1 trệt, 1 lầu được khánh thành vào năm 2013. Trước Bửu điện là tượng phật Quan Âm ngự trên sen được đặt trên 9 bậc thềm cao, hướng về phía Đông.
Giống như những ngôi chùa ở Sóc Trăng theo Phật giáo Bắc Tông khác, kiến trúc Đại hùng Bửu điện rất đơn giản và chỉ sử dụng 2 màu chủ đạo là hồng phớt và vàng nhạt. Tương tự như chính điện Chùa La Hán, trên mái Đại hùng Bửu điện có đặt tượng lưỡng long chầu nguyệt và bánh xe pháp luân ngự đài sen ở giữa mái ngói.
Bước vào bên trong, không gian của Phước Lâm Tự Sóc Trăng được trang trí với những bao lam, câu đối và bức tranh đắp nổi trên trần nhà. Phần chính của chánh điện là nơi thờ tự Phật Thích Ca, Đạt Ma Sư tổ, Phật nghìn mắt nghìn tay, Tiêu Diện Đại Sĩ, Tam Thế Phật, Phật Thích Ca... Ngoài ra, còn có các bức tranh kể về sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa và quá trình ngộ đạo của Ngài.
Bên cạnh Đại hùng Bửu điện, trong khuôn viên của Phước Lâm Tự Sóc Trăng còn có các công trình khác như mộ tháp, giảng đường, hậu tổ, phòng thuốc Đông y và nhiều tượng đài thờ Địa Tạng Vương, núi Phổ Đà Sơn, tượng đài Đức Thích Ca ngồi nhập định và nhiều tượng khác.
Đại hùng Bửu điện là công trình ấn tượng nhất trong khuôn viên của Phước Lâm Tự Sóc Trăng
Tượng lưỡng long chầu nguyệt và bánh xe pháp luân ngự trên mái Đại hùng Bửu điện
Tượng Quan Âm Bồ Tát trong khuôn viên của Phước Lâm Tự Sóc Trăng
Đài thờ Địa Tạng Vương có cặp kim long dẫn đường
3.2 Đặc điểm độc đáo của Phước Lâm Tự Sóc Trăng
Mặc dù thuộc Phật giáo Bắc Tông, tu sĩ ở Phước Lâm Tự Sóc Trăng lại tu theo hệ phái Khất sĩ, một sự kết hợp giữa hai phái Nam tông và Bắc tông phát sinh ở miền Nam Việt Nam. Dù theo truyền thống, những người tu hành theo hệ phái Khất sĩ nên tu tập trong Tịnh xá, nhưng để ghi nhớ công ơn của Hòa thượng Thích Huyền Cơ và vẫn giữ nguyên tên gọi Phước Lâm Tự Sóc Trăng.
Ngoài những ngày lễ truyền thống của Phật giáo, Phước Lâm Tự Sóc Trăng còn tổ chức các sự kiện tôn giáo như Lễ vía Quan Âm vào ngày 19 tháng 2, 6, 9 âm lịch, Lễ vu lan Phật Thích Ca thành đạo, Lễ húy kỵ Hòa thượng Thích Huyền Cơ và dâng cúng Pháp y được chư Tăng, Ni cùng đông đảo bà con Phật tử tham gia.
Không chỉ về hệ phái tu hành và các nghi lễ, Phước Lâm Tự Sóc Trăng còn là nơi chứng kiến nhiều câu chuyện tâm linh đặc biệt. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất là về thân nhân của một liệt sĩ từ Nghệ An, nhờ mơ thấy vong linh mà tìm đến Phước Lâm Tự Sóc Trăng để tìm hài cốt bị chôn vùi phía sau vườn chùa suốt 42 năm.
Phước Lâm Tự Sóc Trăng là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo như lễ vía Quan Âm, lễ vu lan...
Theo dõi hành trình của Yến Trần khi khám phá Phước Lâm Tự Sóc Trăng. Video: Yến Trần TV
Phước Lâm Tự Sóc Trăng, với lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo, hứa hẹn là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai tìm kiếm bình yên tại cửa Phật. Đừng quên ghi nhớ địa điểm này vào kế hoạch du lịch của bạn khi đến Sóc Trăng nhé.
Nguồn: Tổng hợp bởi Nhu Nguyen