Thần Dược (The Substance) đem đến một câu chuyện đầy giá trị qua thể loại body horror máu me và ghê rợn.
Sau một thời gian dài, khán giả Việt Nam mới có cơ hội thưởng thức một siêu phẩm kinh dị mãn nhãn như Thần Dược (The Substance). Bộ phim mang đến những giây phút căng thẳng, khi khắc họa những yếu tố nhạy cảm và bạo lực khủng khiếp, nhằm truyền tải thông điệp xã hội mạnh mẽ. Không giáo điều hay lý thuyết suông, tác phẩm này đánh trực tiếp vào tâm lý người xem để họ cảm nhận được nỗi niềm của nhân vật.
Ánh hào quang dần trở thành nỗi ám ảnh
Thần Dược xoay quanh cuộc sống của Elizabeth Sparkle (Demi Moore), một siêu sao Hollywood ở tuổi 50, đã qua thời kỳ hoàng kim. Cô bị giám đốc điều hành Harvey (Dennis Quaid) sa thải để thay thế bằng những người trẻ hơn. Để giữ lại ánh hào quang đã qua, Elizabeth đồng ý tiêm một loại thuốc được bán chui giúp “cải lão hoàn đồng”, tạo ra một phiên bản mới của chính cô – Sue (Margaret Qualley).

ADVERTISEMENT
Với vẻ đẹp rực rỡ và thân hình quyến rũ, Sue nhanh chóng gia nhập showbiz, trở thành ngôi sao mới của Hollywood, thay thế Elizabeth. Hành trình lấy lại ánh hào quang của Elizabeth chính là quá trình tái tạo lại sắc đẹp của cô thời trẻ. Sue không chỉ là hiện thân của mọi khát vọng mà Elizabeth khao khát, mà còn dần trở thành biểu tượng của những nỗi sợ hãi và ám ảnh không nguôi.
Bộ phim chứa đựng một chuỗi các chi tiết ẩn dụ, bắt đầu bằng ba hình ảnh tưởng chừng không liên quan nhưng lại gắn kết thành bi kịch: một ống tiêm, một quả trứng và một ngôi sao. Ống tiêm màu xanh chứa loại thuốc kỳ lạ để tạo ra biến thể Sue. Khi được tiêm vào, một dị tượng xuất hiện, lòng đỏ mới xuất hiện, tách rời khỏi lòng đỏ cũ.

Cảnh phim tiếp theo đưa chúng ta đến ngôi sao danh giá của Elizabeth Sparkle tại Đại lộ Danh vọng Hollywood. Đoạn phim ngắn ngủi khắc họa sự tàn nhẫn của ngành giải trí, khi người hâm mộ từng háo hức selfie cùng Elizabeth thì chẳng bao lâu sau, chẳng còn ai nhớ đến cô, thậm chí đồ ăn còn rơi vãi lên cái tên “Sparkle” – tượng trưng cho ánh sáng lấp lánh, cũng là lúc vinh quang của Elizabeth chính thức tắt lịm.
Tiêu chuẩn về cái đẹp trói buộc con người
Thần Dược truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về tiêu chuẩn cái đẹp trong xã hội hiện đại. Elizabeth nhận ra rằng tuổi tác và nhan sắc đã trở thành một bản án vô hình, đẩy cô ra khỏi thế giới hào nhoáng của ngành giải trí. Từ đó, bộ phim khai thác sự hỗn loạn và mất kiểm soát tâm lý của con người khi đối diện với sự ám ảnh về tuổi già.

Với thể loại body horror, những cảnh quay rùng rợn không chỉ gây ấn tượng mà còn phản ánh rõ ràng thông điệp mà nữ đạo diễn Coralie Fargeat muốn truyền tải. Thân thể biến dạng, các bộ phận cơ thể rơi ra ngoài không chỉ để gây sốc mà còn là lời cảnh báo về những hệ lụy khôn lường khi con người cố gắng vượt qua giới hạn tự nhiên của mình.
Suốt bộ phim, những chiếc gương và hình ảnh phản chiếu xuất hiện liên tục. Trong căn phòng tắm sáng choang, Elizabeth không ngừng nhìn vào cơ thể, nhan sắc của mình với vẻ chán ghét. Khi bước vào phòng khách, cô không thể ngừng cảm thấy tự ti trước vẻ ngoài tươi trẻ của Sue, và cuối cùng, cô quyết định hủy buổi hẹn hò khi thấy gương mặt xấu xí của mình phản chiếu trong tay cầm cửa.

Thần Dược không chỉ khai thác vẻ đẹp cơ thể đầy sức sống của Sue, mà còn làm nổi bật sự già nua, tuyệt vọng của Elizabeth. Sự đối lập này khắc họa mạnh mẽ khao khát vĩnh viễn giữ gìn tuổi thanh xuân. Bộ phim cũng chân thực miêu tả nỗi sợ hãi của những người già khi chứng kiến sự thay đổi của cơ thể, cùng với nỗi nuối tiếc về thời thanh xuân đã qua.
Đàn ông đôi khi lại trở thành thước đo để đánh giá giá trị của một người phụ nữ
Những cảnh quay gần gũi, táo bạo của Elizabeth và Sue không chỉ đơn thuần là để ca ngợi vẻ đẹp, mà thực sự giống như một sự bộc lộ thô thiển, có phần khiêu khích nhằm thu hút sự chú ý. Ý đồ của đạo diễn được thể hiện rõ trong cảnh Sue biểu diễn trước máy quay, khi những người đàn ông không ngừng tập trung vào những đường cong, đôi môi quyến rũ và ánh mắt đầy dụ dỗ.

Các động tác vũ đạo của Sue phô bày rõ nét sự gợi cảm, với những góc quay cận cảnh thể hiện sự tập trung vào những bộ phận nhạy cảm của cô. Thần Dược lên án cách mà đàn ông trong ngành giải trí luôn xem phụ nữ như đối tượng tình dục. Hình ảnh của giám đốc điều hành Harvey và các nhà sản xuất toát lên vẻ thô bỉ, đê hèn khi ánh mắt của họ luôn khao khát cơ thể của Sue.
Những cảnh quay từ góc nhìn của phụ nữ làm nổi bật nụ cười mỉa mai, hành động ăn uống thô bạo, hay việc hút thuốc của những gã đàn ông, từ đó phản ánh rõ thái độ phân biệt của họ. Ánh mắt của họ có thể là sự thèm thuồng, ngưỡng mộ nếu đối tượng là phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, nhưng lại là sự thờ ơ, khinh miệt khi đó là phụ nữ lớn tuổi hoặc xấu xí. Điều này khiến phụ nữ trở nên tự ti và ám ảnh với những chuẩn mực vẻ đẹp do đàn ông định đoạt.

“You are one” – Bạn là duy nhất
Những người đứng sau liều thuốc kỳ diệu không ngừng nhắc nhở Elizabeth rằng: “You are one”, dù cho đó là Elizabeth hay Sue đang sống. Thực tế, câu nói này là sự thật vì Sue chính là phần còn lại của Elizabeth. Họ có sự gắn kết sâu sắc, cả về thể chất lẫn tinh thần, và cần phải tìm ra cách để tồn tại cùng nhau.
Nếu là hai cá thể độc lập, Elizabeth sẽ không phải chịu đựng hy sinh cơ thể mình, vì cô không sở hữu những ký ức và trải nghiệm tuyệt vời mà Sue có. Tuy nhiên, dường như không có cách nào để đạt được sự cân bằng hoàn hảo giữa họ. Khi sống dưới hình hài Sue, cô càng chán ghét cơ thể già nua của Elizabeth và tiếc nuối khoảng thời gian ngắn ngủi, vì Sue “xứng đáng” được sống thay thế.

Khi ở trong hình hài Elizabeth, cô càng cảm nhận được sự cô độc, từ đó nảy sinh sự đố kỵ với chính bản sao Sue của mình. Sự khác biệt về tuổi tác, ngoại hình và cách nhìn nhận của người khác dần tạo ra hai luồng suy nghĩ, hai nhân cách đối lập. Nguyên nhân chính là Elizabeth không nhận ra giá trị của bản thân, quên rằng mỗi giai đoạn trong cuộc đời đều mang một ý nghĩa và yêu thương chính mình mới là chìa khóa của hạnh phúc.
