- Bài viết này thảo luận về khái niệm thanh khoản trong lĩnh vực tài chính. Để tìm hiểu về thanh khoản trong các lĩnh vực khác, xem mục Thanh khoản.
Tính thanh khoản là một khái niệm tài chính mô tả khả năng mua hoặc bán một tài sản mà không làm thay đổi đáng kể giá của nó trên thị trường. Một tài sản có tính thanh khoản cao có thể được giao dịch nhanh chóng mà giá không bị giảm nhiều, thường đi kèm với khối lượng giao dịch lớn. Ví dụ, tiền mặt có tính thanh khoản cao vì có thể được sử dụng để mua hàng hóa mà giá trị không thay đổi nhiều. Các chứng khoán hay khoản nợ có tính thanh khoản cao nếu chúng dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt. Tính thanh khoản cũng được gọi là tính lỏng hoặc tính lưu động.
Phân loại theo mức độ thanh khoản
Trong kế toán, tài sản lưu động được phân thành năm loại và được sắp xếp theo thứ tự tính thanh khoản từ cao đến thấp, bao gồm: tiền mặt, đầu tư ngắn hạn, khoản phải thu, ứng trước ngắn hạn và hàng tồn kho.
Tiền mặt là tài sản có tính thanh khoản cao nhất, luôn sẵn sàng để thực hiện thanh toán, lưu thông, và tích trữ. Ngược lại, hàng tồn kho có tính thanh khoản thấp nhất vì cần phải qua quá trình phân phối và tiêu thụ để chuyển thành khoản phải thu, và từ khoản phải thu sau một thời gian mới có thể chuyển thành tiền mặt.