

Cầu Tháp Luân Đôn | |
---|---|
Vị trí | Khu tự quản Luân Đôn – phía Bắc: Tower Hamlets – phía Nam: Southwark |
Tuyến đường | A100 Tower Bridge Road |
Bắc qua | Sông Thames |
Tọa độ | |
Đơn vị quản lý | Bridge House Estates |
Tình trạng di sản | Grade I listed structure |
Thông số kỹ thuật | |
Kiểu cầu | Cầu rút, Cầu dây võng |
Tổng chiều dài | 244 mét (801 ft) |
Nhịp chính | 61 mét (200 ft) |
Độ cao gầm cầu
| 8,6 mét (28 ft) (đóng) 42,5 mét (139 ft) (mở) (cao theo triều cường) |
Lịch sử | |
Đã thông xe | 30 tháng 6 năm 1894; 130 năm trước |
Vị trí | |
Wikimedia | © OpenStreetMap |

Cầu Tháp Luân Đôn (tiếng Anh: Tower Bridge) là cây cầu kết hợp giữa cầu treo và cầu cất, nằm trên sông Thames ở Luân Đôn, thủ đô của Vương quốc Anh. Hoàn thành vào năm 1894, cây cầu nằm cạnh Tháp Luân Đôn, trở thành một biểu tượng nổi bật của thành phố và cả nước Anh. Đây là cây cầu cuối cùng trên sông Thames trong khu vực thành phố. Cầu thường bị nhầm lẫn với Cầu Luân Đôn (London Bridge), cách đó không xa về phía thượng lưu.
Quá trình hình thành
Vào giữa thế kỷ 19, sự gia tăng giao thương ở khu vực phía Đông London đã tạo ra nhu cầu cấp thiết cho một cây cầu mới để bổ sung cho Cầu London. Một cầu cố định theo kiểu truyền thống không thể đáp ứng được yêu cầu này vì nó sẽ cản trở lối vào các cảng nhỏ Pool of London, nằm giữa Cầu London và Tháp London vào thời điểm đó.
Năm 1876, một ủy ban nghiên cứu đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của ngài A.J.Altman để tìm ra giải pháp cho việc nối liền hai bờ sông Thames, xem xét việc xây dựng một Đường hầm hoặc Cầu đặc biệt. Mặc dù hơn 50 thiết kế đã được đưa ra, chỉ đến năm 1884, thiết kế của kiến trúc sư Horace Jones mới được chấp thuận. Công trình sư John Wolfe Barry là người thực hiện ý tưởng thiết kế.
Công trình bắt đầu vào năm 1886 và hoàn thành sau 8 năm với sự tham gia của 5 nhà thầu và 432 công nhân. Hai móng cầu khổng lồ, mỗi cái nặng 70.000 tấn bê tông, được đặt dưới lòng sông để nâng đỡ toàn bộ công trình. Hơn 11.000 tấn thép đã được sử dụng để xây dựng khung cho hai tháp và lối đi bộ, sau đó được bao phủ bằng granite từ Cornwall và đá pooclăng, hai loại đá này giúp bảo vệ kết cấu thép và tạo vẻ đẹp cho cây cầu.
Sau khi Horace Jones qua đời vào năm 1887, George D. Stevenson đã thay thế ông. Stevenson đã thay đổi thiết kế mặt cầu từ gạch thô sang kiến trúc Tân Gothic với nhiều họa tiết trang trí hơn, nhằm tạo sự hòa hợp với Tháp London gần đó. Diện mạo mới đã giúp cây cầu trở thành một biểu tượng nổi bật. Tổng chi phí xây dựng vào thời điểm đó lên tới 1.184.000 bảng Anh.
Cầu Tháp được Thái tử xứ Wales, sau này là Vua Edward VII, chính thức khánh thành vào ngày 30 tháng 6 năm 1894.
Cấu trúc

Cầu Tháp Luân Đôn dài 244m với hai tháp cao 65m. Nhịp cầu chính dài 61m, nằm giữa hai tháp, có khả năng nâng lên nhờ hai máy nâng, tạo thành góc 83 độ để tàu thuyền có thể di chuyển qua. Mỗi máy nâng nặng 1.000 tấn, được thiết kế đối trọng để giảm lực và có thể nâng lên trong 5 phút. Nhịp cầu hai bên là cầu treo dài 82m mỗi bên, với dây treo gắn vào các trụ đá và nối với đường đi bộ phía trên. Đường đi bộ nằm cách mặt sông 44m khi nước dâng, nơi du khách có thể thưởng ngoạn cảnh đẹp London từ trên cao và tìm hiểu về lịch sử cũng như hoạt động của cầu.
Cầu Tháp Luân Đôn phiên bản Trung Quốc
Tại Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc đã xây dựng một phiên bản nhái của Cầu Tháp Luân Đôn nổi tiếng. Dự án do Nguyễn Huỳnh Đức đầu tư với chi phí 11,44 triệu USD. Cầu tháp Luân Đôn giả này có 4 tháp và 2 làn đường lớn, không có khả năng nâng lên hay hạ xuống như phiên bản thật; trong khi Cầu Tháp Luân Đôn thật chỉ có 2 tháp. Điều này có nghĩa là phiên bản giả lớn gấp đôi so với cầu thật.
Hình ảnh
Cầu Tháp Luân Đôn khi mở







Hình ảnh cầu Tháp


















