Ngoài những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như biển Ninh Chữ, Hòn Đỏ hay Bãi Thùng, các kiến trúc nghệ thuật đậm chất Chăm cũng là điểm đến hấp dẫn ở Ninh Thuận. Trong số đó, không thể không nhắc đến Tháp Po Klong Garai - Điểm sáng của văn hóa Chăm Pa cổ. Tháp này đã tồn tại hơn 800 năm và là điểm thăm quan quen thuộc của cả người dân địa phương lẫn du khách. Với vẻ đẹp cổ kính và kiến trúc độc đáo, Tháp Po Klong Garai hứa hẹn mang lại những trải nghiệm tâm linh đặc sắc, hãy ghi vào sổ tay du lịch Ninh Thuận của bạn ngay!
Tổng quan về Tháp Po Klong Garai ở Ninh Thuận
1.1 Tháp Po Klong Garai nằm ở đâu?
Tháp Po Klong Garai (hay còn gọi là Pôklông Garai) nằm trên đồi Trầu, thuộc phường Đô Vinh, Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận và cách trung tâm khoảng 7km về hướng Tây Bắc. Tháp Po Klong Garai bao gồm Tháp Chính, Tháp Cổng và Tháp Lửa, được xem là quần thể đền tháp kỳ vĩ nhất của người Chăm còn lại ở Việt Nam. Xây dựng từ cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV, Tháp Po Klong Garai là một trong những di tích lịch sử thu hút nhiều du khách đến khám phá và hiểu về văn hoá Chăm Pa.

Năm 1979, Tháp Po Klong Garai được Bộ Văn hóa và Thủ tướng Chính Phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt
1.2 Giá vé tham quan Tháp Po Klong Garai
Tháp Po Klong Garai là quần thể đền tháp duy nhất còn nguyên vẹn ở Việt Nam và là nơi diễn ra lễ hội Katê đặc biệt của người Chăm Pa hàng năm ở Ninh Thuận. Dưới đây là thông tin chi tiết về giá vé tham quan di tích nổi tiếng này.
- Thời gian mở cửa: 7:30 - 17:30 hàng ngày.
- Giá vé vào cổng: 10.000 VNĐ/trẻ em và 20.000 VNĐ/người lớn.
- Giá thuê xe điện: 25.000 VNĐ/người/vé khứ hồi.
1.3 Nên thăm Tháp Po Klong Garai vào thời gian nào?
Theo kinh nghiệm du lịch Ninh Thuận

Thời điểm lý tưởng để ghé thăm Tháp Po Klong Garai là vào những dịp lễ hội lớn
Hướng dẫn đường đi đến Tháp Po Klong Garai ở Ninh Thuận
Lộ trình từ trung tâm thành phố Phan Rang đến Tháp Po Klong Garai khá dễ dàng và chỉ mất khoảng 15 phút. Bạn bắt đầu từ vòng xoay trung tâm thành phố Phan Rang, tiếp tục đi dọc theo đường Ngô Gia Tự và sau đó chạy thẳng theo Quốc lộ 27 (mới) cho đến khi vượt qua cầu Tháp Chàm. Khi đến ngã tư, bạn rẽ trái vào đường Bác Ái và tiếp tục đi thẳng qua bảo tàng Văn hóa Dân tộc Chăm. Lúc này, bạn sẽ thấy con đường rẽ vào khu di tích Tháp Po Klong Garai ở phía bên tay phải.

Cổng vào di tích Tháp Po Klong Garai
Khám phá Tháp Po Klong Garai - Nơi lưu giữ những di sản cổ xưa của người Chăm
3.1 Trải nghiệm lối kiến trúc nghệ thuật đặc biệt
Đến với Tháp Po Klong Garai, mọi người sẽ bị ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo và nghệ thuật điêu khắc tinh tế tại đây. Quần thể bao gồm 3 ngọn tháp cao vút và nổi bật trên đỉnh núi Trầu. Các tháp bao gồm Tháp Cổng, Tháp Lửa và Tháp Chính, được xây dựng chắc chắn và hài hòa.
Tương tự như Tháp Hòa Lai và các tháp Chăm khác ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, Tháp Po Klong Garai được xây dựng từ vật liệu đặc biệt gọi là gạch non. Loại gạch này được làm hoàn toàn thủ công theo công thức độc đáo nên có độ bền cao và khả năng chống chọi với môi trường bên ngoài. Chính vì thế, các tháp của người Chăm có thể tồn tại qua hàng trăm năm mà không hề sụp đổ.
Với tuổi đời gần 800 năm, cụm Tháp Po Klong Garai hiện đã bị rêu phong phủ kín và có nhiều tổn thất. Tuy nhiên, vẻ đẹp cổ kính vẫn hiện diện qua từng chi tiết tinh xảo, thu hút mọi ánh nhìn. Chân tháp được xây dựng vững chắc, đỉnh tháp thiết kế theo lối đối xứng độc đáo. Các tượng và hoa văn trang trí cực kỳ tinh tế, phản ánh văn hoá Chăm Pa. Vẻ đẹp truyền thống của Tháp Po Klong Garai mang lại cảm giác lộng lẫy, tráng lệ nhưng cũng đầy bí ẩn, chắc chắn sẽ làm say lòng bất kỳ ai.

Po Klong Garai là tổ hợp gồm 3 ngọn tháp cao lớn, rất nổi bật

Nơi này sở hữu lối kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc rất độc đáo

Trải qua 800 năm với biết bao biến cố lịch sử, cụm tháp này vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính làm say đắm lòng người
3.2 Ngắm toàn cảnh Ninh Thuận từ trên cao
Tháp Po Klong Garai nằm trên đỉnh đồi cao, mang đến cho bạn cơ hội ngắm nhìn toàn bộ vùng quê Ninh Thuận dưới góc nhìn cao. Phong cảnh bình dị của vùng quê, những ngôi nhà nhỏ và cánh đồng rộng lớn nổi bật giữa núi rừng xanh mát tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đặc biệt, khoảnh khắc đẹp nhất là lúc hoàng hôn khi mặt trời dần khuất sau ngọn núi, để lại một bầu không khí yên bình. Lúc này, Tháp Po Klong Garai tỏa lên vẻ đẹp huyền bí, lôi cuốn lòng người muốn khám phá.

Từ đây, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng quê Ninh Thuận
3.3 Chụp ảnh check-in với nhiều bối cảnh tuyệt đẹp
Tháp Po Klong Garai còn được biết đến là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích chụp ảnh với vô vàn bối cảnh sống ảo đẹp mắt. Vẻ đẹp cổ kính và độc đáo của mỗi ngọn tháp là nền tảng hoàn hảo cho hàng ngàn bức ảnh sáng tạo. Nếu bạn sắp xếp trang phục phù hợp, mang đậm phong cách của các dân tộc ít người, bạn chắc chắn sẽ có những bức ảnh sống ảo lãng mạn!

Tháp Po Klong Garai là điểm đến cho muôn vàn kiểu ảnh sống ảo được triệu like. Ảnh: @cuongkhii
3.4 Trải nghiệm các lễ hội truyền thống
Hàng năm, Tháp Po Klong Garai tổ chức các lễ hội lớn để tưởng nhớ công ơn của vị vua Pôklông Garai. Tham gia vào những dịp lễ này, bạn có cơ hội hiểu sâu hơn về văn hóa của người Chăm Pa và tham gia vào không khí sôi động của lễ hội. Các lễ hội truyền thống tại Tháp Po Klong Garai bao gồm:
- Lễ mở cửa Tháp Po Klong Garai được tổ chức vào tháng Giêng theo lịch Chăm.
- Lễ cầu mưa vào tháng 4 theo lịch Chăm.
- Lễ hội Katê: Đây là lễ hội lớn nhất trong năm và diễn ra vào tháng 7 theo lịch Chăm. Trong 3 ngày của lễ hội Katê, bạn có thể thưởng thức các vũ điệu truyền thống của người Chăm cũng như nhiều hoạt động văn hóa khác.
- Lễ hội Chabun: Đây là lễ Cha trong tín ngưỡng của người Chăm Pa, được tổ chức vào tháng 9 theo lịch Chăm.

Không khí hân hoan, sôi động của lễ hội Katê. Ảnh: Võ Văn Định
Trải qua nhiều biến cố lịch sử và sự tàn phá của thời gian, Tháp Po Klong Garai vẫn giữ nguyên vẹn những hiện vật, dấu tích cổ xưa và các giá trị truyền thống lâu đời của văn hóa Chăm Pa. Nếu có dịp đến Ninh Thuận, đừng bỏ lỡ việc ghé thăm cụm tháp nổi tiếng này để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc nghệ thuật tinh tế và khám phá những nét tín ngưỡng tâm linh độc đáo của dân tộc Chăm Pa nhé!
Uyên Nhi
Nguồn: Tổng hợp