Bạn đã từng tự hỏi, nếu chúng ta tồn tại ở một vũ trụ song song, chúng ta sẽ trở nên như thế nào chưa?
Liệu những phiên bản của chúng ta ở vũ trụ đó có thể hoàn thiện hơn, hạnh phúc hơn, và thành công hơn so với chúng ta ở thực tại không?
Nếu chúng ta thực hiện những việc chúng ta chưa bao giờ thực hiện, nói những điều chúng ta chưa bao giờ nói, và đặt chân đến những nơi chúng ta chưa bao giờ đến, liệu chúng ta có thể trở nên khác biệt hơn so với hiện tại không?
Tôi tin rằng mọi người đều trải qua cảm giác như vậy đôi khi, đặc biệt là giới trẻ ngày nay. Chúng ta đang bị cuốn vào vòng quay của cuộc sống hiện tại. Một vòng quay không ngừng, không dừng lại. Áp lực, công việc, và các mối quan hệ không khỏi làm cho cuộc sống trở nên quá đỗi bận rộn và áp đặt lên chúng ta, ngày qua ngày.
Nhưng cuối cùng, thực tại là cái gì nhỉ?
Khái niệm “thực tại”
Có lẽ vì thực tại chính nó đã không bao giờ cố định. Giả sử trong thực tại, tôi vấp ngã trên cầu thang vì trượt chân. Nhưng giả sử chỉ sau 0,1 giây trước khi sự kiện thực tại xảy ra, tôi đã kịp nắm lấy tay cầu thang, điều này có nghĩa là sự kiện “tôi vấp ngã trên cầu thang” không tồn tại, vì nó không xảy ra. Vậy thì, điều đó có thể gọi là thực tại không?
Và chính vì vậy, việc con người cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của thực tại nghe có vẻ hết sức hài hước. Đúng hơn, có vẻ như nó vô lý.
Triết học Vô lý
(hiện tượng)
(bệnh phổi)
Đối diện với sự phi lý này, theo Albus Camus, con người có 3 lựa chọn:
– Tự tử (Kết thúc tất cả)
– Bước nhảy của niềm tin (Leap of faith): tin vào một tôn giáo hoặc một tồn tại tối thượng và vô song để đạt được ý nghĩa cao hơn và tìm kiếm lối thoát khỏi sự phi lý
– Chấp nhận cái phi lý (Chấp nhận điều phi lý)
Rõ ràng, lựa chọn tự sát là điều mà Camus phản đối đầu tiên, vì nó sẽ tạo ra một mâu thuẫn. Nếu một người chết, họ sẽ không thể tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, điều này sẽ là một sự phản đối với mục tiêu họ đã lựa chọn.
Tương tự, Camus cũng không đồng tình với lựa chọn thứ hai. Ông coi tôn giáo như một cách con người trốn tránh cái phi lý. Nếu có một tồn tại toàn năng, vậy tại sao những sự bất công và cái chết luôn là một phần của số phận con người? Tuy nhiên, lập luận chống lại tồn tại toàn năng dựa trên sự phi lý của thực tại này vẫn chưa thuyết phục và thiếu cơ sở. Vì cho dù từ chối tồn tại toàn năng như vậy, ai dám đảm bảo rằng cuộc đời họ sẽ không gặp phải bất kỳ sự phi lý nào?
Nhưng Camus lại ủng hộ lựa chọn thứ ba. Con người chấp nhận cái phi lý, rằng thực tại là vô nghĩa, nhưng vẫn cố gắng tìm ý nghĩa bằng cách đạt được mục tiêu mà họ tự đặt ra.
Với tôi, lý do chúng ta không cảm nhận được thực tại không phải là vì chúng ta không đủ khả năng để cảm nhận, mà là bởi bản chất của thực tại đã là phi lý, vì mọi thứ trong vũ trụ tồn tại ngẫu nhiên. (Nếu ngược lại, MỌI THỨ trong vũ trụ không tồn tại ngẫu nhiên mà đều tuân theo một quy luật, thì thực ra không có quy luật nào tồn tại cả!)
Nhìn vào, ta nhận ra rằng đúng là phi lý, chúng ta, từ những người trước đến những người sau, đều bước đi trên một con đường rất giống nhau: sinh ra, học hành, làm việc, lập gia đình. Rõ ràng chúng ta đều “tuân theo” những “cột mốc cuộc sống” gần như giống nhau, giống như một bánh xe trong bốn bánh xe của một chiếc xe. Nó chỉ có thể di chuyển theo hướng của ba bánh xe còn lại, không bao giờ di chuyển ngược lại. Một cuộc sống dường như tự động, máy móc. Một cuộc sống dường như là máy móc, không ý nghĩa. Nhưng con người vẫn theo đuổi, vẫn tin rằng chúng mang ý nghĩa, rằng những người không tuân theo con đường này mới là “Những kẻ rời bỏ, cuộc đời bỏ đi!”
Tuy nhiên, nhận định đó quá hạn chế, vì chúng ta chỉ nhìn vào một khía cạnh của vấn đề. Tùy thuộc vào góc nhìn, điều đó có thể là tốt hoặc xấu.
Tất cả chúng ta đều sinh ra trong một cộng đồng và chia sẻ một nhân tính chung (nếu không, thì chúng ta không thể được gọi là nhân loại!), và chính điều đó đã đưa chúng ta cùng nhau trên một con đường - con đường tìm kiếm ý nghĩa.
Tại sao ta lại là “người”? Tại sao ta lại sống như thế này?
Chúng ta nghĩ suy, phân vân, cảm thấy mơ hồ.
Nếu là chim, chúng ta sẽ bay trên bầu trời, săn mồi và thức ăn, sau đó đẻ trứng và chăm sóc con non. Chúng ta sẽ không suy nghĩ về việc tại sao mình là “chim”.
Nếu là thú rừng, chúng ta sẽ tránh kẻ săn mồi hoặc săn những con thú khác, sau đó đẻ con và chăm sóc chúng. Chúng ta sẽ không bận tâm về việc tại sao mình là “thú”.
Nếu là cây, chúng ta sẽ hít thở và quang hợp, sau đó thu hút côn trùng để thụ phấn, nở hoa và ra trái. Chúng ta sẽ không đặt câu hỏi về việc tại sao mình là “cây”.
Nếu là đá… Đúng vậy, đá không làm gì cả, chúng chỉ nằm yên đó. Chúng cũng không tò mò về việc tại sao chúng lại là “đá”.
….
Nhưng chúng ta là con người. Nếu chúng ta không nghĩ về cuộc sống, không tự hỏi, không tò mò, liệu chúng ta có khác gì những con chim, con thú, cây cỏ và sỏi đá ở ngoài kia không nhỉ?
Hãy tưởng tượng cuộc sống của mỗi con người như một tờ giấy trắng. Đó là điểm chung của tất cả mọi người trên thế giới, chúng ta bắt đầu từ một tờ giấy trắng không ý nghĩa. Rồi chúng ta bắt đầu vẽ lên đó. Khi chúng ta đặt bút vào giấy, điều đầu tiên chúng ta vẽ sẽ là một cái gì đó phản ánh môi trường xung quanh. Thậm chí cả bức vẽ của một đứa trẻ cũng vậy, nó phản ánh suy nghĩ của nó, và suy nghĩ lại phản ánh môi trường.
Nhưng các giai đoạn sau đó càng quan trọng hơn, chúng ta có tự do lựa chọn cách vẽ và vẽ điều gì. Chúng ta có thể vẽ tùy ý, theo ý muốn của mình, hoặc có thể vẽ môi trường xung quanh, hoặc kết hợp cả hai. Vì thực tại là vô lý, vũ trụ ngẫu nhiên không có quy luật, nên chúng ta hoàn toàn tự do. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm với hậu quả của lựa chọn của mình. Hãy suy nghĩ và lựa chọn, vì những suy nghĩ đó làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ý nghĩa.
Tóm lại, không phải vũ trụ đang chờ đợi chúng ta khám phá ý nghĩa, chỉ cần chúng ta tìm kiếm đủ lâu, đủ xa và đủ sâu, có lẽ sẽ tìm thấy. Chính vũ trụ không mang ý nghĩa.
Nhưng có sao đâu nhỉ?
Chúng ta giống như những viên đá lạnh lẽo, những cây cỏ lặng lẽ, hay những vì sao xa xôi trên bầu trời, cuối cùng cũng sẽ tan biến.
Nhưng qua trí óc, bằng tinh thần, bằng sức mạnh của ý chí và khả năng tưởng tượng, chúng ta vẫn có thể xây dựng ý nghĩa, không dành cho vũ trụ mà là cho bản thân mình. Hãy yêu thương, hát ca, khóc lóc, và mỉm cười rộn ràng!
Dù tôi chỉ là một sinh viên chuyên ngành không liên quan đến Văn học, với phong cách viết không gì nổi bật…
Nhưng đó là quyết định của tôi. Tôi chọn không từ bỏ chuyên ngành của mình, cũng như việc viết văn và sáng tác truyện song song với việc học. Và tôi không hối hận, dù điều đó tốn nhiều công sức hơn, đòi hỏi nhiều năng lượng hơn. Bởi tôi đã cân nhắc kỹ trước khi quyết định, và từ đó nhận ra ý nghĩa mà nó mang lại cho cuộc sống của tôi.
Có thể nó không lý thú, có thể nó chỉ là một ảo tưởng, nhưng ít nhất nó mang ý nghĩa với tôi, để tôi có thể sống trong thế giới phi lý này.
Người Sáng Tác: Tây Ngạn