Đây là nhà sản xuất duy nhất trong top 5 tăng trưởng tích cực về doanh số trong quý III/2022. Đồng thời, khoảng cách giữa nhà sản xuất này và người đứng đầu đang dần thu hẹp.
Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã trải qua một quý đầy khó khăn về doanh số, theo dữ liệu từ hãng nghiên cứu thị trường Canalys. Nhu cầu thấp của người tiêu dùng đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong doanh số smartphone toàn cầu.
Apple duy nhất tăng trưởng
Mặc dù doanh số giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, Samsung vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu thị trường với 64,1 triệu smartphone bán ra trong quý III. Thị phần của hãng đạt 22%.
Apple đứng ở vị trí thứ hai trên thế giới với 53 triệu iPhone bán ra, tăng 8% so với cùng kỳ. Apple hiện có 18% thị phần smartphone toàn cầu.
Doanh số của top 5 nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới trong quý III/2022 so với một năm trước. Dữ liệu từ Canalys.
Xiaomi vẫn ở vị trí thứ ba, nhưng đã ghi nhận sự suy giảm 8% với 40,5 triệu smartphone bán ra, chiếm 14% thị phần. Oppo kết thúc quý III ở vị trí thứ tư với doanh số giảm đến 22%. Hãng này đã bán được 28,5 triệu smartphone, chiếm 10% thị phần.
Vivo là cái tên cuối cùng trong top 5. Trong quý này, nhà sản xuất Trung Quốc bán được 27,4 triệu chiếc điện thoại di động, giảm 20% so với cùng kỳ, chiếm 9% thị phần. Tổng cộng, toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại thông minh đã bán được 297,8 triệu thiết bị, giảm 9% so với mức 325,6 triệu máy trong quý III/2021.
Điện thoại cao cấp vẫn là 'mỏ vàng'
Nhà phân tích Runar Bjorhovde của Canalý cho biết phân khúc duy nhất tăng trưởng trong quý vừa qua chính là phân khúc cao cấp. “Apple đạt mức thị phần quý III cao nhất từ trước đến nay, nhờ iPhone 13 và iPhone 14. Sự yêu thích của người dùng với iPhone 14 Pro và Pro Max sẽ giúp Apple bán được sản phẩm với giá trị trung bình (ASP) cao hơn, đồng nghĩa lợi nhuận lớn hơn”.
Không chỉ thống trị phân khúc cao cấp, Apple còn đang ngày càng thu hẹp khoảng cách về tổng doanh số điện thoại bán ra trong một năm so với Samsung - một dấu hiệu đáng lo ngại cho nhà sản xuất Hàn Quốc.
Về hệ điều hành Android, Bjorhovde cho biết “Samsung đã đổi mới dòng sản phẩm màn hình gập và tập trung mạnh vào các chiến lược marketing để tạo hứng thú và nhu cầu của người dùng với những chiếc điện thoại cao cấp mới”. Trong khi đó, Xiaomi cũng đang tấn công mạnh mẽ hơn vào nhiều thị trường quốc tế với hàng loạt sản phẩm mới để bù đắp cho lượng suy giảm tại thị trường nội địa. Oppo và Vivo chủ yếu chịu ảnh hưởng từ thị trường nội địa.
Quý IV có vẻ sẽ khó khăn
Nhà phân tích Toby Zhu của Canalys tin rằng sự suy giảm toàn cầu sẽ biến quý IV này trở thành quý tồi tệ nhất của thị trường di động trong một thập kỷ qua. Ông cũng dự đoán rằng các nhà sản xuất sẽ cố gắng “giữ vững” doanh số càng nhiều càng tốt trong quý này và đưa ra các chiến lược dài hạn hơn.
Về cụ thể các thị trường, châu Âu ghi nhận doanh số khá tốt nhờ sự tăng trưởng của thị trường Nga. Các nhà sản xuất Trung Quốc đang tỏ ra rất mạnh mẽ tại đây.
Trong khi đó, khu vực APAC (Châu Á - Thái Bình Dương) có những diễn biến đa dạng. Người ta kỳ vọng vào sự cải thiện nhu cầu ở các thị trường quan trọng như Ấn Độ, Indonesia, Philippines. Trong khi đó, các thị trường phụ thuộc nhiều vào kênh phân phối là nhà mạng như Bắc và Nam Mỹ đã có một quý không mấy ấn tượng do người dùng chờ đợi các chương trình khuyến mại cho mùa mua sắm cuối năm.