Thị trường tài chính |
---|
|
Thị trường trái phiếu |
|
Thị trường cổ phiếu |
|
Thị trường phái sinh |
|
Thị trường OTC |
|
Thị trường ngoại hối |
|
Các thị trường khác |
|
Mua bán trên thực tế |
|
Hệ thống Tài chính |
|
Thị trường tài chính là nơi mà các cá nhân và tổ chức có thể giao dịch các công cụ tài chính, hàng hóa, và các tài sản thay thế với chi phí giao dịch thấp và giá cả phản ánh cung cầu. Các công cụ tài chính bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, trong khi hàng hóa có thể là kim loại quý hoặc sản phẩm nông nghiệp.
Thị trường có thể là chung chung (giao dịch nhiều loại hàng hóa) hoặc chuyên biệt (chỉ giao dịch một loại hàng hóa). Nó hoạt động bằng cách tập hợp nhiều người mua và bán, bao gồm hộ gia đình, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ, vào một 'nơi' chung để họ có thể dễ dàng tìm thấy nhau. Một nền kinh tế dựa vào các tương tác giữa người mua và người bán để phân bổ nguồn lực được gọi là nền kinh tế thị trường, trái ngược với nền kinh tế kế hoạch hoặc nền kinh tế phi thị trường như nền kinh tế quà tặng.
Trong lĩnh vực tài chính, thị trường tài chính đóng vai trò trong việc:
- Cung cấp vốn (trong các thị trường vốn)
- Chuyển giao rủi ro (trong các thị trường phái sinh)
- Khám phá giá
- Thực hiện giao dịch toàn cầu với sự hội nhập của các thị trường tài chính
- Chuyển giao tính thanh khoản (trong các thị trường tiền tệ)
- Thực hiện thương mại quốc tế (trong các thị trường tiền tệ)
- và được dùng để kết nối những người cần vốn với những người có vốn.
Thường thì người vay sẽ phát hành một giấy nhận nợ cho người cho vay, cam kết hoàn trả vốn. Các giấy nhận nợ này là chứng khoán có thể mua bán tự do. Đổi lại việc cho vay, người cho vay kỳ vọng nhận được một khoản bồi thường dưới dạng lãi suất hoặc cổ tức. Việc hoàn vốn đầu tư là một phần thiết yếu của thị trường để bảo đảm các nguồn tiền được phân bổ đúng đắn. Thị trường tài chính tạo điều kiện cho việc vay vốn cả trong nước và quốc tế một cách dễ dàng hơn để giải quyết thâm hụt mà không cần phát hành tiền mới, từ đó giúp giảm lạm phát.
Cơ sở khách quan cho sự hình thành
Thị trường tài chính là kết quả tự nhiên của nền kinh tế thị trường, sự xuất hiện và tồn tại của thị trường này xuất phát từ nhu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng cung ứng vốn trong nền kinh tế phát triển. Trong nền kinh tế luôn tồn tại hai trạng thái đối lập: nhu cầu về vốn và khả năng cung cấp vốn. Mâu thuẫn này ban đầu được giải quyết qua hoạt động của ngân hàng như một trung gian trong quan hệ vay mượn giữa người có vốn và người cần vốn. Khi nền kinh tế hàng hóa phát triển, các phương thức huy động vốn mới linh hoạt hơn đã xuất hiện, đóng góp vào việc cân đối cung cầu về các nguồn lực tài chính trong xã hội, tạo ra các công cụ huy động vốn như trái phiếu, cổ phiếu của doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ... - Đó là các chứng khoán. Từ đó, nhu cầu mua bán và chuyển nhượng chứng khoán giữa các chủ sở hữu khác nhau đã phát sinh. Điều này dẫn đến sự hình thành của một thị trường để cân bằng cung cầu về vốn trong nền kinh tế, được gọi là thị trường tài chính.
Vì vậy, cơ sở khách quan cho sự hình thành thị trường tài chính là việc giải quyết mâu thuẫn giữa cung và cầu về vốn trong nền kinh tế thông qua các công cụ tài chính, đặc biệt là các chứng khoán, dẫn đến nhu cầu mua bán và chuyển nhượng chứng khoán giữa các bên khác nhau trong nền kinh tế. Chính sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa và tiền tệ, đỉnh cao là kinh tế thị trường, đã dẫn đến sự hình thành của một loại thị trường mới: thị trường tài chính.
Thị trường tài chính hình thành và phát triển đồng hành với sự tăng trưởng của nền kinh tế thị trường. Sự phát triển này đã tạo ra những đối tượng cần nguồn tài chính cũng như những người có khả năng cung cấp nguồn tài chính. Khi nền kinh tế thị trường tiếp tục mở rộng, các hoạt động phát hành và giao dịch chứng khoán cũng gia tăng, dẫn đến việc hình thành một thị trường đặc thù giúp kết nối cung cầu nguồn tài chính một cách dễ dàng và thuận tiện hơn, chính là thị trường tài chính.
Các điều kiện cần có để hình thành thị trường tài chính
- Nền kinh tế hàng hóa phải phát triển, tiền tệ ổn định và lạm phát được kiểm soát hiệu quả;
- Các công cụ của thị trường tài chính cần đa dạng để tạo ra các phương tiện chuyển giao quyền sử dụng nguồn tài chính;
- Xây dựng và mở rộng hệ thống các trung gian tài chính;
- Phải có hệ thống pháp luật và cơ quan quản lý nhà nước hoàn chỉnh để giám sát hoạt động của thị trường tài chính;
- Cần thiết lập cơ sở vật chất kỹ thuật và hệ thống thông tin kinh tế hỗ trợ hoạt động của thị trường tài chính;
- Cần có đội ngũ các chuyên gia kinh doanh, quản lý am hiểu về thị trường tài chính và một cộng đồng các nhà đầu tư có kiến thức và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Các công cụ trên thị trường tài chính
Để chuyển nhượng quyền sử dụng các nguồn tài chính, các công cụ chủ yếu được áp dụng trên thị trường tài chính là các loại chứng khoán. Chứng khoán là các tài liệu dưới dạng giấy hoặc ghi trên thiết bị điện tử, xác nhận quyền hợp pháp của người sở hữu chứng từ đối với tổ chức phát hành; hoặc chứng khoán có thể là chứng nhận hoặc bút toán trên sổ, xác nhận quyền lợi hợp pháp của người sở hữu đối với tổ chức phát hành.
Chứng khoán có nhiều loại và có thể phân loại chúng theo các tiêu chí khác nhau:
- Dựa trên thời gian huy động vốn:
- Chứng khoán ngắn hạn, với thời gian dưới 1 năm;
- Chứng khoán trung hạn và dài hạn. Trung hạn từ 1 đến 5 năm, dài hạn trên 5 năm.
- Dựa vào tổ chức phát hành:
- Chứng khoán của chính phủ từ trung ương đến địa phương;
- Chứng khoán của các ngân hàng và tổ chức tín dụng;
- Chứng khoán doanh nghiệp.
- Dựa trên lợi tức:
- Chứng khoán với lợi tức ổn định;
- Chứng khoán với lợi tức không ổn định.
- Dựa vào tiêu chuẩn pháp lý:
- Chứng khoán vô danh;
- Chứng khoán hữu danh.
- Dựa trên loại chứng khoán:
- Cổ phiếu (chứng khoán vốn);
- Trái phiếu (chứng khoán nợ);
- Chứng khoán phái sinh.
- Dựa vào tính chất của người phát hành:
- Chứng khoán khởi thuỷ;
- Chứng khoán thứ cấp.
Cấu trúc của thị trường tài chính
- Dựa vào thời gian sử dụng nguồn tài chính huy động
- Thị trường tiền tệ: Là nơi giao dịch các công cụ tài chính ngắn hạn (thời gian thanh toán dưới 1 năm);
- Thị trường vốn: Nơi diễn ra giao dịch các công cụ nợ dài hạn như cổ phiếu và trái phiếu. Thị trường vốn bao gồm ba phần chính: thị trường cổ phiếu, thị trường cho vay thế chấp và thị trường trái phiếu.
- Căn cứ vào phương pháp huy động vốn tài chính
- Thị trường trái phiếu: Đây là phương pháp phổ biến mà các doanh nghiệp áp dụng để vay vốn từ thị trường tài chính bằng cách phát hành các công cụ nợ như trái phiếu hoặc vay thế chấp. Các công cụ nợ này được quy định bằng hợp đồng với lãi suất cố định và vốn sẽ được hoàn trả vào cuối kỳ hạn. Kỳ hạn dưới 1 năm gọi là ngắn hạn, từ 1 năm trở lên là trung và dài hạn. Thị trường trái phiếu là nơi diễn ra việc giao dịch các công cụ nợ này;
- Thị trường chứng khoán: Phương pháp thứ hai để huy động vốn là phát hành cổ phiếu. Người sở hữu cổ phiếu sẽ nắm giữ một phần tài sản của công ty và có quyền nhận lợi nhuận sau khi trừ chi phí, thuế và khoản thanh toán cho các chủ nợ (người sở hữu công cụ nợ).
- Căn cứ vào sự luân chuyển vốn tài chính
- Thị trường sơ cấp: Là thị trường tài chính nơi các chứng khoán mới được phát hành và giao dịch lần đầu tiên. Việc mua bán chứng khoán trên thị trường sơ cấp thường được thực hiện qua các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính trung gian;
- Thị trường thứ cấp: Là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trước đó. Khi giao dịch trên thị trường thứ cấp, người bán chứng khoán nhận tiền từ giao dịch nhưng công ty phát hành không nhận được tiền mới, vốn chỉ được thu khi chứng khoán được bán lần đầu trên thị trường sơ cấp.
- Căn cứ vào khía cạnh pháp lý
- Thị trường tài chính chính thức: Đây là phần của thị trường tài chính nơi tất cả các hoạt động huy động, cung cấp, và giao dịch tài chính đều được thực hiện theo các quy định và thể chế mà nhà nước đã đặt ra trong các văn bản pháp lý. Các bên tham gia đều được pháp luật công nhận và bảo vệ;
- Thị trường tài chính không chính thức: Đây là nơi các hoạt động huy động, cung cấp, và giao dịch tài chính diễn ra mà không tuân theo các quy định và thể chế của nhà nước.
Chức năng và Vai trò của thị trường tài chính
Chức năng của thị trường tài chính
- Chức năng kết nối nguồn tài chính từ những người có khả năng cung cấp vốn đến những người cần vốn:
- Thị trường tài chính hoạt động như cầu nối giữa người tiết kiệm và người cần vốn đầu tư, giúp chuyển giao nguồn vốn từ những người không có cơ hội đầu tư đến những người có khả năng sinh lời từ vốn.
- Thị trường tài chính thúc đẩy việc tích lũy và tập trung nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất.
- Thị trường tài chính nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, không chỉ cho người đầu tư mà còn cho người vay vốn. Người cho vay nhận lãi từ khoản vay, trong khi người vay cần sử dụng vốn một cách hiệu quả để hoàn trả cả vốn lẫn lãi, đồng thời tạo ra thu nhập và tích lũy cho bản thân.
- Thị trường tài chính hỗ trợ thực hiện các chính sách kinh tế của Chính phủ, như phát hành trái phiếu quốc tế, bán cổ phần, và thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất trong nước.
- Thị trường tài chính cho phép thực hiện các giao dịch liên quan đến chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu, và đổi tiền.
- Chức năng cung cấp tính thanh khoản cho các chứng khoán;
- Chức năng cung cấp thông tin về kinh tế và đánh giá giá trị của doanh nghiệp.
Vai trò của thị trường tài chính
- Thị trường tài chính thu hút và huy động các nguồn vốn từ cả trong và ngoài nước, đồng thời khuyến khích việc tiết kiệm và đầu tư;
- Thị trường tài chính nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn;
- Khuyến khích việc tiết kiệm và đầu tư;
- Thị trường tài chính thực hiện các chính sách tài chính và tiền tệ của nhà nước.
- Tài chính
- Tài chính doanh nghiệp