Andromeda (tiếng Hy Lạp: Ἀνδρομέδη/Andromédē) là một công chúa đẹp tuyệt vời trong thần thoại Hy Lạp. Chính vì sắc đẹp kiều diễm, nàng phải hy sinh để cứu vương quốc Aethiopia. Công chúa bị lột trần và xích lên vách đá làm vật hiến tế cho một con quái vật biển nhằm chuộc lỗi cho sự tự phụ của mẹ nàng, hoàng hậu Cassiopeia. Cuối cùng, nàng được giải cứu bởi dũng sĩ Perseus, người sẽ trở thành chồng của nàng.
Câu chuyện
Công chúa Andromeda, con gái của vua Cepheus và hoàng hậu Cassiopeia, nổi tiếng với vẻ đẹp kiêu sa ở vương quốc Aethiopia. Cassiopeia tự hào rằng Andromeda, người được cho là mang vẻ đẹp của chính bà, đẹp hơn cả các nữ thần biển Nereid (50 nàng tiên biển tuyệt sắc con của thần biển Nereus). Sự kiêu ngạo này đã khiến các Nereid báo với thần Poseidon. Để trừng phạt sự kiêu hãnh của hoàng hậu, Poseidon, chúa tể của biển cả và anh trai của thần Zeus, đã gửi lũ lụt và một con quái vật biển tên Cetus đến tàn phá vương quốc và ăn thịt dân chúng.
Cepheus đã nhờ các vị tiên tri tư vấn cách cứu vương quốc. Họ cho biết Aethiopia sẽ được cứu nếu ông dâng hiến con gái mình cho quái vật biển Cetus. Dù không muốn, nhà vua vẫn phải chấp nhận. Công chúa Andromeda được đưa ra bờ biển và bị các nữ thần biển xích vào một tảng đá. Để quái vật nhận ra nàng là con mồi, nàng bị lột sạch quần áo, chỉ còn lại những món trang sức lấp lánh dưới ánh nắng (thường thì việc lột trần và trang điểm cho nạn nhân là cách khiến quỷ thần cảm thấy món ăn thêm hấp dẫn).
Công chúa đứng trên vách đá, sợ hãi và nhợt nhạt khi chờ đợi số phận. Thi sĩ La Mã Ovid mô tả trong tác phẩm của ông rằng làn da Andromeda trắng đến mức thần Perseus ban đầu tưởng nàng là một bức tượng đá cẩm thạch. Chỉ khi gió thổi mái tóc và những giọt nước mắt trên má nàng, chàng mới nhận ra đây không phải tượng đá mà là một cô gái xinh đẹp bị trói và lột trần, đang khóc lóc thảm thiết. Vẻ đẹp yếu đuối của nàng làm trái tim chàng rung động khi quái vật Cetus tiến đến chuẩn bị ăn thịt.
Perseus đã tiếp cận và tiêu diệt Cetus bằng lưỡi hái của Hermes để giải cứu Andromeda. Được cảm động bởi ân nhân, công chúa Andromeda đồng ý lấy Perseus, con trai của thần Zeus và công chúa Danaë xứ Argos, mặc dù trước đó nàng đã hứa hôn với Phineus, người không đủ dũng cảm bảo vệ nàng. Lễ cưới diễn ra trong tranh cãi khi Agenor xuất hiện đòi lại công chúa, và Perseus phải sử dụng đầu của Medusa để hóa Agenor thành đá. Sau đám cưới, Perseus đưa Andromeda trở về hòn đảo Serriphos quê hương của mình. Họ có sáu con trai: Perses, Alcaeus, Heleus, Mestor, Sthenelus, và Electryon, cùng hai con gái, Autochthe và Gorgophone. Hậu duệ của họ sau này cai trị Mycenae từ Electryon đến Eurystheus.
Nghệ thuật
Câu chuyện về công chúa Andromeda là một trong những tích điển nổi tiếng, rất phổ biến trong nghệ thuật cổ điển và văn học. Thi sĩ Ovid đã mô tả 'sự bất công mà công chúa phải chịu' trong tập thứ tư của tác phẩm thơ nổi tiếng Metamorphoseon Libri. Từ thời Phục hưng, Andromeda thường thu hút sự chú ý. Tình trạng bị trói và trần truồng của công chúa trở thành chủ đề nổi bật trong các bức tranh khỏa thân, một thể loại rất được ưa chuộng trong hội họa.
Sự trần truồng của Andromeda trong các tác phẩm điêu khắc và tranh vẽ biểu thị sự ngây thơ, yếu đuối và dễ bị tổn thương của con người, phản ánh đặc trưng của nền văn hóa Phục hưng. Chủ đề này được thể hiện liên tục suốt thế kỷ XIX. Vào năm 1973, một bộ phim hoạt hình ngắn mang tên Perseus được sản xuất tại Liên Xô. Công chúa Andromeda cũng xuất hiện trong bộ phim Clash of the Titans năm 1981, kể lại câu chuyện của Perseus.
Chòm sao Andromeda
Thiên hà Andromeda, còn được gọi là Thiên hà Tiên Nữ, có thể được biểu diễn trên bầu trời phía bắc bởi chòm sao Andromeda. Qua chòm sao này, chúng ta có thể quan sát các ngôi sao mờ bằng mắt thường và tưởng tượng về một công chúa bị trói, đối diện hoặc quay lưng với mặt phẳng hoàng đạo.
Chú thích
- Bibliotheca II, iv, 3-5.
- Edith Hamilton, Mythology, Phần Ba, trang 204-207.
- Ovid, Biến Hình IV, 668-764.