1. Tại sao cơ thể mắc phải tình trạng thiếu máu?
1.1. Khái niệm thiếu máu là gì?
Thiếu máu được định nghĩa là tình trạng giảm hemoglobin hữu dụng lưu hành trong máu. Bên cạnh đó, thiếu máu cũng xảy ra khi các tế bào hồng cầu không chứa đủ huyết sắc tố (hemoglobin) cần thiết - một loại protein giàu chất sắt có vai trò quan trọng trong việc mang oxy từ phổi đến các mô tế bào khác trong cơ thể.
1.2. Thiếu máu có nguyên nhân từ đâu?
Thiếu máu thường do các nguyên nhân chính sau đây:
- Mất máu
Do mất máu nên cơ thể sẽ tự phản ứng bằng cách hút nước từ các mô bên ngoài máu để các mạch máu được lấp đầy. Lượng nước bổ sung này sẽ khiến cho máu bị loãng ra, tế bào hồng cầu cùng vì thế mà bị pha loãng theo. Nguyên nhân gây mất máu thường gặp là: vỡ mạch máu, chấn thương, sinh con, phẫu thuật, loét dạ dày, bệnh trĩ, khối u, bệnh ung thư,...
Chảy máu từ bệnh trĩ có thể gây ra tình trạng thiếu máu
- Mắc một số bệnh mạn tính
Một số bệnh lý mạn tính như: suy giáp, bệnh gan do thuốc, bệnh thận hoặc một số bệnh nhiễm trùng, ngộ độc kim loại hoặc ung thư cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu.
- Sản xuất hồng cầu bị lỗi hoặc giảm
+ Thiếu máu hồng cầu hình liềm
Khi các tế bào hồng cầu biến dạng và bị phá vỡ một cách nhanh chóng, bất thường hay bị mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ hơn sẽ gây ra tình trạng thiếu máu.
+ Thiếu máu do thiếu sắt
Không có đủ lượng sắt cho cơ thể khiến cho tế bào hồng cầu được sản xuất ra rất ít gây nên thiếu máu. Nguyên nhân của điều này thường do chế độ dinh dưỡng kém, có vấn đề về tiêu hóa, hiến máu quá nhiều,...
+ Vấn đề về tủy xương và tế bào gốc
Tủy được tìm thấy ở trung tâm của xương, có dạng mô mềm và xốp. Tủy xương góp phần tạo ra các tế bào gốc để phát triển thành các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Một số bệnh lý ảnh hưởng đến tủy xương sẽ làm phá vỡ sự sản xuất bình thường của các tế bào hồng cầu và gây thiếu máu.
- Thiếu vitamin
Việc sản xuất hồng cầu rất cần đến folate và vitamin B-12. Bị thiếu một trong hai vitamin này, lượng hồng cầu được sản xuất ra sẽ rất thấp nên thiếu máu là khó tránh.
- Tế bào hồng cầu bị phá hủy
Vòng đời của các tế bào hồng cầu ở trong máu thường khoảng 120 ngày. Tuy nhiên, chúng có thể bị phá hủy hoặc loại bỏ từ trước đó nên gây ra thiếu máu. Nguyên nhân hồng cầu bị phá vỡ quá mức thường do: sử dụng một số loại thuốc, nhiễm trùng, nhiễm độc nhện hoặc rắn, van tim giả hoặc ghép mạch máu, lá lách tăng kích thước, rối loạn đông máu,...
2. Dấu hiệu cho thấy bị thiếu máu là gì?
Ở mức độ nhẹ, hầu hết các trường hợp thiếu máu không có dấu hiệu nào rõ ràng nên chủ yếu được phát hiện thông qua các lần kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc thực hiện xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh lý. Tuy nhiên, khi gặp những dấu hiệu sau, bạn có thể nghi ngờ về tình trạng thiếu máu:
Người bị thiếu máu rất dễ cảm thấy choáng váng, chóng mặt
- Da dẻ xanh xao, nhợt nhạt.
- Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, uể oải, suy nhược cơ thể.
- Thường cảm thấy căng thẳng.
- Đau đầu đặc biệt phổ biến.
- Khó tập trung suy nghĩ hoặc làm việc.
- Móng tay dễ gãy, yếu.
- Nhịp tim bị rối loạn.
- Cảm giác choáng váng khi đột ngột thay đổi tư thế.
- Thở hổn hển hoặc khó thở.
- Đau ngực.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra thiếu máu, các dấu hiệu có thể khác nhau ở mỗi người, như:
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm: da vàng, tay chân sưng đau, mệt mỏi,...
- Thiếu máu trong tuyến: đau bụng, sốt, da vàng, nước tiểu sẫm màu,...
- Thiếu máu kém sản xuất: nhiều lần nhiễm trùng, phát ban, sốt,...
- Thiếu máu do thiếu axit folic: bề mặt lưỡi trơn bóng, tiêu chảy,…
3. Cảnh báo về nguy cơ của thiếu máu
Thiếu máu ở mức độ nhẹ không đáng lo ngại vì có thể cải thiện bằng dinh dưỡng, bổ sung sắt và một số loại vitamin. Tuy nhiên, nếu do bệnh lý, cần điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể.
Các biến chứng nguy hiểm của thiếu máu bao gồm:
- Suy nhược cơ thể nặng: người bệnh mệt mỏi đến mức khó thực hiện các hoạt động hàng ngày.
- Thai kỳ: phụ nữ mang thai thiếu máu do thiếu axit folic rất dễ sinh non.
- Vấn đề về tim: rối loạn nhịp tim, đặc biệt là nhịp tim nhanh không bình thường do thiếu máu gây ra. Điều này là do để bù đắp lượng hồng cầu bị mất, tim phải bơm máu nhiều hơn bình thường. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy tim.
- Tử vong: Thiếu máu di truyền có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Hơn nữa, thiếu máu kéo dài có thể gây ra mất máu lớn, gây thiếu máu cấp tính và dẫn đến tử vong.
Xét nghiệm máu thường được sử dụng để chẩn đoán thiếu máu
4. Phương pháp chẩn đoán thiếu máu
Thường thì người bệnh không thể tự chẩn đoán được liệu mình có bị thiếu máu không mà cần sự hỗ trợ từ y tế. Bác sĩ thường tiến hành kiểm tra lâm sàng và thực hiện xét nghiệm máu để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Trong quá trình này, xét nghiệm máu thường được sử dụng để đo lượng tế bào hồng cầu và hemoglobin trong máu.
Ngoài ra, bác sĩ có thể kiểm tra một số tế bào hồng cầu dưới kính hiển vi để đánh giá màu sắc, hình dạng và kích thước của chúng. Nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể tiến hành các thử nghiệm khác để tìm ra nguyên nhân của thiếu máu và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.