Thỏ New Zealand trắng hay thỏ trắng New Zealand là giống thỏ phổ biến ở châu Âu và Mỹ, được nuôi chủ yếu để lấy thịt và làm cảnh. Giống thỏ này có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt ngon, và phân thỏ có tác dụng làm phân bón cho cây cảnh. Lông thỏ còn được dùng trong ngành thuộc da. Ở Việt Nam, chúng còn được gọi là thỏ New Zealand vì không có giống khác du nhập.
Đặc điểm
Hình dáng
Thỏ New Zealand trắng có bộ lông trắng dày và mắt đỏ hồng, giúp phân biệt rõ với các giống thỏ khác nhờ màu sắc nổi bật. Thỏ trưởng thành nặng khoảng 4,5–5 kg, với trọng lượng có thể lên tới 5,5 kg. Thỏ lớn nhanh, từ khi sinh đến khi xuất chuồng khoảng 3 tháng, đạt trọng lượng từ 2,2–2,5 kg. Khối lượng sơ sinh từ 50 - 60g, cai sữa đạt 600 - 700g, 3 tháng tuổi nặng 2,8 - 3,0 kg, trưởng thành nặng 4,5 - 5,5 kg và tỷ lệ xẻ thịt từ 52 - 55%. Thịt thỏ có chất lượng cao, chứa nhiều đạm (18,5%), ít mỡ (7,4%), nhiều khoáng (0,64%) và cholesterol thấp (1,36 mg/100g VCK). Thịt thỏ bổ dưỡng, tốt cho người tim mạch, người già và người béo phì.
Thỏ New Zealand không có sự khác biệt rõ ràng về giới tính qua ngoại hình, vì vậy cần kiểm tra bộ phận sinh dục để phân biệt. Cầm da gáy thỏ lên, một tay giữ đuôi thỏ, tay còn lại ấn nhẹ vào lỗ sinh dục. Nếu lỗ sinh dục có hình trụ và xa hậu môn là con đực, còn nếu lỗ sinh dục kéo dài thành khe gần hậu môn là con cái. Khi chọn giống, thỏ từ 45 - 50 ngày tuổi, nặng từ 1,5 - 1,7 kg, phải hoạt bát, không bị thương tật hay dị tật.
Tập quán ăn uống
Thỏ New Zealand trắng là loài ăn tạp với chế độ ăn đa dạng, chủ yếu là thức ăn xanh như rau, củ quả và một lượng cám tinh. Mỗi ngày, lượng thức ăn cho thỏ chiếm 30 - 40% trọng lượng cơ thể. Thức ăn thô xanh chiếm 50-60% khẩu phần, bao gồm thân lá cây họ đậu (như đậu xanh, đậu tương), thân lá cây lương thực (như sắn, ngô), và lá rau (như rau muống, cải, bắp cải). Thức ăn củ quả chiếm 30% khẩu phần, gồm chuối, bí đỏ, cà rốt, ngô, khoai, sắn.
Thỏ cần nước sạch từ 0,1 - 0,5 lít mỗi ngày và phải được thay hàng ngày. Thỏ có thể chết không phải vì uống nước hay ăn cỏ ướt mà do uống nước bẩn hoặc ăn rau bị nhiễm độc. Thức ăn thừa không được ăn hết trong 12 giờ cần được loại bỏ để tránh ôi thiu và mốc. Thỏ ăn nhiều vào ban đêm, gấp 2 - 2,5 lần so với ban ngày. Vào buổi sáng, thỏ uống nước và ăn thức ăn hạt hoặc hỗn hợp thức ăn tinh. Trước khi giết thịt 7 ngày, nên giảm thức ăn thô như cỏ khô để cải thiện chất lượng thịt.
Sinh sản
Thỏ là loài động vật rất mắn đẻ, trung bình mỗi năm đẻ từ 7 - 8 lứa, mỗi lứa từ 6 - 7 con. Thỏ bắt đầu động dục khi được 4-4,5 tháng tuổi và phối giống lần đầu vào khoảng 5-6 tháng tuổi. Đối với thỏ lần đầu sinh sản, không có dấu hiệu động dục rõ ràng bên ngoài, do đó cần dựa vào độ tuổi để phối giống. Thỏ đã sinh sản sẽ có niêm mạc âm hộ sưng và có màu đỏ khi động dục. Thỏ New Zealand đẻ trung bình 6-7 lứa mỗi năm, mỗi lứa 7-8 con. Thời gian thai kỳ kéo dài từ 28-32 ngày, trong thời gian này cần nuôi tách biệt thỏ mang thai để tránh hiện tượng đùa giỡn làm động thai.
Thỏ sơ sinh nặng khoảng 55-60g, cai sữa ở khoảng 1 tháng tuổi nặng từ 650-700g, và khi 3 tháng tuổi đạt khoảng 2,8–3 kg. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng thỏ có thể đạt gần 3 kg. Thỏ hậu bị thường nặng từ 3-3,5 kg.
Thỏ đực bắt đầu phối giống khi 8 tháng tuổi, trong khi thỏ cái có thể phối giống khi 6 tháng tuổi. Khi thỏ cái động dục, bộ phận sinh dục của nó sẽ sưng lên và có màu đỏ. Đưa thỏ cái vào chuồng thỏ đực để phối giống (nếu làm ngược lại, thỏ đực có thể không phối hoặc phối kém hiệu quả). Để đạt hiệu quả cao, nên cho thỏ cái phối giống với hai thỏ đực khác nhau, đực non phối trước và đực già phối sau, cách nhau 4 - 6 giờ.
Chăn nuôi
Thỏ New Zealand sở hữu nhiều ưu điểm nổi bật so với các giống thỏ khác như tốc độ phát triển nhanh, khả năng sinh sản cao và thịt ngon. Chúng trưởng thành sớm, nhiều thịt và phù hợp cho cả chăn nuôi công nghiệp và gia đình. Thỏ New Zealand thích nghi tốt với nhiều loại khí hậu và đất đai, đặc biệt là ở tỉnh Bình Phước. Với diện tích đất khoảng 130m2, có thể xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi khoảng 600 con. Để cải thiện giống, thỏ New Zealand có thể phối giống với thỏ mắt ngọc địa phương, cho ra đời đàn thỏ lai lớn nhanh và ít bệnh. Da thỏ trắng New Zealand cũng được người Nhật dùng để chế tạo dược phẩm phục vụ nhu cầu sức khỏe con người.
Chú thích
Liên kết ngoài
- Rubins, Suzanne (2001). “Sắc Đẹp Đơn Giản: Ca Ngợi Thỏ Trắng New Zealand”. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 4 năm 2013. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2006.
- American Federation of New Zealand Rabbit Breeders
- ARBA
- Lịch sử Giống Thỏ New Zealand
- Các Giống Thỏ