1. Giới thiệu chung về bệnh thoát vị thành bụng bẩm sinh
Thoát vị (hay còn gọi là hernia) thành bụng là một bệnh lý xảy ra khi các tạng bên trong cơ thể bị thoát khỏi vị trí của chúng và nằm ngoài thành bụng. Những vị trí hernia thường là những chỗ yếu của thành bụng, nơi có lớp cơ mỏng, yếu. Ngoài thoát vị thành bụng còn có thoát vị bẹn, thoát vị lưng, thoát vị vùng chậu,…
Thoát vị thành bụng xảy ra khi các tạng bên trong cơ thể thoát ra khỏi ổ bụng
Tùy theo nguyên nhân mà thoát vị thành bụng được chia thành hai loại là: thoát vị thành bụng do bẩm sinh hoặc sau phẫu thuật. Trong đó, thoát vị thành bụng bẩm sinh là một dị tật bẩm sinh thường xuất hiện ở trẻ sinh non. Bệnh xảy ra ngay khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ, do sự hình thành chưa hoàn thiện của thành bụng làm cho một phần nội tạng phát triển đẩy ra bên ngoài ổ bụng.
Căn bệnh này rất nguy hiểm đối với sức khỏe, đặc biệt là khi xảy ra ở trẻ sơ sinh. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng thì khối thoát vị dễ bị viêm, hoại tử, làm tắc ruột và nhiễm trùng. Từ đó gây nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng con người.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh là gì?
Thoát vị thành bụng bẩm sinh là do sự bất thường hay thiếu sót trong quá trình thai nhi phát triển trong bụng mẹ. Tuy nhiên, về nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh thì đến nay các nhà khoa học vẫn chưa xác minh rõ ràng. Một số ý kiến cho rằng sự thay đổi hormone trong giai đoạn thai kỳ có thể ảnh hưởng đến tình trạng này, hoặc là do gen của thai nhi. Ngoài ra một số yếu tố khác như thức ăn, thuốc, các chất kích thích, hóa học mà người mẹ sử dụng cũng có thể gây nên chứng thoát vị thành bụng ở trẻ.
Một số yếu tố được cho rằng làm tăng nguy cơ gây thoát vị thành bụng bẩm sinh:
Người mẹ mang thai khi tuổi còn quá trẻ: Khi tuổi còn quá trẻ, cơ thể người mẹ phát triển chưa toàn diện có thể dẫn đến nhiều rủi ro trong quá trình mang thai, trong đó bao gồm cả chứng thoát vị thành bụng ở thai nhi.
Thói quen sống thiếu lành mạnh trong thai kỳ: sử dụng thức uống có cồn, chất kích thích, thuốc lá,… là các yếu tố có thể dẫn đến bệnh này.
Hút thuốc lá trong thai kỳ là nguy cơ dẫn đến dị tật thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh
3. Triệu chứng thường gặp và phương pháp chẩn đoán
Triệu chứng
Hernia thành bụng bẩm sinh có thể dễ dàng phát hiện bằng mắt thường khi thấy một khối lồi ra tại một phần của thành bụng. Khi nhìn kỹ có thể thấy rõ ruột chứa trong túi lồi đó. Một số phần có màu tối do tiếp xúc với dịch ối trong quá trình mang thai.
Trẻ sơ sinh mắc dị tật này thường có lỗ thoát vị (hay còn gọi là lỗ mở) rộng khoảng 2 - 5 cm, phần bụng hơi nhỏ hơn so với trẻ sơ sinh bình thường. Lỗ mở này thường nằm ở bên trái. Nhiều trường hợp bên trong túi thoát vị có thể có cả dạ dày.
Tại túi thoát vị, ruột có thể hơi sưng, viêm, dày lên và mặt ngoài có bị xơ do tiếp xúc trực tiếp với nước ối. Ruột có hiện tượng bị quay, không sắp xếp như bình thường và có xu hướng dễ bị xoắn lại với nhau, điều này có thể dẫn đến tắc nghẽn, hẹp lòng và hoại tử ruột. Nếu ruột bị tổn thương như viêm, hoại tử nặng thì có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiêu hóa thức ăn của trẻ sau này.
Ảnh em bé mới sinh đang được điều trị
Chẩn đoán thoát vị bụng ở trẻ sơ sinh:
Trong suốt quá trình mang thai, người mẹ thường không có dấu hiệu gì để nhận biết liệu con của mình có bị thoát vị bụng không. Tuy nhiên, thoát vị bụng ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện sớm thông qua siêu âm. Đó chính là lý do tại sao việc thực hiện siêu âm định kỳ khi mang thai là điều cực kỳ quan trọng đối với phụ nữ mang thai.
Ngoài việc sử dụng siêu âm, việc phát hiện dị tật này cũng có thể thông qua một xét nghiệm khác. Xét nghiệm máu có thể phát hiện một loại protein có tên alpha-fetoprotein, nếu nồng độ của loại protein này cao hơn mức bình thường thì có khả năng cao rằng em bé sẽ mắc thoát vị bụng.
Nếu trong suốt quá trình mang thai, người mẹ không thực hiện các kiểm tra sàng lọc, thì có thể chẩn đoán dị tật này ngay sau khi sinh dựa trên các triệu chứng trên cơ thể thai nhi.
4. Điều trị và phòng tránh bệnh
Điều trị:
Để điều trị thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh, cần phải thực hiện phẫu thuật để đặt lại các cơ quan nội tạng vào vị trí ban đầu và khắc phục khuyết điểm bẩm sinh trên thành bụng. Trẻ sơ sinh mắc bệnh có thể phải phẫu thuật một lần để đặt ruột vào ổ bụng khi lỗ trên thành bụng nhỏ, dễ xử lý. Tuy nhiên, cũng có thể cần thực hiện hai hoặc nhiều cuộc phẫu thuật điều trị nếu lỗ hở trên thành bụng quá lớn hoặc có các yếu tố nguy hiểm khác như viêm nặng, hoại tử,...
Trước và sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ được cung cấp dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch với đầy đủ dưỡng chất cần thiết. Sau khi cơ thể trẻ phục hồi, sẽ được ăn như bình thường. Lưu ý sau phẫu thuật cần phải điều trị bằng kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh nhiễm trùng sau mổ.
Phòng tránh bệnh:
Để phòng tránh dị tật thoát vị thành bụng bẩm sinh ở trẻ, các bà mẹ có thể thực hiện các biện pháp sớm như:
-
Không nên mang thai khi tuổi còn quá trẻ, điều này không chỉ giúp phòng tránh thoát vị thành bụng bẩm sinh mà còn nhiều bệnh nguy hiểm khác ở mẹ và bé.
-
Kiểm tra sức khỏe định kỳ trong khi mang thai để theo dõi sự phát triển của thai nhi, kịp thời phát hiện những bất thường để sớm có hướng xử trí thích hợp.
-
Trong thời gian mang thai, hạn chế sử dụng thức uống có cồn và các chất kích thích khác.
Siêu âm thai có thể phát hiện sớm dị tật